| Hotline: 0983.970.780

Donald Trump & cơn 'ác mộng' tin giả

Thứ Năm 21/06/2018 , 13:05 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ nổi tiếng là người ghét “tin giả” (fake news), tới mức có lần Trump đưa lên tài khoản mạng xã hội Twitter video lồng ghép về việc ông đấm túi bụi vào "một người" có logo CNN, đài truyền hình từng là nạn nhân của ông chủ Nhà Trắng trong một cuộc họp báo.

Truyền thông Mỹ từng thống kê rằng từ ngày mới nhậm chức 21/1/2017, trung bình mỗi ngày Tổng thống Donald Trump dùng một lần từ “tin giả” (fake news), không hề che giấu thái độ bị coi là “sỉ nhục” giới truyền thông.
 

“Đừng thô lỗ”

Việc các cơ quan truyền thông Mỹ “chia phe” ủng hộ ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, không phải là điều quá mới lạ. Đài CNN trở thành “nạn nhân” nổi tiếng nhất của Trump là có lý do, bởi hồi tháng 12/2016, khi truyền thông Mỹ và thế giới cạnh tranh từng phút về việc công bố số phiếu đại cử tri dành cho Donald Trump - đảng Cộng hòa và Hillary Clinton - đảng Dân chủ, đài CNN đã ngừng giữa chừng khi kết quả cho thấy Trump vượt trội đối thủ.

07-29-42_1
Tổng thống Trump tỏ rõ thái độ với tin giả (fake news)

Trước đó, CNN cũng là một trong những hãng đưa tin nhiều nhất về việc tình báo Nga can thiệp bầu cử Mỹ, với mũi dùi luôn chĩa vào Trump. Trong khi bà Clinton chỉ trích kịch liệt Nga và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin, ông Trump công khai nói người đứng đầu điện Kremlin là “nhà lãnh đạo tài ba”, điều vốn không được nhiều cái đầu nóng ở Mỹ ưa thích.

Các đời tổng thống Mỹ trước đó, luôn coi Nga và Trung Quốc là những đối thủ, với ít nhiều lời lẽ cứng rắn thể hiện thái độ trước cử tri. Với Trump, ông chỉ trích cái gọi là “tình báo Nga can thiệp bầu cử” là “săn phù thủy”, ám chỉ điều không có thật.

Mọi thứ được dồn lên đỉnh điểm trong cuộc họp báo ngày 1/11/2017, khi tình báo Mỹ công khai khả năng về tình báo Nga can thiệp bầu cử.

Trump chỉ trích việc các cơ quan tình báo tiết lộ thông tin tình báo ra là bên ngoài là "không thể chấp nhận". Tổng thống Mỹ thậm chí còn gọi một số hãng truyền thông là "rác rưởi" vì sản xuất "tin tức giả".

Giữa tháng 2 năm ngoái, khi Jim Acosta - phóng viên CNN chuyên trách Nhà Trắng, đứng lên đặt câu hỏi cho Trump, tổng thống Mỹ không ngần ngại gạt đi, dùng ngón tay trỏ về phía Acosta và nói: “Ông là kẻ đưa tin giả”. Các câu hỏi của Acosta trong vòng chưa đầy một phút, đã ba lần bị ngắt bởi Trump với câu “tin giả”.

“Thưa tổng thống, ông tấn công tổ chức của chúng tôi, tôi có thể hỏi ông một câu không?”, Acosta nỗ lực trong việc chất vấn. Đáp lại, Trump nói: “Đừng thô lỗ. Tôi sẽ không cho anh hỏi. Tôi không cho anh hỏi câu nào cả. Các anh là hãng tin giả”, Tổng thống Mỹ nói rõ từng từ một, nhấn mạnh vào “đừng thô lỗ”.

Ngoài CNN, hai hãng thông tấn cũng bị Trump liệt vào danh sách “tin giả” là New York Times, Washington Post, vốn là các tờ báo lâu đời và có nhiều ảnh hưởng tại Mỹ. Ông Trump hôm 17/1 năm nay, cũng công khai về “Giải thưởng tin giả” mà ông dành cho 10 phóng viên, cộng tác viên tại Mỹ, trong đó nhiều nhất là của CNN và Washington Post.

Trang tìm kiếm khổng lồ nhất thế giới, Google, còn cho biết thuật ngữ “tin giả” đã trở thành “từ khóa hot” trong năm 2017, sau khi được Trump sử dụng trong các cuộc họp báo chính thức và trên tài khoản mạng xã hội Twitter.

Trump là người yêu thích Twitter, coi đây là vũ khí chống lại điều ông cho là “tin giả” được lan truyền trên facebook hay báo chí. Thông qua các dòng tweet, Trump đưa ra dự báo chính sách, cổ vũ đồng minh hay công kích đối thủ. Ý kiến của Trump trên Twitter được các thẩm phán liên bang viện dẫn và gần như được xem là tuyên bố chính thức của Nhà Trắng. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ luôn thích dùng Twitter như một cách cho thấy ông “không cần” báo chí.

Sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, tần suất trung bình mỗi ngày một lần dùng từ “tin giả”, Trump đã biến nó ngày càng phổ biến hơn. Tài khoản Twitter của Trump có tới 48 triệu người theo dõi, thuộc diện nổi tiếng nhất mạng xã hội này.
 

Tin giả - vũ khí tuyên truyền

Người Nga có lẽ không xa lạ với tin giả, bởi một số hãng truyền thông phương Tây luôn nhắm vào nước này cùng Tổng thống Vladimir Putin. Vừa qua, fake news về việc nhà báo Babchenko, 41 tuổi, bị ám sát đã khiến cả làng báo phương Tây bị bẽ mặt.

Ngày 29/5, xuất hiện thông tin nhà báo Babchenko đã bị bắn 3 phát đạn từ phía sau ở cầu thang chung cư mà gia đình ông đang cư ngụ ở Kiev, Ukraine.

Ông phục vụ trong quân đội Nga trong cuộc chiến tranh ở Chechnya vào những năm 1990 và trở thành một trong những phóng viên chiến tranh nổi tiếng nhất của Nga. Năm 2017, ông Babchenko rời khỏi Nga sau khi ông và gia đình bị đe dọa vì đã không bày tỏ lòng thương tiếc đối với các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay quân sự của Nga.

Vì vậy, khi thông tin này lan ra, Nga là quốc gia hàng đầu bị nghi ngờ đứng sau “âm mưu” ám sát. Ngoài ra, tư tưởng phản đối Moscow sau sự kiện sát nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở Ukaine ở phương Tây nhanh chóng biến thông tin này nhanh chóng lên “top” đầu.

Nhưng chỉ 24 giờ sau, ông Arkady Babchenko “sống lại” và giải thích, ông đang tham gia vào một kế hoạch của an ninh Ukraine. Ông Vasily Gritsak, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine cho biết, cơ quan này đã ngụy tạo cái chết của nhà báo Babchenko để truy bắt những kẻ đang tìm cách giết ông.

Bộ Ngoại giao Nga gọi sự việc này là "một cuộc khiêu khích chống Nga" và rõ ràng được thiết kế cho mục đích tuyên truyền.

Sau khi được hé lộ, sự việc này càng thu hút sự quan tâm hơn của động cộng đồng nhà báo ở cả hai nước về tính xác thực của thông tin.

Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ) nói rằng việc tung tin một nhà báo đối kháng người Nga bị giết chết nhưng tái xuất hiện một ngày sau đó là điều “không thể dung thứ” và “không thể chấp nhận”.

Ông Philippe Leruth, Chủ tịch của IFJ nói thêm rằng “việc tung tin giả về cái chết của nhà báo này của chính quyền Ukraina đã làm tổn hại nghiêm trọng đến độ tin cậy của thông tin” và “có thể bị coi là hoạt động tuyên truyền".

Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) đã lên án vụ việc thao túng truyền thông này là "kiểu giả mạo đáng buồn". Ông François Asselineau, chủ tịch Đảng Liên minh nhân dân cộng hòa (UPR) - ứng viên tranh cử tổng thống Pháp năm 2017 thì cho rằng, báo chí phương Tây đã bị bẽ mặt vì một cú tin giả quá lớn.

Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông toàn cầu, Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) cho biết, việc “nhào nặn” thông tin là vô cùng nguy hiểm.

Triều Tiên cũng là nạn nhân của tin giả, điển hình như các vụ dùng súng phòng không xử tử tù nhân, cho 120 con chó đói xử tử tù nhân, cho đến các vụ bị coi là “thanh trừng” tướng lĩnh. Để rồi ít lâu sau, các viên tướng hay những nhân vật bị “tử hình”, lại xuất hiện trên truyền thông hoặc các chuyến công du.

Thông tin về Triều Tiên thường ít khi được hé lộ. Đây là một phần nguyên nhân mà nhiều thông tin giả được “thêu dệt” về tình hình quốc gia bí ẩn này.

Đơn cử là hồi năm 2013, nữ ca sĩ Hyon Song-Wol, được cho là bạn gái cũ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được truyền thông nước ngoài đưa tin đã bị xử tử. Tháng 8/2013, Chosun Ilbo, một tờ báo Hàn Quốc đưa tin, cô Hyon Song-Wol và 11 nghệ sĩ nổi tiếng khác của Triều Tiên đã bị bắt do tham gia đóng phim khiêu dâm và bị xử tử. Asahi Shimbun, tờ nhật báo bán chạy nhất của Nhật Bản, cũng tham gia đưa tin.

Sau đó vài tháng, cô Hyon Song-Wol xuất hiện kênh truyền hình của Triều Tiên, vẫn sống và khỏe mạnh.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).