| Hotline: 0983.970.780

Đời du mục: Mục đồng đói chữ

Thứ Tư 07/01/2015 , 09:51 (GMT+7)

Cha mẹ chăn dê cừu, con cái cũng chăn dê cừu. Các em đang tuổi ăn học nhưng không được đến trường. Đó là cuộc sống của những “mục đồng” tại tỉnh Ninh Thuận./ Phận chăn cừu thuê

Tương lai mờ mịt

Ở Ninh Thuận, từ đồi núi đến đồng bằng, những đồng cỏ hoang sơ hay trên những rẫy hoa màu đã thu hoạch chỉ còn trơ lại cỏ, xương rồng…, nơi nào cũng thấy bóng dáng của những cô, cậu bé chăn cừu, dê, bò thuê trên vùng sa mạc này.

Các em không hề biết đến ánh đèn điện, nước sạch, cũng như được cắp sách đến trường như những bé cùng trang lứa.

Trên đỉnh đèo Cậu thuộc ngọn núi Hòn Dài, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, chúng tôi gặp cậu bé Măng Sơ (12 tuổi). Cậu bé người RagLai chăn đàn cừu 150 con, mỗi năm chủ trả công 15 triệu đồng. Bữa cơm hằng ngày được chủ lo, áo quần năm vài bộ. Trong cái nắng chói chang,  tay Sơ cầm một chai nước, tay cầm cây roi dẫn cừu đi ăn.

Gia đình Sơ trước đây ở huyện Bác Ái, sau chuyển về núi Hòn Dài chăn cừu thuê. Ba năm theo chân đàn cừu trên vùng bán sơn địa nên Sơ có làn da cháy nắng, đen sạm.

Mỗi ngày, em thức dậy từ 5 giờ sáng và theo đàn cừu đến 4 giờ chiều. Đến bữa cơm ăn với chủ nhà, sau đó ra căn lều tạm bợ gần chuồng cừu để trông nom. Hôm nào cừu đi về sớm thì Sơ phải đóng phân cừu vào bao cho chủ bán.

Sơ cho biết, gia đình có 5 người, em là con đầu, trước ba mẹ chăn cừu thuê ở Bác Ái nhưng do chủ làm ăn thua lỗ nên cả gia đình về đây tìm chủ mới.

15-37-42_nh-1
Em Măng Sơ chăn cừu trên núi Hòn Dài

Ngày ở Bác Ái, Sơ được ba mẹ cho đến trường nhưng từ khi về Hòn Dài thì tiền chẳng có, đang học lớp 2 nhưng Sơ phải nghỉ học theo ba mẹ chăn cừu thuê, khi lên 10 tuổi thì được chủ thuê chăn đàn cừu này.

Hiện gia đình chăn hai đàn cừu, Sơ chăn một đàn, còn ba mẹ và em trai tên Sơn chăn một đàn cừu khác trên núi Hòn Dài.

Có nhiều năm chăn cừu, giờ Sơ đã đảm đương được công việc nên mẹ ở nhà lo cơm nước cho các em. Gia đình Sơ chẳng có nhà, đều ở lại lán trại cạnh chuồng cừu. Mặc dù ở cùng một ngọn núi nhưng cả tháng trời Sơ mới qua lán trại của ba mẹ một lần, đấy là khi chủ trả tiền công đem về.

Cách đèo Cậu chừng 2 km, trên cánh đồng lúa dưới chân núi Hòn Dài vừa thu hoạch có một đàn bò gần 300 con đang ăn. Hầu hết, đối tượng chăn bò thuê là trẻ em. Đứa ít thì 10 con, đứa nhiều 30 con. May mắn cho các em, cánh đồng lúa này vừa được thu hoạch nên đàn bò chăm ăn, các em có chút thời gian rảnh rỗi.

Em Hồ Văn Lành (14 tuổi) cho biết, em chăn 19 con bò. Lành học đến 2, khi biết đọc cái chữ thì ba mẹ bắt nghỉ học. Lành cho biết, trước đây em từng chăn cừu ở trên núi Hòn Dài nhưng do để mất một con cừu nên chủ không thuê nữa. Lành đang thất nghiệp thì được người ta thuê chăn bò.

