| Hotline: 0983.970.780

Dời làng qua suối đón xuân

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:41 (GMT+7)

Tết này, giữa rừng có làng đã “hóa phố”, điện về sáng chưng, bà con ai cũng hoan hỉ...

Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm Canh Dần, gần 150 hộ dân tộc Barnah (686 khẩu) của làng Tung và Gút (xã Kroong, huyện Kbang - Gia Lai) đang hối hả di dời tất cả những đồ đạc, tài sản và nhà cửa tại “ốc đảo” cũ vượt qua 2 con suối để đến nhận những căn nhà được xây dựng kiên cố tập trung tại một nơi ở mới (diện định canh định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg).

Nơi ở mới có đường sá đi lại thuận tiện, điện thắp sáng được kéo vào tận nhà, có 2 nhà rông, 8 điểm nước tự chảy luôn hồi… khiến cái bụng ai cũng vui.

Xóa khó khăn truyền kiếp

Xã Kroong (hay còn có tên gọi là thị trấn Dân Chủ) là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai - Kon Tum trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Xã đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT. Làng Tung và làng Gút là hai làng xa nhất của xã (100% hộ dân là người dân tộc Barnah), nằm lọt thỏm giữa rừng già khấc, lâu nay vẫn nghèo thuộc diện bậc nhất của cả nước.

Cái nghèo dai dẳng ở đây cũng là điều dễ hiểu vì nằm cách trung tâm xã khoảng 16km, đường sá đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm xã muốn đi vào hai làng chỉ có một cách duy nhất là lội qua 3 con suối sâu, hung dữ, nên cuộc sống hoàn toàn bị cô lập như “ốc đảo” trong 6 tháng mùa mưa. Điện thắp sáng không có, trường học tạm bợ, xiêu vẹo, y tế hầu như không được tiếp cận, rất ít người biết nói tiếng Kinh, nguồn thu nhập chính là cây lúa rẫy 1 vụ/năm và săn bắt thú rừng… Vậy nên có gần 100% hộ thuộc diện nghèo.

Trước những khó khăn “truyền kiếp” của người dân với cuộc sống quanh năm tả tơi trong mái nhà lá trống hoắc, không những làm đau đầu Đảng bộ, chính quyền huyện Kbang, mà còn là sự trăn trở nhiều năm qua của tỉnh Gia Lai. Bởi muốn đầu tư cho nhân dân của hai ngôi làng nằm khuất sâu trong rừng thì phải cần đến một nguồn kinh phí rất lớn để làm đường, cầu cống, kéo điện lưới, rồi vấn đề nâng cao nhận thức…

Trước những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua ấy, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 33/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010. Quyết định ra đời như một cứu cánh lớn cho người nghèo có đời sống du canh du cư, từ đó tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, lập phương án tối ưu để xây dựng dự án với mục tiêu: nhanh chóng ổn định nhà ở, đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng…

Dự án có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng và sẽ cho di dời tất cả các hộ dân (149 hộ) của hai làng vượt qua 2 con suối sâu đến khu vực mới cách UBND xã gần 4km (khu dân cư rộng hơn 30ha). Tổng thể làng mới gồm 149 căn nhà xây kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học) 8 điểm nước tự chảy, 01 cầu tràn, hơn 2km đường bê tông, một đường điện thắp sáng và hỗ trợ khai hoang 50ha đất sản xuất…

Tuy nhiên để có đủ kinh phí triển khai nhiều hạng mục của dự án, chính quyền huyện Kbang đã huy động mọi nguồn lực sẵn có với một quyết tâm lớn nhất từ trước đến nay: UBND huyện quyết định hỗ trợ thêm gần 1 tỷ đồng, làm tờ trình xin thêm UBND tỉnh giúp đỡ hàng tỷ đồng, cho lồng ghép thêm vốn từ nhiều chương trình khác nhưng vẫn thấy thiếu; các đơn vị thi công cũng đã tình nguyện hỗ trợ thêm hàng tỷ đồng để làm nhà ở cho hộ dân rộng hơn (nên đã đội giá ban đầu khi thực hiện dự kiến chỉ 10,2 triệu đồng/căn nhà nhưng đã tăng lên thành 26,63 triệu đồng/căn). Có được tiền rồi, nhưng để thi công thì cũng thật gian nan. Các đơn vị thi công muốn vận chuyển được vật liệu gặp mùa mưa, mực nước lớn, chảy xiết nên chỉ có một cách là gùi cát, đá xi măng, sắt thép… “vượt suối” khiến cảnh náo động cả vùng núi rừng.

