| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới khoa học công nghệ phải ra được sản phẩm

Thứ Sáu 07/01/2022 , 17:38 (GMT+7)

Dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác khoa học, công nghệ năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh có nhiều gợi mở cho các nhà khoa học.

Năm 2021, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu như tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD, tăng trưởng 2,8%, duy trì mức che phủ rừng ổn định 42%... Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ NN-PTNT), hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ hiện chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chưa được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất. 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Đau lòng vì nhà khoa học không còn chịu ra đồng

Bên cạnh đó, thị trường khoa học công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả chưa cao.

Dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thích ứng với nhiều thách thức phi truyền thống như Covid-19, khoa học công nghệ cần thể hiện được vai trò, tạo sức bật cho ngành nông nghiệp.

"Xu thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị nghiên cứu, khoa học, công nghệ giúp chúng ta năng động hơn. Đó là nhiệm vụ dứt khoát phải thực hiện", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, những năm qua, khoa học công nghệ là một trong những lĩnh vực đổi mới nhất. Tuy nhiên, để kiểm nghiệm kết quả cũng như tác động của lĩnh vực này một cách thấu đáo cần thời gian vài ba năm. 

Các đơn vị nghiên cứu ngày càng vắng bóng các nhà khoa học trẻ. Ảnh: TL.

Các đơn vị nghiên cứu ngày càng vắng bóng các nhà khoa học trẻ. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra vấn đề "chảy máu chất xám" đang tồn tại. Ông kể câu chuyện về việc một số cán bộ nghiên cứu đến gặp và xin phép ông được thuyên chuyển công tác. Nguyên nhân bởi lương vài ba triệu đồng một tháng, hợp đồng được ký ngắn hạn.

Một thách thức nữa với công tác nghiên cứu khoa học, là căn bệnh hình thức. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, có những cơ quan, đơn vị chỉ có vài cán bộ hội đồng khoa học, nhưng hàng năm phải duyệt hàng trăm đề tài nghiên cứu. Sự hiệu quả của những công trình này được ông đặt ra.

"Nếu sau này, chúng ta có ngôi nhà to hơn, nhưng thiếu con người làm được việc thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Nếu ngành nông nghiệp không sớm thay đổi cách làm, rất khó để đáp ứng được yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý của Bộ cũng phải có trách nhiệm cởi trói và có những chính sách, chủ trương hỗ trợ", Thứ trưởng bày tỏ.

Là người phụ trách công tác đào tạo, nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ của Bộ hiện mới đặt mục tiêu về tăng trưởng doanh thu, chứ chưa chủ động tìm đầu ra cho các công trình nghiên cứu, hay chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng các cơ sở, đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ bắt buộc phải đổi mới sáng tạo. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng các cơ sở, đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ bắt buộc phải đổi mới sáng tạo. Ảnh: Bảo Thắng.

"Tăng doanh thu giúp các đơn vị khoa học, công nghệ tự chủ về kinh tế, nhưng chỉ là một phần vấn đề. Chúng ta cần hướng đến việc nâng cao thu nhập bằng cách bán các công trình nghiên cứu, thay vì xoay vòng nguồn tiền để lấy chỗ nọ bù chỗ kia. Làm như vậy không thể tăng giá trị gia tăng, giá trị đầu tư từ ngân sách nhà nước. Giờ đến lúc phải xác định rõ ràng, rằng nếu không đổi mới sẽ nằm ngoài cuộc chơi", Thứ trưởng nói tiếp.

Xuất thân là một nhà khoa học nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khơi gợi cảm hứng cho cán bộ làm khoa học công nghệ về những anh hùng lao động, các thế hệ giáo sư suốt ngày ngoài đồng. Họ tranh thủ nghỉ trưa, thậm chí ăn ngoài đồng để lai tạo bằng được những giống mới có hiệu quả.

Ngay trong sáng 7/1, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã xuống thăm một cơ sở sản xuất giống lớn tại Việt Nam. Qua buổi làm việc, ông định hướng, các nhà khoa học nông nghiệp phải thay đổi tư duy. Cụ thể, là tập trung vào tăng trưởng sản phẩm hiện hữu; hướng mũi nhọn đầu tư vào những thứ như phòng thí nghiệm, đồng ruộng, vật tư đầu vào...

"Thỉnh thoảng, tôi được nghe có những thạc sỹ, tiến sỹ không chịu ra đồng, và thấy đau lòng. Giờ toàn ngành nông nghiệp phải làm thật, nghiên cứu thật, tạo ra sản phẩm thật, có như vậy mới đạt được mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD mà Thủ tướng đặt ra cho ngành trong năm 2022", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cơ chế quản lý còn rườm rà

Theo dự toán ngân sách năm 2021 của Bộ NN-PTNT, số chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ là hơn 700 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường cho biết, một phần lớn trong số này được dành để đầu tư vào ngành giống, công nghệ sinh học. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, được đánh giá cao, có sức lan tỏa lớn, và đóng góp nhiều vào tăng trưởng của ngành, cũng như nâng cao đời sống người dân.

Cơ chế quản lý về khoa học công nghệ hiện nay còn rất rườm rà, cản trở động lực phát triển, sáng tạo. Ảnh: TL.

Cơ chế quản lý về khoa học công nghệ hiện nay còn rất rườm rà, cản trở động lực phát triển, sáng tạo. Ảnh: TL.

Bước sang năm mới 2022, bà Thủy nhận định, Nghị định 60 về việc tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị công lập nghiên cứu khoa học sẽ đặt ra những nhiệm vụ, thách thức mới. Kéo theo đó, hệ thống dịch vụ công, văn bản quy phạm pháp luật, nguồn đầu tư, nguồn vốn cũng phải "co kéo" để thích ứng.

Thay mặt Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hữu Ninh thừa nhận những vấn đề tồn tại trong năm 2021. Cụ thể: Hệ thống cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa thực sự giải phóng cho các tổ chức khoa học công nghệ và cán bộ làm nghiên cứu khoa học; chưa khuyến khích doanh nghiệp hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ.

Ngoài ra, việc nhận thức về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện; đặc biệt đối với việc tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiếp cận công nghệ hiện đại trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ số. Cơ chế quản lý khoa học công nghệ còn chậm đổi mới, mang nặng tính hành chính, thủ tục rườm rà.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu; việc xã hội hóa nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế. Nghiên cứu khoa học thiếu tính liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với tổ chức chuyển giao, trường đào tạo, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Bất chấp những khó khăn chủ quan, cũng như khách quan vì dịch bệnh, biến đổi khí hậu, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ vẫn đạt một số kết quả. Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; xây dựng nhiều thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; phát triển các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp...

Đồng thời, Vụ góp phần giúp Bộ NN-PTNT hoàn thành 279 nhiệm vụ khoa học công nghệ, đẩy mạnh thực hiện công nhận vùng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lưu giữ an toàn 26.000 mẫu giống tại ngân hàng gen hạt giống.

Trên cơ sở hướng tới việc hoàn thành những mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy kêu gọi sự chung tay, chủ động từ các Viện, trường nghiên cứu. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường cam kết phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thành nhiệm vụ

  • Tags:
Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.