| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới chính sách thủy lợi: Chuyển từ phí sang giá

Thứ Tư 21/12/2016 , 08:52 (GMT+7)

Với khả năng đầu tư cho thủy lợi còn hạn chế như hiện nay, chúng ta không thể tạo ra sự đột phá nếu không đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Việc chuyển cơ chế quản lý từ thủy lợi phí sang giá dịch vụ công ích thủy lợi đang nhận được sự quan tâm lớn của xã hội.
 

Doanh nghiệp tư nhân đã vào cuộc

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, chia sẻ: Ngành thủy lợi đã vận hành quá lâu trong cơ chế quản lý hành chính. Chúng ta thấy rằng, hễ đầu tư cho các hệ thống công trình thủy lợi là dùng ngân sách nhà nước; quản lý vận hành theo kiểu giao kế hoạch. Như thế thì không bao giờ phát huy được các nguồn lực khác của xã hội.

14-49-45_nh-1
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng
 

Trong khi đó, ngành nào, lĩnh vực nào chuyển động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì ở đó sẽ tạo ra sự chuyển biến đột phá rất nhanh chóng.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lấy ví dụ: Trong lĩnh vực nước sạch nông thôn, các doanh nghiệp tư nhân đang đầu tư rất mạnh.

Ở khu vực Tây Nguyên, một số tư nhân đã đầu tư hệ thống công trình cung ứng dịch vụ tưới nước phục vụ nông nghiệp. Người được hưởng lợi đầu tiên là nông dân, vì chi phí bơm nước của họ giảm đi một nửa so với việc tự bơm trước đây.

 Hiện nay, rất nhiều hồ chứa lớn ở khu vực Tây Nguyên là do nhà nước đầu tư. Nhưng theo thống kê, vẫn còn khoảng 140.000 ha đất nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi.Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong vòng 4 năm tới các dự án đầu tư thủy lợi chỉ giải quyết “cơn khát” cho khoảng 1.000 ha ở khu vực Tây Nguyên (tức là chỉ đạt 0,7% trong tổng số 140.000 ha đất tiếp cận được nguồn nước từ hệ thống thủy lợi).

Vậy tại sao chúng ta không xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào thủy lợi, giải quyết 130.000 ha thiếu nước tưới còn lại?
 

Chính sách phải soi đường

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, muốn làm được điều đó, chúng ta phải nhanh chóng triển khai và đưa Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Nghị định 130 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích vào cuộc sống.

Và trên hết, phải gom nhặt tất cả những nội dung tiến bộ của các Nghị định, Pháp lệnh từng có bằng việc xây dựng Luật Thủy lợi nhằm chuyển từ cơ chế quản lý theo thủy lợi phí sang giá dịch vụ.

 Chúng ta phải xây dựng những mô hình chính sách, nghiên cứu về giá nước để để xem khu vực tư nhân, nhà nước có thể tham gia đến đâu? Tham gia như thế nào và thu được hiệu quả gì. Nếu không có cú hích về chính sách thì khó có thể tạo ra bước chuyển ngoạn mục của ngành thủy lợi trong tương lai.

Cũng theo Thứ trưởng, có những giai đoạn, chính sách miễn thủy lợi phí đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.

 Nhưng đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó có những đòi hỏi rất lớn về thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc chuyển từ cơ chế phí sang giá trong quản lý nước một mặt nâng cao vai trò của người sử dụng nước (ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn). Mặt khác, chúng ta chuyển cơ chế vận hành từ hành chính (như giao kế hoạch) sang vận hành theo cơ chế thị trường, từ đó phát huy được tính năng động, sáng tạo, đổi mới trong quản lý vận hành, lôi cuốn được sự tham gia của khu vực tư nhân, các hộ sử dụng nước trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình thủy lợi quy mô nhỏ.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, trong bối cảnh nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nên việc chuyển cơ chế từ phí sang giá phải đảm bảo được an sinh xã hội, ổn định được sản xuất và sinh hoạt tại các khu vực còn khó khăn.

Thứ hai, phải làm sao phù hợp với điều kiện quản lý hiện nay, trong đó phải xây dựng được lộ trình phù hợp để không tạo ra sức nặng cho người nông dân, làm cho nông dân phải chi phí thêm so với trước đây, nhưng chúng ta phải thu đúng, thu đủ với những đối tượng cần phải thu.

Hiện tại, Tổng cục Thủy lợ (Bộ NN-PTNT) đang phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) quy định giá tối đa cho dịch vụ công ích thủy lợi.

 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Bình luận mới nhất