15-37-42_nh-3
Em Hồ Văn Lành chăn bò thuê được chủ trả tiền công 5 triệu đồng/năm

Hằng ngày, Lành cùng đám bạn mục đồng lùa bò ra các cánh đồng từ 7 giờ sáng trên những đoạn đường dài vài km đất cát nóng rát bàn chân. Còn mùa khô phải đi xa gần 10 km.

Theo Lành, trước đây khi đất đai chưa được chia cho người dân, sau khi thả đàn bò đi ăn có thể chơi được đủ trò. Nhưng vài năm trở lại đây, người dân mở rộng diện tích trồng trọt, đồng cỏ bị thu hẹp nên việc kiểm soát đàn bò trở nên khó khăn. Những mục đồng phải thường xuyên theo sát bò để chúng không phá hoại hoa màu của người dân.

“Vào mùa mưa thì cỏ nhiều nên bò chăm ăn, còn vào mùa khô thiếu cỏ, bò chủ yếu ăn lá cây rừng, nếu không để ý, bò vào nương vườn phá hoại hoa màu thì người ta bắt đền bằng tiền. Do đó, chăn bò không được chểnh mảng”, Lành tâm sự.

Hỏi ba Tú sao không cho con đi học tiếp, ông Huy thật thà: “Thằng Tú đi học cũng được lắm, nhưng gia đình nghèo khó, chỉ cho nó học biết đọc, biết viết là được rồi. Nó nghỉ, đi chăn bò để có tiền cho 2 đứa em đi học, chứ cả hắn đi học thì lấy tiền mô ra? Chăn cừu thuê tiền ít lắm, lo cho 5 người ăn chưa đủ, lấy đâu ra tiền cho tụi nhỏ học hành đàng hoàng. Đành chấp nhận vậy thôi, biết sao được…”. 

Trước đây, các ông chủ thường chọn những thanh niên khoẻ mạnh hoặc người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo việc chăm bẵm đàn bò, nhưng khi xuất hiện nhiều ông chủ đồng nghĩa với việc bò nhiều, nhân lực khan hiếm nên những đứa trẻ từ 13 - 15 tuổi cũng được thuê.

Chấp nhận vậy thôi

Như bao ngày khác, dưới chân núi Hòn Dài, cậu bé Thành Ngọc Tú (13 tuổi, dân tộc Chăm) tay cầm một chai nước dẫn bò ra đồng ăn cỏ. Mục đồng dáng thấp bé, lẩn khuất theo đàn bò.

Đi chừng 30 phút, điểm dừng chân là cánh đồng, đàn bò đứng lại gặm cỏ. Trải lòng về cuộc đời chăn bò, Tú cho biết: Đàn bò 30 con, mỗi năm chủ trả 10 triệu đồng. Đang học lớp 3 thì cha mẹ bắt nghỉ học đi chăn bò thuê.

Gia đình Tú có 5 người, ngoài Tú chăn bò thì ba là Thành Ngọc Huy và mẹ Thành Thị Nhị chăn một đàn cừu 300 con trên núi Hòn Dài. Ba mẹ và 2 đứa em sống tại căn lều ở chuồng cừu. Mỗi năm Tú được 10 triệu đồng, còn ba mẹ 15 triệu đồng tiền chủ trả, cộng với 30 triệu đồng tiền bán phân.

15-37-42_nh-4
Lúc rảnh rỗi của những mục đồng

Nói về chuyện học, Tú rất muốn tiếp tục được đến trường. Nhưng em phải nghe theo lời của ba mẹ, ngày ngày Tú làm bạn với những con bò. Nhiều lúc thấy bạn bè đi học mà thèm lắm, nhưng cậu bé không có cách gì thay đổi được.

Tú chẳng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các bạn học cùng nhưng nhớ từng con bò do mình đặt tên. Theo Tú, đàn bò một bầy nhưng khi thả ra, chúng tách đàn, lẫn lộn với đàn bò khác, mình không nhớ được sẽ dễ nhầm lẫn.

“Không được đi học buồn lắm chú ạ! Nhưng gia đình nghèo khổ, không biết làm răng nữa. Chú coi đó, cả đám chăn bò này, có phải mình con bỏ học giữa chừng mô, thằng Minh, Lành… cũng rứa đó. Bọn con muốn đến trường lắm chứ, đi chăn bò không cầm đến sách vở nên giờ cũng quên đi nhiều chữ lắm rồi”, Tú tâm sự. (Hết)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất