| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới quản lý, đầu tư nước sạch

Thứ Sáu 02/10/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chương trình MTQG Nước sạch-VSMTNT tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực...

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa chú trọng đổi mới quản lý việc đầu tư công trình nước sạch, ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước sạch quy mô liên xã; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch.

Chương trình MTQG Nước sạch-VSMTNT tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với chỉ tiêu số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế tăng nhanh theo hằng năm.

Trong năm 2015, Khánh Hòa tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng thêm 2 công trình nước sạch Diên Đồng và Diên Sơn - Diên Điền (huyện Diên Khánh). Công trình hiện đang phát huy hiệu quả tốt và được người dân các địa phương đồng tình hưởng ứng.

Sở dĩ có được kết quả trên là bởi thời gian qua Khánh Hòa chú trọng đổi mới quản lý việc đầu tư công trình nước sạch, ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước sạch quy mô liên xã. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng nước sạch.

Theo Trung tâm Nước sạch-VSMTNT Khánh Hòa, trước đây các công trình cấp nước sinh hoạt tại các khu vực nông thôn tỉnh đầu tư chủ yếu là các công trình có quy mô nhỏ, thiếu sự quản lý, vận hành chuyên nghiệp nên nhiều công trình đã không phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đổi mới quản lý, ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước có quy mô lớn, kết hợp quản lý vận hành chặt chẽ hơn nên đã phát huy tác dụng cao. Theo đó, các công trình cấp nước sinh hoạt được giao cho Trung tâm làm chủ đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác sau khi công trình hoàn thành.

Theo Trung tâm Nước sạch-VSMTNT Khánh Hòa, để phát huy hiệu quả các công trình nước sạch, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước của từng vùng, từng địa phương và khả năng tiếp nhận của người dân để lựa chọn loại hình công trình phù hợp.

Đối với các công trình cấp nước liên xã, Trung tâm nắm rõ mọi vấn đề liên quan, từ công suất thiết kế tới vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Từ đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch cụ thể và xúc tiến thực hiện, trong đó chú trọng đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các xã nghèo, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm...

Theo Trung tâm, công tác tuyền truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chương trình cũng rất quan trọng, phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức của người dân đối với lợi ích dùng nước sạch như làm giảm các dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra, nhất là phụ nữ và trẻ em, cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi, xây dựng mô hình điểm xử lý vệ sinh môi trường.

Khi công trình hoàn thành, mỗi người dân đều tiếp cận nguồn nước sạch, bởi Trung tâm đấu nối đường ống nước sạch dọc 2 bên tuyến đường liên xã và các ống nhánh đến tận thôn, xóm để người dân có nước sử dụng.

Đồng thời vận hành nhà máy cung cấp nước cho dân đảm bảo liên tục 24/24h, kể cả mùa nắng lẫn mùa mưa, chất lượng nước trong, sạch đảm bảo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các công trình nước sạch “đứng chân” trên địa bàn các địa phương còn góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Bà Trần Thị Hoa, xã Diên Phước (huyện Diên Khánh) đang sử dụng nguồn nước sạch từ công trình nước sạch Phước-Lạc-Thọ cho biết, trước đây không có nguồn nước sạch gia đình phải mua nước bình để nấu ăn, còn mọi sinh hoạt khác đều sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nên không đảm bảo vệ sinh và sức khỏe. Tuy nhiên, từ khi gia đình bà đăng ký mắc nước sạch từ công trình trên về dùng, đã yên tâm về sức khỏe.

“Gia đình tôi dùng nước sạch từ công trình đã hơn 4 năm nay rồi. Chất lượng nước luôn đảm bảo trong, sạch phục vụ liên tục cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Nhờ sử dụng nước sạch nên sức khỏe gia đình tôi được nâng lên đáng kể, tôi yên tâm hơn về cuộc sống”, bà Hoa chia sẻ.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Mộng Cầm, thôn Đại Điền Tây 2, xã Diên Sơn đang sử dụng công trình nước sạch Diên Sơn - Diên Điền cho hay, từ ngày có nước sạch, gia đình bà đã chấm dứt việc dùng nước giếng phèn để sinh hoạt và nấu ăn cho gia đình. Hiện nay bà đã mắc vòi nước sạch ở khắp nơi trong sân và bếp nên chỉ việc mở vòi là có nước sử dụng. Nhờ đó việc chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng các cháu nhỏ của bà Cầm rất thuận lợi.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.