| Hotline: 0983.970.780

Đòn bẩy cho nông thôn

Thứ Ba 26/02/2013 , 10:07 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang đi đúng "quỹ đạo".

Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã và đang đi đúng "quỹ đạo". Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vướng mắc, tồn tại nảy sinh trong quá trình phân bổ nguồn vốn, địa phương chưa thực sự quan tâm vào cuộc...

Đó là nội dung được bàn thảo tại hội nghị "Sơ kết 3 năm việc triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT" do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa chủ trì ngày 25/2 tại Hà Nội. Đến dự còn có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cùng đại diện Bộ Tài chính, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diện 2 tỉnh tham gia thí điểm cấp thẻ đào tạo nghề là Bến Tre, Thanh Hóa...

Tuyên truyền hiệu quả

Báo cáo tại buổi sơ kết, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngay sau khi có QĐ 1956, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT với mục tiêu là khẩn trương, đồng bộ và quyết liệt. Qua 3 năm triển khai, Bộ NN-PTNT đã tổ chức xây dựng và nghiệm thu chương trình, giáo án của 101 nghề nông nghiệp với trình độ sơ cấp. Trong đó, năm 2010 được 41 nghề, mỗi năm 2011 và năm 2012 là 30 nghề.

Bên cạnh việc tổ chức xây dựng các chương trình, giáo án dạy nghề, Bộ NN-PTNT đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, đã xây dựng được chuyên trang “Tư vấn - Dạy nghề” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Chuyên trang đã tổ chức thông tin, tuyên truyền một cách có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Nhiều bài viết hay, đa dạng về các mô hình làm giàu, mô hình dạy nghề được phản ánh sâu rộng đến người dân cả nước. 500 trang “Tư vấn - Dạy nghề” với trên 1.500 tin bài đã được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa chủ trì sơ kết 3 năm đào tạo nghề cho LĐNT

Đồng thời, trong 2 năm 2011 và 2012, Tạp chí NN-PTNT đã xuất bản được 4 số chuyên đề “Đào tạo nghề cho LĐNT” với số lượng 500 cuốn/số. Công tác tuyên truyền còn được sự hợp lực của rất nhiều các đơn vị như kênh VTV2 (Đài THVN), kênh VOV1 (Đài TNVN), kênh VTC16 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC), trang tin www.khuyennong.gov.vn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…

Sau khi xây dựng được chương trình, giáo án giảng dạy, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính… chỉ đạo triển khai công tác dạy nghề xuống các tỉnh. Hiện có 40 tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT giao công tác đào tạo nghề cho Chi cục Phát triển nông thôn. 18 tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông. 4 tỉnh giao cho Phòng Kế hoạch - Tài chính, 3 tỉnh còn lại giao cho các trường dạy nghề.

Trong năm 2012, 36/63 Sở NN-PTNT được phân bổ kinh phí và đã tiến hành dạy nghề cho LĐNT. Số học viên được đào tạo nghề nông nghiệp là trên 91.000 người với kinh phí là 93 tỷ đồng. Tại các lớp dạy nghề, người dân được học nghề theo đúng phương châm “cầm tay, chỉ việc”. Tùy từng nghề mà có thể lược bỏ lý thuyết và tăng thời gian thực hành cho các học viên.

Còn vướng mắc

Tuy nhiên, thực tế qua 3 năm đưa đề án vào triển khai, nhiều vướng mắc dần nảy sinh khiến cho công tác đào tạo nghề chưa thực sự đạt được những kết quả như mong muốn. Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Nông nghiệp Nam bộ cho rằng, kinh phí được cấp quá thấp khiến cho công tác đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo ông, trong quy định của Bộ, chi phí ăn ở đi lại cho giáo viên chỉ được cấp cho 1 lần đi và 1 lần về. Tuy nhiên do đặc thù công việc, giáo viên của các lớp thường xuyên phải xuống cơ sở, ăn ngủ và cùng bà con nông dân SX. Toàn bộ chi phí kể trên được do giáo viên bỏ ra hoặc nhà trường chi trả, nhưng đến cuối năm lại không thể quyết toán do điều nằm ngoài quy định. Nếu giáo viên chỉ xuống cơ sở rồi về ngay thì chả khác việc… cưỡi ngựa xem hoa.

“Kinh phí không chỉ thấp và nhiều khi còn bị phân bổ chậm đã khiến cho công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho bà con ở Cần Thơ chưa thực sự đảm bảo chất lượng”, ông Dương nhấn mạnh.

