| Hotline: 0983.970.780

Dòng họ khoa bảng đất Thăng Long

Thứ Ba 02/10/2012 , 09:55 (GMT+7)

Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học ở một vùng đất ven đô. Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết...

* 5 tiến sỹ ghi danh Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”, chỉ truyền thống hiếu học ở một vùng đất ven đô. Cót là tên nôm của làng Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Từ thế kỷ XIV, cùng các dòng họ Hoàng, Quản, Doãn... dòng họ Nguyễn Như Uyên đã về vùng ven sông Tô Lịch nơi đây để khai phá, lập làng.

Làng Cót là 1 trong 20 làng khoa bảng của Việt Nam và là 1 trong 5 làng khoa bảng Thăng Long - Hà Nội. Hiện là làng khoa bảng duy nhất ở nội thành. Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, làng Cót có 11 tiến sỹ, trong đó dòng họ Nguyễn Như Uyên có 5 tiến sỹ được khắc tên trong bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Cụ thủy tổ Nguyễn Như Uyên sinh năm 1436 tại làng Cót. Khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) cụ đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) về vinh quy tại làng Cót. Cụ là người khai khoa tiến sỹ của dòng họ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ) kiêm Quốc Tử Giám tế tửu (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), Nhập thị Kinh Diên (vào cung giảng sách cho vua). Khi cụ về trí sĩ (về hưu), được phong tước Thái Bảo, Liêm Quận Công và được vua ban cho đất đai an cư lập nghiệp ở làng Cót.


Nhà thờ họ Nguyễn Như Uyên

Đời thứ 2, có cụ Nguyễn Xuân Nham đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa thi Kỷ Mùi, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan tới chức Hình Bộ cấp sự trung, Thừa Chánh sứ ty. Đời thứ 3 có cụ Nguyễn Khiêm Quang đỗ Giải nguyên, khoa thi Quý Mùi, năm Thống Nguyên thứ 2 (1523), được ban Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, làm quan tới chức Mậu Lâm Lang phụng trí đại phu, Lạng Sơn sứ tán trị, thừa Chánh sứ ty, Tham chính.

Đời thứ 5 có cụ Nguyễn Nhật Tráng sinh năm 1551, năm 38 tuổi đỗ Hội nguyên khoa thi Ất Mùi, năm Quang Hưng thứ 12 (1589). Khi thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp) làm quan tới chức Đô cấp sự trung, Tá lý công thần. Khi mất được vua phong là Bỉnh Trung Đại vương.

Đến đời thứ 8 có cụ Nguyễn Vinh Thịnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa thi Kỷ Hợi, năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), làm quan tới chức Thẩm hình viện, Giám sát ngự sử. Ngoài ra, trong thời phong kiến còn có 33 cụ đỗ cử nhân, tú tài được bổ làm Tri huyện, Giám trường ở các địa phương…

Kể từ đời thủy tổ Nguyễn Như Uyên đến đời thứ 6 là cụ Nguyễn Nhật Lượng. Cụ được bổ làm Tri huyện Đông An (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), đã sinh hạ được 4 người con trai, gồm Nguyễn Cung Thực, Nguyễn Nhật Cốc, Nguyễn Trữ, Nguyễn Phúc Bình. Trong đó cụ Nguyễn Trữ gia phả dòng họ không ghi, nên thất truyền. Còn lại 3 cụ đã an cư lập nghiệp và phát triển các đời sau, chính thức trở thành 3 Chi họ lớn. Vì vậy ở nóc của nhà thờ họ vẫn treo bức hoành phi “Nguyễn thị tam chi” (3 chi họ Nguyễn).

Hiện nay, Chi trưởng (của cụ Nguyễn Cung Thực) đang ở làng Cót, đã phát triển khoảng 500 suất đinh. Vì số lượng đinh quá đông, các “Cành” (nhánh của Chi) đã tách ra thành 7 Chi. Chi thứ 2 (của cụ Nguyễn Nhật Cốc) ở làng An Phú, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cũng đã hình thành 9 Cành, rồi tách ra 4 Cành ở Nghĩa Đô và 5 Cành ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy). Sau đó phát triển thành 9 Chi như hiện nay với số lượng khoảng 400 suất đinh. Chi thứ 3 (của cụ Nguyễn Phúc Bình) đang ở làng Cót. Hiện Chi này vẫn giữ nguyên, chưa tách ra các chi nhỏ, vì số lượng suất đinh chỉ khoảng 90 người. Ở những thời kỳ trước, dòng họ Nguyễn Như Uyên có 3 Chi, đến nay đã phát triển thành 17 Chi, với số đinh trên 1.000 người, và là dòng họ lớn nhất quận Cầu Giấy.

Ngày 5/10 tới đây, dòng họ vinh Nguyễn Như Uyên dự tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hóa” (cấp thành phố) Nhà thờ họ Thái Bảo, Liêm Quận Công Nguyễn Như Uyên. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của các thế hệ con cháu một dòng họ khoa bảng trên mảnh đất ngàn năm văn vật. 

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dòng họ Nguyễn Như Uyên đã phát triển lớn mạnh về mọi mặt, nhất là số trai đinh, nhưng vẫn giữ trọn nền tảng của một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Hiện tại, đã có 4 tiến sỹ, 21 thạc sỹ, hơn 200 cử nhân ở các lĩnh vực khác nhau. Các tiến sỹ thời nay gồm: PGS.TS Nguyễn Trọng Thưởng, giảng viên Học viện Quốc phòng, TS Sinh học Nguyễn Đức Tùng, TS Kinh tế Nguyễn Mạnh Thắng… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã có hơn 40 người con của dòng họ nằm xuống vì nền độc lập của dân tộc, được Nhà nước công nhận là liệt sỹ.

Nhiều năm qua, công tác khuyến học của dòng họ luôn được chú trọng và được coi là nền tảng phát triển văn minh, trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Trung Thanh, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Nguyễn Như Uyên, hiện tại dòng họ đang tổng hợp tư liệu, sắp xếp lại gia phả qua 21 đời để tiến hành in ấn thành một cuốn hoàn chỉnh. Mặt khác, đang chuẩn bị các tư liệu để viết cuốn Sử ký dòng họ Nguyễn Như Uyên với bề dày lịch sử 600 năm hình thành và phát triển.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.