| Hotline: 0983.970.780

Đơn độc Pa Ngay

Thứ Năm 27/05/2010 , 11:50 (GMT+7)

“Ốc đảo” Pa Ngay (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nằm cô độc giữa đại ngàn Trường Sơn, bao quanh tứ bề là núi...

“Ốc đảo” Pa Ngay (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nằm cô độc giữa đại ngàn Trường Sơn, bao quanh tứ bề là núi. Chính cái địa thế đơn độc, nằm cách xa thế giới bên ngoài cả ngày đi đường cộng với hủ tục lạc hậu đã khiến cho đời sống người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn.

Tin thầy mo hơn thầy thuốc

Từ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi gặp anh Hồ Văn Mặt, cán bộ Khuyến nông- Khuyến lâm xã Tà Long, với nhã ý được anh dẫn vào “ốc đảo” Pa Ngay, anh xua tay nguầy nguậy: “Không được mô, từ đây vô đó phải vượt hơn chục cái dốc "mạ ơi, mệ ơi", mấy anh đi không nổi mô. Ở đây chỉ có cán bộ biên phòng, trai bản mới vô tới đó thôi”. Sau một hồi thuyết phục, với lý do muốn vào thăm tình hình sản xuất, đời sống của bà con, anh Mặt đã xuôi lòng.

Một góc bản làng Pa Ngay

Từ trung tâm xã Tà Lòng, theo đường mòn cuốc bộ gần cả ngày đường, vượt những con dốc dựng đứng nhức cả mắt, những con suối chôn vùi dấu chân người, trước mặt chúng tôi hiện ra những căn nhà lụp xụp, xập xệ. Vừa tới đầu thôn Pa Ngay, thấy dân bản nhộn nhịp hẳn, cán bộ Mặt nhìn tôi giải thích: “Hôm nay thôn tổ chức cúng ma làng đó. Tục này lâu lâu mới có một lần, chỉ khi nào trong thôn có người đau ốm, mùa vụ không ra chi họ mới cúng thôi”.

Giữa sân bản, một con trâu rừng đã bị giết, trai bản đang chuẩn bị mổ thịt chia phần cho bà con trong thôn. Thấy tôi thắc mắc dân bản còn nghèo, nhiều hộ thiếu ăn mà hoang thế? Anh Mặt giải thích thêm: “Dù đời sống còn khó khăn nhưng nơi đây hủ tục còn khá nặng nề lắm. Nuôi trâu, heo, gà không để bán đổi lấy lương thực mà chỉ để phục vụ cúng giàng (trời), cúng con ma rừng thôi”.

Dân bản Pa Ngay mổ trâu tổ chức cúng Giàng

Bản Pa Ngay có 30 hộ dân, khoảng hơn 160 nhân khẩu. Vào nhà già làng Pả Hương, chúng tôi nghe được những câu chuyện đau lòng về những người con của bản đã vĩnh viễn nằm xuống mãnh đất này vì khi có bệnh, bị thương khi đi rừng đều đem đến thày mo cúng bởi họ quan niệm “do con ma rừng nó bắt”. Năm ngoái, anh Pả Dường (Hồ Văn Dinh) có đứa con tên là Hồ Văn Nơi bị sốt ly bì, ho sù sụ suốt ngày đã đắp, uống thuốc lá rừng nhiều ngày mà vẫn không khỏi. Anh bàn với vợ - chị Hồ Thị Nôi, mang con heo thả rong dưới sàn làm lễ cúng ma rừng may ra mới khỏi được. Mất cả lợn, cả xôi nếp vậy nhưng đứa con xấu số vẫn không khỏi bệnh.

Trẻ em Pa Ngay lên rừng kiếm măng rừng mưu sinh

Khi già làng Pả Hương biết chuyện, liền vận động mấy thanh niên trong bản xuyên rừng mang đứa trẻ ra trạm xá. Mất gần một ngày đi đường, đứa trẻ vì đuối sức, chưa ra đến nơi đã chết… Cán bộ y tế thôn Hồ Văn Thông cho biết: “Ở Pa Ngay tỷ lệ trẻ em bị bệnh, không được chữa trị rất cao. Khi bị bệnh nhiều gia đình len lút gọi thầy mo về cúng nên dù có biết thì can thiệp cũng đã muộn”. Già làng Pả Hương trâm ngâm: “Bác sĩ nói nó bị bệnh viêm phổi cấp tính, để lâu ngày không chữa nên biến chứng".