Do đặc thù là vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông nên công tác đạo tạo nghề ở Tây Nguyên được xem là hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên cho biết, qua 3 năm triển khai, toàn tỉnh Kon Tum mới chỉ đào tạo được 1.080 học viên. Các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi vẫn tỏ ra hết sức lúng túng. Riêng tỉnh Đăk Lăk có phần khởi sắc hơn. Năm 2012, Đăk Lăk mở được 4 lớp đào tạo nghề, trong năm 2013 dự kiến mở thêm 27 lớp.

Những nghề mũi nhọn vẫn là trồng trọt và chăn nuôi. Bản sắc văn hóa cũng như phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng chính là một rào cản trong quá trình tiếp thu kiến thức từ các lớp đào tạo nghề.

Ông Tiến kể vui rằng, có gia đình người vợ đi học lúc nào cũng có chồng đi “kèm” để làm công tác… phiên dịch. Lí do là người vợ chưa đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ. Về nguồn vốn phục vụ cho đào tạo nghề, ông Tiến cũng cho rằng như thế là quá ít. Bản thân trường ông hàng năm còn phải bù lỗ vào các khoản ăn uống, đi lại của giáo viên cũng vì lý do không thể quyết toán với tỉnh.

Để dân tự chọn nghề

Cũng trong buổi sơ kết, một vấn đề nhận được sự quan tâm hầu hết của các vị đại biểu đến dự đó là việc triển khai hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho LĐNT. Đại diện 2 tỉnh Bến Tre, Thanh Hóa cũng đã có mặt để báo cáo tình hình thực hiện.

Ông Đỗ Thế Hạnh, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, năm 2010, tỉnh đã tổ chức mở 55 lớp đào tạo được 1.915 học viên. Trong đó, số học viên đeo thẻ màu đỏ là 959 học viên, thẻ màu xanh 150 học viên, thẻ màu vàng là 806 học viên. Có 3 nghề được lựa chọn để đào tạo là: Trồng trọt (900 học viên chiếm 47%), Chăn nuôi (840 học viên chiếm 44%), các nghề dịch vụ khác (175 học viên tương đương 9%).


Nông dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) thực hành trồng nấm

Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng, công tác tuyên truyền thực sự làm chưa tốt. Nhiều địa phương trong tỉnh vẫn lúng túng và chọn giải pháp “an toàn”. An toàn ở đây nghĩa là dạy những nghề đã có sẵn ở địa phương, không mất công áp dụng giáo án, tránh được rủi ro khi đào tạo. Đây thực sự là một hiện tượng rất đáng phê phán, thể hiện sự ỷ lại, dựa dẫm vào cấp trên.

Chốt lại buổi sơ kết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa xin tiếp thu ý kiến của tất cả các vị đại biểu. Riêng tháng 3, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức một buổi lễ sơ kết tại Bến Tre, tập trung vào mô hình cấp phát thẻ học nghề. “Chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng tại các cơ sở dạy nghề. Từ đó phân loại, đánh giá năng lực của các tỉnh”, ông Khoa nhấn mạnh.

Còn bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, mô hình này đã được triển khai tại các huyên Giồng Chôm, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam với tổng cộng là 112 lớp. Đến cuối năm 2011, tổng số LĐNT được đào tạo là 3.329 người với 1.077 học viên đeo thẻ màu đỏ, 152 học viên đeo thẻ màu xanh, 2100 học viên đeo thẻ màu vàng.

Nhưng mặt trái của việc để người dân tự chọn nghề đã xảy ra tình trạng không đủ lớp để dạy, trong khi có lớp lại không đủ học viên. Công với việc, kinh phí quá thấp đã khiến cho việc tổ chức các lớp dạy nghề vấp phải khó khăn. Bà Sương cho biết thêm, trong năm 2013 này, Bến Tre sẽ tiếp tục tập đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về việc thí điểm cấp thẻ cho người dân, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mục tiêu của việc này là để người dân tự lựa chọn nghề theo điều kiện thực tế. “Tự chọn là cơ sở tốt nhất đề học nghề và đào tạo nghề cho LĐNT”, ông Tiến nhấn mạnh.

Còn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi thì khẳng định, trong thời gian tới, cần phải sửa đổi lại chương trình học và thời gian thực học. Đồng thời đẩy mạnh công tác phân bổ tài chính. Có như vậy công tác đào tạo nghề mới đem lại hiệu quả, người học có kĩ năng thành thực sự, từ đó SX hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.