| Hotline: 0983.970.780

Dồn điền đổi thửa, nhìn từ Hải Lăng

Thứ Ba 18/10/2011 , 12:13 (GMT+7)

Nhiều năm qua, Hải Lăng luôn đứng đầu nhiều chỉ tiêu như năng suất, sản lượng lúa, màu, hoàn thành sớm thời gian gieo cấy và thu hoạch...

Nhờ DĐĐT tốt nên nông dân dễ dàng sử dụng cơ giới hoá trên đồng ruộng

Hải Lăng (Quảng Trị) là huyện thuần nông. Nhiều năm qua, Hải Lăng luôn đứng đầu nhiều chỉ tiêu như năng suất, sản lượng lúa, màu, hoàn thành sớm thời gian gieo cấy và thu hoạch... Nguyên nhân được nhiều người khẳng định nhờ công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được thực hiện tốt.

Ruộng manh mún khó phát triển

Chủ nhiệm HTX Kim Long, xã Hải Quế - ông Nguyễn Dõng dẫn chúng tôi đi thăm đồng đến mỏi chân mà vẫn chưa đi hết phần ruộng của nông dân Nguyễn Xí. Thấy tôi ngạc nhiên ở đây ruộng đồng rộng thẳng cánh cò bay, ông Nguyễn Dõng tự hào, không riêng HTX Kim Long, nhiều HTX khác của xã đã thực hiện DĐĐT từ nhiều năm trước và họ đã làm rất tốt. Trung bình mỗi thửa ruộng ở vùng này rộng đến hàng ngàn mét vuông.

Trở lại trụ sở UBND xã Hải Quế, Chủ tịch xã Nguyễn Như Thanh phấn khởi thông báo năng suất lúa vụ HT 2011 của Hải Quế đạt 62,9 tạ/ha, cao nhất tỉnh. Trong lúc đó trung bình của tỉnh ở mức 56,5 tạ/ha. Vụ HT 2011 xã Hải Quế gieo cấy hơn 407 ha song khi lúa chín sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch chỉ một tuần là hoàn chỉnh. "Đạt được tất cả kết quả trên là nhờ thực hiện tốt công tác DĐĐT", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Giáp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng, cho biết: Toàn huyện có 18 xã sản xuất lúa với tổng diện tích đất nông nghiệp 10.300 ha, trong đó đất ruộng lúa và màu hơn 7.500 ha, còn lại là đất trồng cây lâu năm, vườn tạp...  Phân tích thực tế cho thấy đang tồn tại nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến nông nghiệp huyện nhà, trong đó có vấn đề ruộng đất manh mún. Vì vậy, huyện Hải Lăng quyết định tập trung DĐĐT để sản xuất lớn.

Để làm được việc trên, huyện Hải Lăng xác định lấy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm then chốt, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thực hiện đúng quy chế dân chủ cơ sở để đả thông tư tưởng cho nhân dân. Bà Lê Thị Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, cho biết: "Nhờ cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt trong chủ trương, chỉ đạo và thực hiện, công cuộc DĐĐT của huyện Hải Lăng đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Từ năm 2002, công việc được thực hiện ở xã Hải Thiện rồi đến Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Vĩnh... rồi dần dần hoàn thiện cả huyện. Việc chuyển đổi ruộng đất, trước đây mỗi hộ có 8 - 9 thửa đất, có hộ 15 thửa, diện tích mỗi thửa trung bình vài trăm mét vuông. Sau DĐĐT, số thửa chỉ còn lại 1 đến 3/hộ, diện tích của mỗi thửa ruộng trung bình hơn 1.600 m2".

Anh Nguyễn Ngọc Hải, một nông dân xã Hải Thiện, so sánh giá trị đầu tư sản xuất trước và sau khi chuyển đổi: "Chi phí giống, phân bón, ngày công... cho một héc - ta ruộng sau DĐĐT giảm gần 1 triệu đồng, tương ứng gần 20% tổng chi phí trước đó". Sau chuyển đổi, tinh thần bà con nông dân phấn khởi vì mang lại lợi ích thiết thực, xoá bỏ sản xuất manh mún để nhanh chóng áp dụng những tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất có hiệu quả, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất giống lúa và lúa chất lượng cao.

Cơ sở để thực hiện NTM

Tại huyện Hải Lăng, nhờ có quy hoạch tốt khi chuyển đổi ruộng đồng, hệ thống giao thông được nâng cấp, làm mới tạo điều kiện cho xe cơ giới đến tận bờ ruộng để thu hoạch và tuốt lúa, vì vậy thời gian thu hoạch rút lại còn rất ngắn, có nơi chỉ 3 đến 5 ngày.

Ông Nguyễn Giáp, Trưởng phòng NN-PTNT, kiêm Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hải Lăng, cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, để tiến hành xây dựng NTM điều quan trọng là phải quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu đưa cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động. Tại Hải Lăng nhờ sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nên hầu như xã nào cũng đi trước việc này. Đây là cơ sở để sớm xây dựng thành công NTM.

Hiện tại, huyện Hải Lăng đang khẩn trương xây dựng NTM trên khắp các địa phương. Tiêu chí về quy hoạch lại ruộng đồng ở Hải Lăng được thuận lợi là nhờ trước đó họ đã làm tốt DĐĐT. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, từng khẳng định: DĐĐT không chỉ giúp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thuận lợi, mà còn giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. DĐĐT được xem là một trong những nhu cầu cấp bách để phát triển nông thôn, thực hiện CNH-HĐH.

Hải Lăng luôn đi trước các địa phương khác trong tỉnh Quảng Trị và miền Trung về cung cách lãnh đạo, làm kinh tế nên họ luôn là huyện giàu có về nông nghiệp, đời sống bà con nông dân nhanh chóng thay đổi. Hải Lăng là mô hình tốt để nhiều địa phương khác nghiên cứu, học tập.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.