"Từ sau cái chết của con thằng Pả Dường, mình đi vận động mãi mà mới chỉ một vài hộ trong thôn nghe thôi, gạo không đủ ăn mà cứ bắt trâu, bò, lợn cúng mãi, biết khi mô mà dân bản khá lên được?”. Tâm tư của vị trưởng bản ở nơi còn lắm hủ tục như Pa Ngay chẳng được mấy người chia sẻ. Bởi một bằng chứng rõ ràng là hàng năm, thôn Pa Ngay lại lặng lẽ tiễn biệt những người bệnh ra đi. Khu rừng ma nằm cuối thôn mỗi ngày một rộng ra trong nỗi trăn trở của những người con của bản biết nghĩ, biết ưu tư như Pả Hương. 

Đường vào Pa Ngay vượt gần chục cái dốc ''mạ ơi, mệ ơi'' chỉ có trai bản mới vượt núi giao thương bên ngoài

Chỉ no được nửa mùa

Với cái địa thế nằm biệt lập với bên ngoài, mấy năm nay, hàng chục hộ dân nơi “ốc đảo” Pa Ngay phải chạy vạy từng bữa ăn hàng ngày. Trong thôn, được mấy sào lúa, ngô nhưng với quan niệm “hạt lúa là hạt ngọc của giàng” nên chẳng mấy khi đầu tư bón phân, chăm sóc. Khi đói, dân bản chỉ biết dựa vào trợ cấp của Nhà nước hay lên rừng đào của mài, săn bắt con chim, con thú về đắp đỗi qua ngày. Đường sá cách trở, sự giao thương Pa Ngay với bên ngoài dường như không có. Chẳng mấy khi dân bản đem sản vật mà mình hái lượm được ra trung tâm xã bán đổi lấy lương thực.

Ông Hồ Văn Nuôi nấu bữa cơm tối đạm bạc

+ Vừa vượt xong cái dốc “mạ ơi, mệ ơi” cán bộ Mặt ngồi nghỉ lấy sức, nói vui: Chú biết sao mà người ta gọi là thôn Pa Ngay không? Vì khi xưa muốn vào bản người ta phải cuốc bộ mất… ba ngày đường đó. Thế nên dân bản gọi mãi rồi nó trở thành cái tên vừa quen thuộc, vừa hãi hùng: Pa Ngay.

 

+ Ông Hồ Pàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long cho biết: Pa Ngay là một thôn nằm sát biên giới với nước bạn Lào, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong 30 hộ ở Pa Ngay, chỉ có vài hộ có điện nhờ tận dụng các thuỷ điện nhỏ ven suối. Do điều điện địa lý nên việc nâng cao đời sống, sản xuất cho bà con vẫn là bài toán nan giải!

Cán bộ Mặt buồn buồn: “Làm cán bộ khuyến nông xã mà không giúp được bà con trồng được cây lúa hay rau màu mình cũng buồn lắm! Nhưng anh xem đó, với địa thế của thôn nằm lọt thỏm giữa trập trùng núi đồi, rồi lại với cái quan niệm "hạt ngọc của giàng" như hiện nay, nói đến trồng cây lương thực xoá đói cho bà con là một vấn đề nan giải”.

Cán bộ Mặt dẫn chúng tôi vào nhà ông Hồ Văn Nuôi (70 tuổi) ở cuối bản. Đây là một trong những hộ khó khăn nhất của thôn. Chiều nay bà Hồ Thị Vên - vợ ông không có nhà, thấy khách lạ hỏi thăm, ông Nuôi phân trần: “Vợ cử (tôi) đi mượn gạo của mấy nhà hàng xóm rồi, đi lâu rồi mà sao không thấy về, hình như không có ê răng”.

Nói đoạn, ông bỏ lửng câu, bởi ông Nuôi biết đã mấy tháng nay nhà ông chạy gạo khắp đầu thôn cuối xóm. Mà hàng xóm cũng ngặt nghèo như ông chứ giàu có chi cho cam. Đụng đến nỗi lòng, ông Nuôi kể: “Con cái lớn lấy vợ, lấy chồng cả rồi. Mấy năm trước tui còn khoẻ, còn đi rừng được thì có con chim, củ mài mà ăn được, chứ bây giờ hai cái gối nó mỏi lắm, không đi được nữa, nên ở nhà nhịn đói thôi”. 

Thôn dân Pa Ngay đến mùa giáp hạt thiếu thốn trăm bề

Vừa nổi lửa đun nồi nước chưa sôi, từ dưới chân cầu thang bà Vên đã về, đằng sau cái a - chói (một dụng cụ đựng vật dụng của đồng bào vùng cao) rách nát chỉ có chừng 2 lon gạo nằm chỏng chơ. Bà vội chào khách, lẩn vào bếp nấu vội bữa cơm chiều cho cả nhà. Tranh thủ vì trời đã về chiều, ông Nuôi ra thái mấy cọng rau rừng vứt ngổn ngang héo úa ngoài sân. Bữa cơm với nồi canh lỏng bõng nước...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.