| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ĐBSCL

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:18 (GMT+7)

Bài này chúng tôi đề cập đến thực tiễn và cơ sở khoa học cho việc đề xuất các mô hình tổ chức quản lý, khai thác CTTL vùng ĐBSCL./ Quản lý khai thác công trình thủy lợi vùng ĐBSCL

Thực tiễn và xu hướng đổi mới quản lý, khai thác CTTL

Hiện nay các tổ chức quản lý, khai thác CTTL trong vùng ĐBSCL gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm các DN, đơn vị sự nghiệp, chi cục thủy lợi và các tổ chức hợp tác dùng nước.

Các loại hình tổ chức này hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Khai thác & bảo vệ CTTL, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và các quy định có liên quan. Đối với 5 hệ thống thủy lợi liên tỉnh trong vùng ĐBSCL, các mô hình tổ chức quản lý khai thác còn chịu sự điều chỉnh của quy hoạch thủy lợi vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian vừa qua mặc dù tổ chức quản lý khai thác trong phạm vi tỉnh và liên tỉnh trong vùng ĐBSCL đã được củng cố, tăng cường nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trên thực tế, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường tổ chức quản lý khai thác CTTL trong vùng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc triển khai trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được như mong đợi. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi từ Trung ương đến địa phương đối với công tác này còn nhiều hạn chế.

Đối với phương thức hoạt động trong quản lý khai thác CTTL, theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ, phải ưu tiên thực hiện chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu. Trong vùng ĐBSCL đã có một số địa phương xây dựng mô hình tổ chức và áp dụng phương thức đặt hàng nhiệm vụ quản lý khai thác CTTL.

Mô hình Ban quản lý hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao, tỉnh An Giang được đánh giá là phù hợp với xu hướng đổi mới. Nhiệm vụ của BQL Bắc Vàm Nao tương tự quản lý Nhà nước về khai thác CTTL cộng với chức năng quản lý đấu thầu và đặt hàng dịch vụ khai thác vận hành hệ thống. BQL là tổ chức đại diện của chủ sở hữu hệ thống do Nhà nước thành lập để tổ chức quản lý khai thác hệ thống CTTL phục vụ SXNN và dân sinh.

Khác với các mô hình DN, trung tâm khai thác CTTL, BQL Bắc Vàm Nao quản lý tài sản CTTL, đồng thời sử dụng các đơn vị cung ứng dịch vụ khai thác CTTL để vận hành, phân phối nước, điều tiết lũ theo quy trình vận hành và theo hợp đồng đấu thầu và đặt hàng.

Như vậy, từ thực tiễn áp dụng phương thức đặt hàng công tác quản lý khai thác CTTL theo quy định của Nghị định 130 đối với mô hình BQL Bắc Vàm Nam cho thấy vấn đề quan trọng trong đổi mới cơ chế quản lý khai thác CTTL cấp tỉnh là việc thành lập, sắp xếp tổ chức phù hợp.
Tổ chức đặt hàng nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL là cơ quan của Nhà nước, đại diện chủ sở hữu công trình để đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác, vận hành CTTL theo quy hoạch và thiết kế đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, hoạt động của BQL Bắc Vàm Nao còn một số tồn tại. Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ của BQL có sự trùng lắp với chức năng và nhiệm vụ của Chi cục Thủy lợi An Giang trong việc quản lý hệ thống thủy lợi Bắc Vàm Nao. Vai trò của Chi cục Thủy lợi An Giang trong mô hình này chỉ là sự tham gia không chuyên trách của 1 lãnh đạo Chi cục.

Thứ hai, khi kết thúc dự án thủy lợi Bắc Vàm Nao, không còn nguồn kinh phí cho hoạt động thường xuyên cho bộ phận chuyên trách trực thuộc BQL do trước đây dự án chi trả. Do vậy, cần phải có điều chỉnh thể chế chính sách trong tỉnh để đảm bảo nguồn kinh phí bền vững cho hoạt động của tổ chức này.

Một số cơ sở khoa học làm cơ sở đề xuất

Về nguyên tắc chung, công trình được xây dựng cần phải có tổ chức quản lý vận hành khai thác phù hợp thì mới đảm bảo phát huy hiệu quả và bền vững. Cơ sở này đã được chứng minh bằng các số liệu về hiện trạng công trình, hơn nữa đặc điểm thủy lực của nước càng làm rõ hơn cơ sở khách quan là phải có các tổ chức quản lý vận hành CTTL phù hợp.

