| Hotline: 0983.970.780

Đội tàu ông Trọng

Thứ Hai 14/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

Vợ chồng lão ngư Trương Văn Trọng (83 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) có 9 người con thì cả 9 đều là chủ tàu đi biển.

Ông nói rằng cơ đồ của gia đình được dựng lên như hôm nay phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả xương cốt tổ tiên trên biển. Vậy nên, con cháu ông dù có làm gì thì vẫn luôn ghi nhớ mình là người làng biển, sống nhờ biển và lớn lên với biển.

Với những ngư dân Đà Nẵng, họ phong tặng cho gia đình cụ Trọng danh hiệu “đại gia đình Hoàng Sa”. Chín chiếc tàu của gia đình cụ lúc nào cũng trực chỉ Hoàng Sa đánh bắt mỗi lần ra khơi. Các bạn tàu làm việc cho gia đình cụ vì thế cũng chẳng bao giờ sợ bị thất nghiệp.

Tổ đội tàu gia đình

Ở Đà Nẵng, ngư dân miền biển nơi đây thường tổ chức lễ hội ra khơi. Với gia đình cụ Trọng, đó cũng là ngày hội của cả gia đình.

Chín người con tập trung tại nhà cụ Trọng làm mâm cơm cúng tổ tiên, cúng thần Nam Hải rồi nâng chén rượu chúc nhau một năm làm ăn thắng lợi.

Sau buổi tiệc, các thuyền trưởng lên tàu. Tổ đội của gia đình cụ thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa, bắt đầu mùa đánh bắt mới.

“Tôi có 9 đứa con, 7 trai 2 gái đều là chủ tàu. Bảy thằng con trai với hai đứa con rể kiêm luôn thuyền trưởng. Chúng nó đi biển chung nên cũng hỗ trợ nhau nhiều nhưng mình ở bờ cũng lo lắm. Lễ ra khơi nào tôi cũng cầu an cho tụi nó”, cụ Trọng tự hào nói.

Anh Trương Văn Hay, con trai thứ 4 cụ Trọng đang là thuyền trưởng tàu 90235 TS có công suất gần 1.000CV của gia đình.

Trong giới thuyền trưởng, anh Hay được đánh giá là vua của các thuyền trưởng Đà Nẵng. Ngư trường Hoàng Sa, anh thuộc lòng từng luồng lạch nước như lòng bàn tay.

Anh Hay cho biết thời gian gần đây tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng thường ra khơi đánh bắt theo tổ đội để hỗ trợ, bảo vệ nhau khi cần thiết. Riêng 9 con tàu của gia đình anh đã biết phối hợp đánh bắt theo tổ đội từ năm 2009.

“Từ kinh nghiệm của mình, anh em tụi tui thấy đi riêng thì đánh bắt khi được khi mất. Có khi đang gặp luồng cá chưa đánh bắt hết đã lại đầy khoang nên phải bỏ dở để về bờ, mất mẻ lưới to.

Tụi tôi ngồi bàn với nhau rồi nảy ra việc đi đánh chung. Chín con tàu của gia đình thì có 1 tàu làm hậu cần chuyên chuyển hải sản về bờ bán rồi lại mang dầu, gạo, muối từ bờ ra biển. Nhờ vậy tụi tui tiết kiệm được nhiều chi phí, làm ăn ngày càng có lãi”, anh Hay nói.

Anh Trương Văn Minh, con trai thứ 7 cụ Trọng, chia sẻ, đi biển bây giờ phải cần có bạn. Một tổ đội từ 7 đến 10 tàu. Tàu nào gặp luồng cá thì thông báo cho cả nhóm đến cùng đánh bắt. Chẳng may, khi tàu hư hỏng hay gặp nạn thì cũng có người ứng cứu kịp thời.

“Nghề đi biển, đã lên tàu là anh em hết. Ngư dân tụi tui thương nhau như ruột thịt nên tổ đội gia đình thì cũng giống tổ đội khác thôi. Quan trọng nhất là mọi người giúp nhau làm ăn”, anh Minh tâm sự.

Cha truyền con nối

Ngồi trong căn nhà hai tầng khang trang ven biển do các con góp tiền xây dựng, cụ Trọng chậm rãi kể về truyền thống gia đình. Cụ cho biết nghề đi biển gắn liền với gia đình cụ từ thuở cha ông.

14 tuổi, cụ Trọng đã theo cha, chú lên tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. Cụ được hướng dẫn từng nhịp thở, từng động tác lặn khi ở dưới nước. 16 tuổi, cụ Trọng đã được chủ tàu trả lương ngang với người lớn.

“Kinh nghiệm đi biển cả đời, cha và chú tôi truyền dạy lại hết cho tôi. Hai năm theo học cha chú, tôi trở thành ngư dân cừ khôi. Tôi khi đó còn nhỏ nhưng lặn được hải sâm không thua người lớn”, cụ Trọng kể.

Năm cụ Trọng vừa tròn 17 tuổi thì tai họa ập đến. Cơn bão bất ngờ nhấn chìm con tàu mà cha con cụ đang đánh bắt. Cụ Trọng may mắn được cứu sống nhưng cha và chú mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu.