"Làng phố” mọc giữa rừng

Chuyển về ngôi làng mới sinh sống, bà Đinh Jiom (làng Tung) đang cùng người con trai đào hố chôn cọc làm bếp đun nấu, không giấu nổi niềm vui: “Gia đình tôi đã chuyển về nhà mới được 3 ngày. Nhà nước cho cái nhà xây kiên cố (28 m2/nhà), cho giọt nước, cho con đường bêtông, nhà rông, trường học cho lũ nhỏ… nên mình vui cái bụng. Đây là lần đầu tiên trong đời được ở những căn nhà đẹp như thế này. Nhà nước không làm cái bếp thì mình lấy các đồ đạc của nhà cũ dựng lên làm chỗ đun nấu. Sau này gia đình sẽ dựng thêm một ngôi nhà sàn nhỏ nữa, vì ở nhà sàn gỗ quen rồi".

Không riêng gì gia đình chị Jiom đang hối hả dọn dẹp nơi ở mới, nhà ông Đinh Rinh – Trưởng làng (thuộc diện giàu nhất làng) thì cũng đã chuyển xong mọi đồ đạc, tháo dỡ nhà cũ chuyển về tập kết trong khuôn viên đất nhà mình. Nói giàu nhất làng nhưng tài sản của gia đình Đinh Rinh chỉ là mấy cột gỗ của căn nhà cũ vứt chỏng chơ dưới gầm nhà mới, một đống tôn cũ đã mục rỉ, hơn 10 ghè rượu cần và hơn nửa bao gạo… Ông tâm sự: “Hôm qua gia đình làm một con heo, một ghè rượu cúng nhà mới (theo tục lệ người Barnah). Mình là đảng viên nên phải gương mẫu làm trước để bà con làm theo. Chuyển đồ đạc ra cũng sướng lắm vì được cán bộ cho 3 xe ô tô tải hoạt động suốt ngày đêm để vào làng cũ chuyển ra, chứ những thứ đồ cồng kềnh mà vác bộ đi hơn 2 tiếng đồng hồ thì quả là vất vả lắm. Nên khi mình làm trước là cả làng lũ lượt chuyển theo”. Gia đình ông Đinh Rinh có 11 người (cả con dâu, rể và cháu), ở trong căn nhà mới quả là chật chội.

Để vận động được cả làng di chuyển ra nơi ở mới là rất khó khăn bởi người đồng bào dân tộc thiểu số Barnah từ bao đời nay đã quen gắn bó với con suối, đỉnh núi. Ông Trần Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Kbang tâm sự: “Chỉ nói riêng việc tổ chức vận động bà con cho di chuyển từ nơi cũ đến nơi ở mới thì là cả một vấn đề. Ban đầu hầu như họ không đồng ý nên đã có những động thái phản ứng rất kỳ cục là nhổ phẹt nước miếng ra tay rồi lấy ngón tay khác di mạnh và đứng dậy ra về, nhưng chúng tôi vẫn phải kiên trì, bền bỉ”.

Chị Đinh Roăi (30 tuổi, làng Gút) vừa sinh hạ đứa con trai đầu lòng. Lúc đầu về đây sinh sống vẫn chưa quen, chỉ tay về hướng ngọn núi cao nói: Mới về mà cái bụng mình đã nhớ làng cũ. Ra đây ở mà chưa được cấp đất sản xuất (sẽ được nhận trong thời gian sau Tết) nên chồng mình đã quay về nhà rẫy cũ để chỉa hạt lúa, gieo cây bắp.

Dự án cũng đã hỗ trợ bà con 3 tháng gạo (bình quân 15kg/người/tháng) để họ ổn định nơi ở mới và ổn định sản xuất. Tuy nhiên nếu chỉ hỗ trợ 3 tháng thì họ chưa thực sự ổn định được cuộc sống vì khi ra nơi ở mới sản xuất thì ít nhất cũng 6 tháng sau cây trồng mới cho thu hoạch (nay đang là mùa khô, bà con chưa thể gieo trồng được). Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, UBND huyện Kbang cũng đã tặng quà Tết 300.000 đồng/suất/hộ với những đồ dùng thiết yếu như chăn bông, chiếu… còn lại là tiền mặt để họ mua sắm vui Tết.

Tết này, giữa rừng có làng đã “hóa phố”, điện về sáng chưng, bà con ai cũng hoan hỉ vì đây là lần đầu tiên được ở trong căn nhà mới, ấm cúng, được hỗ trợ lương thực, nhà bà con hàng xóm ở san sát, ngay ngắn... Chúng tôi cũng thật vui, nhưng anh bạn đi cùng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo giống tôi về cuộc sống lâu dài của họ giữa rừng sâu – nơi đây đất đai trơ ra toàn sỏi đá, độ dốc lớn, bước ra khỏi nhà là bập ngay vào rừng già… Có lẽ cần thêm những kế hoạch hiệu quả về cấp đất sản xuất (đất đai phải mầu mỡ, có thể sản xuất được), nâng cao trình độ nhận thức, kỹ thuật canh tác… mới hy vọng họ sinh sống ổn định, lâu dài và có sự bứt phá ở vùng đất mới này!

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất