| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay diệu kỳ ở làng Brâu, 'giặc đói' và những hủ tục đã được đẩy lùi

Chủ Nhật 24/07/2016 , 07:01 (GMT+7)

Nhưng, điều đáng mừng nhất là cuộc sống mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần ở Đắk Mế đã đổi thay và đi lên từng ngày. Công lớn nhất là tập thể Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Không chỉ có số lượng rất ít, với những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, đồng bào Brâu ở làng Đắk Mế, xã biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum còn là tộc người thiểu số nằm trong "sách đỏ" cần được quan tâm chăm lo đặc biệt.

Vì thế, năm 2005, dự án "Bảo tồn và phát triển người Brâu” của Nhà nước đã giúp Đắc Mế thoát khỏi nguy cơ bị "xóa sổ" và chuyển mình đi lên từng ngày.

Giúp dân làm giàu

Trong cái nắng đỏ rực trên vùng ngã ba biên giới, theo chân những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chúng tôi về làng thăm Đắc Mế, cách trụ sở Ủy ban xã Bờ Y khoảng 2km. Đường vào làng khá thơ mộng với nhiều nóc nhà truyền thống theo phong cách cổ xưa, ẩn hiện giữa mênh mang núi rừng.

Có tiếp xúc với đồng bào B’Râu mới thấy, thế giới của người Brâu có thể níu chân bất cứ khách phương xa nào, bởi những nét đặc trưng về văn hóa, tập tục, và bởi những con người nơi đây có đôi mắt sáng như loài chim cú, có bước chân thoăn thoắt của loài linh dương, có dũng khí của loài chim ưng, cùng với tục xăm mặt kỳ lạ.

Nhưng, điều đáng mừng nhất là cuộc sống mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần ở Đắk Mế đã đổi thay và đi lên từng ngày. Công lớn nhất là tập thể Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Từ lâu nay, Đắc Mế không còn bị "giặc đói" hoành hành, không còn những hủ tục lạc hậu. Đi đến bất kỳ hộ gia đình nào trong thôn cũng có thể cảm nhận được những đổi thay kỳ diệu này.

17-21-14-nh-7104158976
Đường đến Đắk Mế

 

Câu chuyện của gia đình anh Thao La - một hộ nông dân làm kinh tế giỏi ở thôn Đắc Mế chính là minh chứng của lòng quyết tâm, sự dẻo dai đến từ những người lính mang quân hàm xanh trên vùng ngã ba biên giới. Đứng giữa vườn cà phê rộng hơn 2ha đang vào kỳ trĩu quả, người đàn ông trung niên người dân tộc thiểu số Brâu mải mê trò chuyện cứ như thể anh muốn nói thật nhiều lời tri ân dành cho Thiếu tá Phạm Xuân Bốn và đồng đội.

Thao La kể rằng, mảnh vườn cà phê này gia đình anh khai phá từ hơn 20 năm trước, nhưng phải đến một vài năm trở lại đây mới sinh lợi nhờ chọn đúng cây, làm đúng cách...

"Đầu tiên, mình trồng mì rồi chuyển sang cây mía, nhưng chẳng thu được bao nhiêu tiền cả. Thấy người ta trồng cây điều, mình cũng làm theo, rút cuộc, sau mấy năm chăm bón phải chặt làm củi vì không có trái. Sau đó, mình chuyển sang trồng cam và cả cây cà phê nhưng cũng phải chặt bỏ vì không biết cách làm...

Trong lúc chán nản vì bế tắc, may gặp được mấy anh em ở Đồn BPCK quốc tế Bờ Y đến vận động mình tiếp tục trồng cây cà phê. Nói thật, đã từng thất bại một lần nên lúc đầu mình cũng rất ngại vì loại cây này chăm sóc kỹ lắm. Nhưng nhờ có các anh Biên phòng động viên, tận tình giúp đỡ về mặt kỹ thuật, hỗ trợ cho mình cây giống, phân bón giúp mình yên tâm hơn" - Thao La bộc bạch.

Theo quy trình, cây cà phê giống mới này sau 3 năm chăm bón mới bắt đầu cho thu quả bói. Cái khó ở đây không chỉ là việc hướng dẫn chuyển kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây, mà còn phải tìm ra cái ăn, vốn đầu tư trong ngần ấy thời gian chờ đợi quả ngọt. Đối với hộ nông dân tay trắng, "nhiều không" mà có đến sáu, bảy miệng ăn như gia đình Thao La thì chắc chắn sẽ bó tay, nếu không có sự trợ giúp của đồn BP.

Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn BPCK quốc tế Bờ Y cho chúng tôi biết: "Đây là mô hình điểm phát triển kinh tế trong đồng bào Brâu ở thôn Đắc Mế nên chúng tôi quyết tâm đồng hành cùng gia đình anh Thao La đến cùng. Cán bộ, chiến sĩ đội công tác địa bàn thường xuyên vào tận vườn, hướng dẫn từng công đoạn kỹ thuật để gia đình anh tiếp thu và vận dụng sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây cà phê. Bên cạnh đó, đơn vị còn hỗ trợ vật chất, cây con giống giúp gia đình anh từng bước giải quyết những khó khăn trong suốt 4 năm qua...".

17-21-14-nh-310415830

 

Mọi khó khăn, thử thách rồi cũng đi qua. Vườn cà phê của Thao La đã đến kỳ "đơm hoa kết trái" trong niềm vui khó diễn tả nên lời của những người lính Biên phòng. Năm ngoái, gia đình anh thu bói được hơn 3 tấn cà phê khô và chắc chắn sản lượng năm nay sẽ tăng lên gấp bội nhờ đầu tư đúng quy trình, trúng thời điểm.

Và, như một hiệu ứng tích cực, mô hình phát triển vườn cà phê lan tỏa khắp thôn Đắc Mế, mở ra triển vọng mới giúp bà con thoát nghèo vươn lên. Bên cạnh trường hợp Thao La, Đắc Mế còn có nhiều cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi như hộ gia đình anh A Hạnh trồng được 2ha cà phê, chị Y Binh (1,5ha), anh Thao Nhe (0,5ha)...

Điều đáng mừng là, hầu hết các hộ gia đình ở đây đều đã giảm đáng kể công đoạn "cầm tay chỉ việc", bà con đã dần nắm vững kỹ thuật, tính toán chính xác tính thời vụ để đầu tư phù hợp với quy trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê.

Và loại bỏ hủ tục

Giúp người dân Brâu ở thôn Đắc Mế phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Bờ Y còn là nhân tố tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư đặc biệt này.

17-21-14-nh-4104158273
17-21-14-nh-6104158739
Nhà Rông và người B’Râu ở Đắk Mế

 

Gặp gỡ trò chuyện với Thôn trưởng Thao Lợi, chúng tôi mới thực sự thấm thía nỗi gian nan vất vả của chính quyền địa phương và đồn BP xung quanh việc bảo tồn và phát triển tộc người Brâu. Trong vô vàn những vấn đề cần giải quyết, từ chuyện ăn, chuyện ở, chuyện làm của bà con thì vấn nạn tảo hôn và thực trạng hôn nhân cận huyết thống một thời chính là "hòn đá tảng" ngăn cản sự phát triển ở Đắc Mế. 

Thôn trưởng Thao Lợi cho biết, vấn đề nan giải này đã được Đồn BPCK quốc tế Bờ Y tập trung xóa bỏ từ trước thời điểm triển khai thực hiện dự án bảo tồn và phát triển tộc người Brâu, nhưng thi thoảng, nó vẫn "quay trở lại" do nhận thức của nhiều bà con còn hạn chế. Tuy nhiên, khi mối nguy cơ chưa kịp hiện hình thì những người lính mang quân hàm xanh đã có mặt kịp thời ra tay xóa bỏ, như trường hợp tảo hôn của Năng Loan cách đây mấy năm, đòi "bắt chồng" khi mới mười hai, mười ba tuổi.

Vấn nạn hôn nhân cận huyết thống cũng vậy, hễ tái phát là lập tức "có thuốc" điều trị hiệu quả ngay. Bởi suy cho cùng, mọi căn nguyên đều xuất phát từ việc người Brâu ở Đắc Mế trước đây rất ít khi giao tiếp với người lạ. Họ thường "luẩn quẩn" với nhau nên con anh con chú phát sinh tình cảm mà các bậc cha mẹ không hề hay biết.

Thôn trưởng Thao Lợi kể: "Ngày chưa định cư về đây, chuyện này thường xuyên xảy ra ở Đắc Mế, mặc dù người lớn ra sức ngăn cấm, nhưng lũ trẻ vẫn quyết tâm lấy nhau. Trong thôn hễ xảy ra chuyện là tổ tuyên truyền chống tảo hôn của BĐBP lại đến tận nhà, gặp gỡ từng người để uốn nắn những cái sai, giúp bà con sửa chữa. Người dân Đắc Mế mình rất yêu quý BĐBP...".

Box: “Sự chuyển mình vươn lên của Đắc Mế không chỉ được thể hiện ở những chỉ số về kinh tế, những cải thiện tích cực trong đời sống văn hóa, mà còn nhìn thấy rất rõ trong công tác giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng cao. Thôn hiện có hàng chục trường hợp đang theo học bậc trung học phổ thông, trong đó, có một số cháu được vào học tại các trường chuyên nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc giúp người Brâu ở Đắc Mế tự tin để tiếp tục phấn đấu đi lên”, Thôn trưởng Thảo La.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.