| Hotline: 0983.970.780

Đón đầu tư từ Nhật Bản

Thứ Tư 05/03/2014 , 09:37 (GMT+7)

Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đón đầu tư từ Nhật Bản.

Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngoài những khó khăn cũng như thuận lợi trong việc XK nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội đón đầu tư từ nước ngoài, nhất là Nhật Bản.

Trong 12 quốc gia đang đàm phán TPP, Nhật Bản là một trong những nước đang có chính sách bảo hộ nông sản nội địa mạnh mẽ nhất. Và ngay trong quá trình đàm phán TPP, Nhật Bản vẫn giữ quan điểm bảo hộ 5 nhóm hàng nông sản là gạo, lúa mì, thịt bò, thịt lợn, bơ sữa và đường.

Tuy nhiên trước sức ép từ những nước tham gia đàm phán TPP, Chính phủ Nhật Bản sớm muộn cũng dần phải nới lỏng các chính sách bảo hộ. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định điều chỉnh lại chính sách bảo hộ đối với ngành lúa gạo nội địa theo hướng giảm dần và cắt trợ cấp.

Theo đó, trước đây, để điều chỉnh sản lượng hay giảm sản lượng lúa, các hộ trồng lúa gạo sẽ được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp 15.000 yên/1.000m2 đất canh tác. Nhưng bắt đầu từ năm 2014, mức trợ cấp nói trên sẽ bị cắt giảm 1 nửa và sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn vào năm 2018. Khi ấy, sản xuất lúa gạo ở Nhật Bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Và quan trọng hơn, khi bãi bỏ chính sách bảo hộ với sản xuất lúa gạo trong nước, Nhật Bản sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu gạo là chính. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong những lần ông sang thăm và làm việc ở Nhật Bản, phía Nhật cũng thể hiện quan điểm là không muốn sản xuất nhiều lúa gạo. Thay vào đó, họ muốn các doanh nghiệp của họ đi đến các nước khác đầu tư sản xuất lúa rồi đưa gạo về Nhật Bản.

Chính vì vậy, hiện đang có nhiều doanh nhân Nhật Bản tìm sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư sản xuất chăn nuôi, lúa gạo… PGS.TS Phạm Văn Dư, cho biết, mới đây, có 2 doanh nghiệp từ Nhật Bản đã sang Việt Nam và nhờ một nhà khoa học tư vấn cho họ về việc đầu tư sản xuất lúa ở nước ta. Theo ông Dư, do Nhật Bản đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn của lúa gạo, nên nhiều khả năng, các doanh nghiệp Nhật Bản khi sang đầu tư sản xuất lúa gạo ở nước ta, họ sẽ không liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam mà sẽ đầu tư xây dựng những vùng nguyên liệu khép kín.

Ở những vùng nguyên liệu ấy, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sử dụng giống lúa mà họ đem sang từ nước họ, áp dụng quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, rồi xay xát, chế biến như ở bên Nhật, đem sản phẩm xuất khẩu về nước này. Dầu vậy, những mô hình sản xuất lúa như thế rất đáng được hoan nghênh vì sẽ đem lại lợi ích cho những hộ nông dân Việt Nam được tham gia vào quy trình canh tác lúa của doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhiều năm nay, ở An Giang, đã có một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trồng lúa theo mô hình khép kín như trên và khá thành công. Ông Dư khẳng định: “Việt Nam cũng đang cần có thêm những mô hình tiên tiến trong sản xuất lúa gạo. Vì thế, ngành nông nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào sản xuất lúa ở nước ta”.

Cũng nhằm chuẩn bị cho những thay đổi về thị trường chăn nuôi Nhật Bản trong những năm tới khi mà nước này có thể sẽ phải điều chỉnh chính sách bảo hộ với ngành chăn nuôi theo kết quả đàm phán TPP, đã có những doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam tìm hiểu khả năng đầu tư vào chăn nuôi.

Ông Đàm Văn Hoạt, TGĐ Cty TNHH Trại Việt, cho hay, vừa qua, Cty đã tiếp 2 đoàn khách đến từ Nhật Bản. Những đoàn khách này đều đặt vấn đề đầu tư vào chăn nuôi ở nước ta để XK trở lại vào Nhật Bản. Tuy nhiên, do phía Nhật Bản mới ở bước thăm dò nên chưa thể có những thông tin thêm.

Theo thông tin từ một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi, thực ra việc doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài đầu tư chăn nuôi rồi đưa sản phẩm về nước này không phải là mới mẻ. Chẳng hạn, với giống bò Kobe nổi tiếng, hiện tại, đã có những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nuôi ở Úc rồi nhập khẩu sản phẩm về Nhật Bản.

Do đó, trước bối cảnh Nhật Bản đang tham gia đàm phán TPP, và nhiều khả năng nước này sớm muộn gì cũng phải dỡ bỏ dần chính sách bảo hộ với ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, thì việc các doanh nghiệp Nhật Bản tìm sang Việt Nam để đầu tư chăn nuôi rồi mang sản phẩm về Nhật Bản là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đây là một cơ hội tốt cho ngành chăn nuôi Việt Nam, trong bối cảnh mà chăn nuôi bị coi là một trong những lĩnh vực sẽ bị thua đau ngay trên sân nhà sau khi kết thúc đàm phán TPP, do sức cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam khá kém so với sản phẩm nhập khẩu.

 

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.