| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/10/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 12/10/2020

Đổi tên, từ nghĩa rõ ràng thành... vô nghĩa

Bộ GT-VT lại mới có đề xuất đổi tên xe buýt thành 'xe khách thành phố'. Nếu vậy, sẽ rất dễ tạo ra sự nhập nhằng về giá vé.

Sau ồn ào về chuyện đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, từ “trạm thu giá” thành “trạm thu tiền” rồi từ “trạm thu tiền” lại trở về với “trạm thu phí”, mới đây, trong dự thảo luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GT-VT lại đề xuất đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố”.

Đề xuất này khiến dư luận ngỡ ngàng, không ai không nhận ra ý đồ của quý Bộ trong những việc đổi tên hết sức ngô nghê này.

Nếu gọi là “trạm thu phí” thì phải tuân theo những quy định trong luật phí và lệ phí. Còn nếu đổi thành “trạm thu giá” thì người ta có thể tùy ý quy định giá thu, dưới danh nghĩa “cơ chế thị trường”.

Xe buýt cũng vậy, nếu để nguyên tên là xe buýt, thì phải tuân theo những quy định về quản lý vận chuyển công cộng bằng xe buýt, trong đó có quy định về giá vé xe. Còn nếu nó trở thành “xe khách thành phố” thì vấn đề sẽ khác. Tất cả sự đổi tên đó phải chăng đều chung mục đích.

Từ rất lâu, từ “xe buýt” đã trở nên rất thân thuộc với người dân các thành phố. Nói đến xe buýt, ai cũng hiểu đó là một loại hình vận tải công cộng, có nhiều điểm đỗ cho những chặng đường ngắn, có cách bố trí chỗ ngồi ít chỗ đứng nhiều, giá vé đồng hạng cho tất cả các điểm dừng. Khác hẳn với xe khách. Khi xe vận hành, hành khách không được phép đứng, và xuống ở quãng nào chỉ phải trả tiền cho quãng đường đó.

Nếu đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố” thì sẽ rất dễ tạo ra sự nhập nhằng về giá vé.

Hiện tại, vận tải công cộng (chủ yếu là xe buýt) đang là vấn đề hết sức nan giải đối với ngành GT-VT. Ai cũng biết, phương tiện vận tải công cộng chính là chỉ số nói lên việc giao thông trong một thành phố là văn minh hay lạc hậu. Phương tiện vận tải công nhiều đồng nghĩa với thành phố văn minh và ngược lại.

Theo thống kê, hiện tại tốc độ phát triển xe buýt của Hà Nội mới chỉ tăng trên dưới 1% mỗi năm, đáp ứng được 16% nhu cầu đi lại của dân chúng.

Xe chậm chuyến, trở thành những con rùa đã đành, mà việc vận hành còn trở thành nỗi hãi hùng của dân, đến nỗi người dân phải gọi xe buýt là những “hung thần”. Còn buýt nhanh (BRT) thì đã thất bại toàn tập. Một mình chiếm đến non một nửa những con đường mà không hề nhanh hơn buýt thường, trên xe lèo tèo hành khách.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thì không biết bao giờ mới được đưa vào khai thác. Mà có khai thác thì cũng không ai dám chắc nó có như BRT không. TP Hồ Chí Minh cũng không hơn gì. Rất nhiều xí nghiệp và HTX xe buýt đã chết hay sống ngắc ngoải.

Phương tiện vận tải công cộng chết, nghĩa là giao thông văn minh chết.

Hãy tập trung toàn bộ sức người sức của vào để biến những thành phố thành những thành phố văn minh qua việc giao thông thông thoáng, thay vì cứ loay hoay biến những cái tên đang có nghĩa hết sức rõ ràng thành những cái tên có nghĩa tối mò hay vô nghĩa. Đó mới là việc cần làm hơn!

Bình luận mới nhất