| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời nhờ nước sạch

Thứ Ba 07/12/2010 , 10:39 (GMT+7)

Trước đây, hai xã vùng cao Bình Long và Dân Tiến được coi là địa bàn khô khát nhất của Thái Nguyên, nhưng nay thì đã khác.

Trước đây, hai xã vùng cao Bình Long và Dân Tiến (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) được coi là địa bàn khô khát nhất của Thái Nguyên, nhưng nay thì đã khác. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về NS- VSMTNT, những công trình cấp nước đã làm thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân nơi đây. Với tổng giá trị đầu tư lên đến 5,9 tỷ đồng, công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Bình Long được coi là điển hình về hiệu quả đầu tư. 

 

Ông Lê Viết Quý, Phó trạm trưởng Trạm Dịch vụ xây dựng công trình NS- VSMTNT nông thôn Thái Nguyên, cho biết công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Bình Long được áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Đó là công trình khai thác nước ngầm và được xử lý bằng thiết bị lọc áp lực, khử trùng nguồn nước bằng ôzôn. Theo đó, nguồn nước đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Với 51 km đường ống dẫn và công suất 480 m3/ngày, công trình đã cấp nước về tới 738 hộ dân.  

Là công nhân quản lý, vận hành công trình, anh Dương Văn Luyến cho biết, gần một năm nay kể từ khi đưa công trình vào hoạt động, người dân hưởng lợi luôn dành cho đội quản lý công trình những tình cảm ưu ái nhất. Qua một quả đồi, anh Luyến đưa chúng tôi đến xóm Cây Trôi, đây là địa bàn xa khu vực cấp nước sinh hoạt nhất.  

Vừa cầm vòi nước tắm cho đàn lợn, chị Nguyễn Thị Tính vừa nói: Sướng quá các anh ạ, trước đây nước dùng cho người còn thiếu nói gì đến việc chăn nuôi. Nhà nào trong bản có điều kiện đào giếng sâu hàng chục mét thì cả năm cũng chỉ dùng được 2 đến 3 tháng, còn lại giếng khô gần như quanh năm. Nguồn nước từ nhà máy không chỉ giúp dân mở mang phát triển kinh tế hộ mà còn giảm đi rất nhiều gánh nặng tìm nước.  

Một người dân khác là bà Nguyễn Thị Tươi cho biết, trước kia sáng nào bà cũng phải dậy thật sớm để đi xin nước. Dành dụm được chút tiền để đào giếng thì nước giếng lúc nào cũng đục ngầu. Nước đục đã đành, dưới giếng còn có cả ếch ương, ốc bươu, giun bọ... Người dân chỉ dám lấy nước giếng cho trâu bò uống hoặc nấu cám lợn chứ không dám dùng làm nước ăn.  

Ông Đàm Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết thêm, công trình cấp nước sinh hoạt mới hoạt động hết 1/3 công suất nhưng đã phục vụ cho 1/2 số dân toàn xã. Sắp tới, Trung tâm NS- VSMTNT Thái Nguyên sẽ đầu tư mở mạng thì số dân được hưởng lợi từ công trình sẽ nâng cao. Hiện nay, rất nhiều hộ dân của xã đã viết đơn xin được đối ứng, tham gia chương trình. 

Xã Dân Tiến cũng khô khát quanh năm như Bình Long. Mặc dù không có công trình cấp nước sinh hoạt với quy mô lớn song hiện tại trên địa bàn xã có tới 7 công trình cấp nước tự chảy cho 12 xóm. Ông Lê Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, cho biết các công trình cấp nước đã đảm bảo cho 75% dân số, tương đương với hơn 4.300 nhân khẩu được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Công trình cấp nước Quán Chẽ được xây dựng năm 2004 với 300 hộ dân hưởng lợi được đánh giá là mang lại hiệu quả cao.  

Ở địa bàn khác, thôn Làng Chẽ có 747 khẩu thì 466 người được dùng nước sạch. Chia vui với chúng tôi, ông Hầu Văn Tân hồ hởi nói: Nếu không được Nhà nước đầu tư thì có lẽ mơ ước bao đời của người dân chẳng thể thành hiện thực. Nước về đã làm đổi đời dân bản. Ngẫm lại mới sợ, chỉ chuyện ăn chín uống sôi, ăn sạch uống sạch thôi nhưng trước kia vì thiếu nước nên nào có thực hiện được. Nước sạch không chỉ giúp dân thay đổi tác phong sinh hoạt vệ sinh hơn, sạch sẽ hơn mà người dân cũng thoát được cảnh đi hàng cây số đường núi “cõng” từng can nước.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.