Về đặc điểm vận hành các hệ thống CTTL liên tỉnh, liên vùng ở ĐBSCL: Công trình đầu hệ thống có chức năng cấp nước ngọt, điều tiết lũ; cuối hệ thống có chức năng tiêu úng sổ phèn, ngăn mặn, điều tiết mặn. Đặc biệt, trước đây khi thiết kế hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt cuối các hệ thống chủ yếu vận hành tự động theo thủy triều, nhưng do nhu cầu nước cho SX có nhiều thay đổi thì nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng cần phải chuyển sang vận hành cưỡng bức, đồng nghĩa với việc cần phải có nhiều nhân lực vận hành hơn.

Trong những năm tới, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều CTTL lớn vùng ĐBSCL, đặc biệt là các cống, đập ven sông Tiền, sông Hậu và các cống ngăn mặn trữ ngọt trên các sông lớn tự nhiên như cống trên sông Cái Lớn, Cái Bé, tỉnh Cà Mau, cống trên sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An, cống trên sông Hàm Luông, Cổ Chiên...
Hệ thống cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi có giá trị rất lớn đòi hỏi phải có tổ chức quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả và bảo vệ bền vững sau đầu tư.

Ngoài nhiệm vụ về tưới, tiêu, ngăn mặn thì việc vận hành để đảm bảo nhu cầu giao thông thủy cũng hết sức quan trọng nên nhất thiết phải có sự điều hành của Nhà nước. Điều đó cho thấy việc vận hành các hệ thống lớn có mối liên kết rất chặt chẽ. Mặt khác, do tính mở trong vận hành khai thác CTTL ở vùng này nên nếu áp dụng mô hình Cty TNHH Khai thác CTTL như các hệ thống khác vào vùng ĐBSCL thì mức độ thành công cũng cần phải kiểm chứng.

Về nhận thức của nông dân với hệ thống thủy lợi: Đối với hệ thống công trình liên tỉnh có quy mô lớn, công trình đầu mối thường cách xa các khu hưởng lợi hàng chục km, phần nội đồng (từ kênh cấp III trở xuống) chưa hoàn chỉnh, hầu hết các hệ thống chưa được đầu tư khép kín.

Ở các tỉnh cuối hệ thống, người dân lấy nước vào ruộng là tự chảy nên họ dễ nhầm lẫn đó là nước tự nhiên. Do vậy, việc vận hành hệ thống đầu mối lớn, kênh chính, kênh cấp I về khoa học phải được xem là điều hòa phân phối nguồn nước hơn là dịch vụ cấp nước.

Người dân không nhận thức được các lợi ích trực tiếp của vận hành các cống, đập lớn đầu mối, kênh chính và kênh cấp 1 nên trong thực tế họ không chi trả hoặc rất khó thuyết phục họ chi trả thủy lợi phí cho quản lý vận hành phần công trình này.

Trong khi đó, họ sẵn sàng chi trả sòng phẳng cho các dịch vụ nội đồng mà họ trực tiếp nhìn thấy rõ lợi ích của nó. Đây là điểm mạnh mà thực tế cho thấy việc thực hiện dịch vụ thủy nông cấp cơ sở đang được xã hội hóa tương đối nhanh. Điều đó lý giải thực tiễn là trong thời gian dài (khi chưa có miễn giảm thủy lợi phí) thì các tổ chức quản lý khai thác CTTL của Nhà nước được thành lập ra rồi lại giải tán hoặc chuyển đổi chức năng nhiệm vụ vì không thu được thủy lợi phí. Từ đó cho thấy, việc xây dựng tổ chức quản lý khai thác CTTL của Nhà nước chỉ nên giới hạn ở phạm vi cấp liên tỉnhvà củng cố mô hình cấp tỉnh thuộc ĐBSCL.

Một số vấn đề kinh tế xã hội xung quanh các hệ thống kênh thủy lợi lớn: Hệ thống kênh chính, cấp I, cấp II đều được sử dụng hữu ích vào giao thông thủy. Người dân thường có nhu cầu làm nhà ra kênh rạch để thuận cho giao thông và kinh doanh. Hành lang bảo vệ các tuyến kênh rạch đang bị xâm hại nghiêm trọng để làm nhà ở, cơ sở kinh doanh, trong khi đó, một số dự án nạo vét kênh không có chỗ thải bùn nên chi phí vừa nạo vét và vừa vận chuyển bùn thải là rất lớn.

Đó là những hoạt động cần phải được quản lý chặt chẽ để bảo vệ và khai thác vận hành hệ thống bền vững. Nếu không có giải pháp quản lý sớm trong thời gian tới, khi sức ép dân số tăng lên sẽ khó có thể bảo vệ được các tuyến kênh thủy lợi chiến lược. Khi đó chi phí cho công tác thủy lợi sẽ rất lớn, cộng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ là một trong những thách thức không nhỏ cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Về quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống CTTL: Trong 10 năm trở lại đây mỗi năm nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi trong vùng. Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ chương trình xây dựng đê biển, cống dưới đê… cũng rất lớn.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.