“Hồi đó tàu nhỏ, công suất chừng vài chục CV hoặc đi thuyền buồm, hễ có bão là khó thoát khỏi cái chết. Người đi biển ngày đó chỉ sợ gặp bão, trú tránh bão cũng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm. Trận bão năm đó cha, chú tôi dự báo sai và trả giá bằng mạng của mình”, cụ Trọng trầm ngâm nói.

Trở về bờ, cụ Trọng bỏ nghề đi biển. Nhưng rồi, cái đói bủa vây khiến cụ lại bước chân lên tàu ra Hoàng Sa. Suốt 3 năm làm công, cụ tích cóp được số vốn kha khá rồi cưới vợ.

“Năm đó tôi 20 tuổi, cưới vợ xong lại may mắn mua được con tàu cũ công suất khoảng 40CV với giá rẻ. Từ đó tôi nghiễm nhiên trở thành chủ tàu”, cụ Trọng hào hứng nói.

Nhờ con tàu nhỏ ban đầu, cụ Trọng lèo lái nuôi 9 người con khôn lớn. Cả 7 người con trai cụ đều tiếp bước cha lên tàu làm ngư phủ. Hai cô con gái cũng chọn ngư dân làm chồng.

“Khi tụi nó bước lên tàu thì mình có trách nhiệm truyền hết nghề cho nó. Lúc mình già, nó thay mình ra biển đánh bắt. Nghề đi biển là vậy, chẳng bao giờ mai một được”, cụ Trọng tâm sự.

“Tàu Trung Quốc nhiều lần đe dọa, truy đuổi nhưng tụi tui không sợ. Họ có thể cắt lưới, phá tàu tụi tui nhưng không dọa được tinh thần anh em tôi. Chuyện gì có xảy ra thì đội tàu ông Trọng vẫn cứ ra biển Hoàng Sa đánh bắt”, anh Hay khẳng định.

Anh Hay cho biết nghề đi biển bây giờ đã đỡ vất vả hơn thời cha ông nhiều. Các máy móc, công cụ hỗ trợ hiện đại giúp ngư dân bớt gặp rủi ro khi đánh bắt.

“Tổ tàu gia đình tôi bây giờ tàu nào cũng có máy dò cá, icom liên lạc 24/24. Tàu bây giờ đều có công suất cỡ 500CV đến 1.000CV, tàu phóng gần 20 lý giờ khi cần thiết”, anh Hay khoe.

Anh Hay kể, các con, cháu anh đều đã ở tuổi 18, 20 nhưng chưa đứa nào lên tàu của cha chú.

“Tụi nó đi học, học hàng hải hết. Mấy anh em tôi nghe tụi nó bàn học xong đóng tàu lớn, nhập công nghệ Nhật về để đánh bắt hải sản cho hiệu quả mà vẫn bảo vệ môi trường chứ không đánh kiểu truyền thống. Tụi tui nghe rứa mừng rơn, ít nhất tụi nó vẫn nối nghề cha ông nó”, anh Hay nói.

Trực chỉ Hoàng Sa

Anh Hay cho biết cha anh dặn đội tàu của gia đình dù có gặp khó khăn thế nào cũng không được bỏ biển Hoàng Sa.

“Ba tôi nói ở đó có máu xương ông cha mình từ ngàn xưa đã ở đó đánh bắt. Ở đó có xương cốt ông nội tôi nằm sâu dưới đáy biển. Mình phải có trách nhiệm ra đó để thăm họ”, anh Hay kể.

Theo cụ Trọng, trước đây, khi ra đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cụ cũng thường xuyên gặp tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc.

13-32-28_nh-cu-trong-v-luoi-cho-tu-nh-hy-de-do-nho-bien
Cụ Trọng ngồi vá lưới lúc rảnh rỗi cho đỡ nhớ biển

“Lúc đó, tàu của Trung Quốc nhỏ, hay gặp nạn nên tôi cùng ngư dân mình thường giúp đỡ, tặng thức ăn, nước uống. Trên đảo Hoàng Sa có người Việt mình ở, sinh sống, làm việc. Thỉnh thoảng, ngư dân tụi tôi mang cá đánh bắt được tặng họ và được họ tặng lại thịt tươi”, cụ Trọng nhớ lại.

Vậy nhưng những năm gần đây khi đánh bắt ở biển Hoàng Sa thường gặp tàu Trung Quốc quấy phá, đuổi đánh, cướp hải sản khiến các ngư dân lo lắng.

Anh Hay cho biết cả tổ đội gia đình anh cũng như ngư dân Đà Nẵng dù có lo lắng nhưng không hề e sợ.

“Tàu ra khơi là chúng tôi cứ trực chỉ Hoàng Sa mà tiến. Đó là biển cha ông, của Tổ quốc mình thì mình đánh bắt thôi”, anh Hay nói nhẹ tênh.

Theo anh Hay, dịp Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển chủ quyền Việt Nam, anh cùng 8 con tàu của gia đình vẫn đánh bắt bình thường. Vị trí đánh bắt có khi chỉ cách giàn khoan trái phép chừng 20 hải lý.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.