| Hotline: 0983.970.780

Đồng Lách- Thanh Hoá: Tết cận kề, đói sát nách

Thứ Hai 08/02/2010 , 11:30 (GMT+7)

Tết Canh Dần cận kề, dưới xuôi người ta đang ùn ùn đi sắm tết thì người dân bản Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) chỉ ao ước có bữa cơm no. Cuộc sống của 97 hộ với 494 nhân khẩu ở Đồng Lách thiếu thốn đủ điều...

Tết Canh Dần cận kề, dưới xuôi người ta đang ùn ùn đi sắm tết thì người dân bản Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) chỉ ao ước có bữa cơm no.

Con đường dốc khúc khuỷu, bụi bay mù mịt, nhiều đoạn cua như tay áo, uốn lượn những đường cong. Ngồi trên xe mà tôi sởn cả gai ốc. Vậy mà anh Lê Văn Tùng- cán bộ khuyến nông xã Tân Trường vẫn chắc tay lái đưa tôi đến tận bản Đồng Lách để tìm hiểu đời sống người dân trước Tết Canh Dần. Không những vất vả vượt bao đoạn đèo cao, suối sâu cách trở mà Đồng Lách ở trên độ cao 1.000m so với mặt nước biển ấy còn có những khó khăn truân chuyên khi mà cuộc sống của 97 hộ với 494 nhân khẩu càng ngút ngàn xa cách vì không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại, nước sinh hoạt, nước sản xuất quanh năm phụ thuộc vào trời. 

Trong căn nhà tuềnh toành ấy, bố con anh Nhân đang chờ mẹ đi đốn củi về đổi lấy gạo nấu cơm

Cả bản có hơn 344ha đất tự nhiên nhưng phần lớn là đất đồi núi, số ít là đất nông nghiệp nhưng phụ thuộc nước trời do đó sản xuất lúa vụ được, vụ mất nên bà con đói quanh năm. Đến thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, trưởng bản Lô Văn Sao có văn bản báo cáo lên xã: “Hiện cả bản có 82/97 hộ nghèo đang rơi vào tình cảnh đói gay gắt, hết gạo ăn. Họ chưa biết nhìn vào cái Tết ở đâu”.

Không ngần ngại kể về cuộc sống dân bản, anh Sao cho biết: “Vụ mùa vừa rồi lúa bị vàng lùn xoắn lá nên gần như mất trắng hết. Bây chừ gay lắm anh ơi, tui không biết phải làm gì lúc này, đành kêu cứu lên xã xem có cách nào giúp dân không. Thực tình chúng tôi chưa nghĩ gì đến Tết như mọi nơi mà chỉ mong sao có hạt gạo ăn qua ngày nếu không thì nguy to. Nhiều nhà hết gạo ăn mấy ngày nay rồi”.

Tìm đến hộ dân Hà Văn Nhân, chúng tôi không nhìn thấy gì hơn có giá trị ngoài hai cái giường nằm ọp ẹp cho 10 nhân khẩu và cái bàn uống nước tuềnh toàng kê bốn chân trên nền nhà lổm nhổm. Anh Nhân thở dài rồi than rằng: “Hai vợ chồng lấy nhau được 30 năm, 8 lần vợ sinh và hiện nuôi 7 đứa con. Con trai lớn lập gia đình và đã có con bế cũng đang ở cùng với bố mẹ. Vất vả quanh năm nên các con không được học hành”.

Căn nhà anh rộng vài chục mét vuông được nhà nước hỗ trợ mua ngói phibờrô ximăng làm cách đây 2 năm nên không bị nắng mưa dội vào nhưng quanh năm vẫn lộng gió vì bốn phía được trát bằng đất. Nhiều chỗ đất đã rơi, lỗ thủng rộng nên lũ trẻ có thể chui lọt qua. Căn nhà lụp xụp ấy là nơi sớm tối đi về của 10 con người chen chúc trong đó. Và cứ ngày này qua tháng khác cuộc sống đói nghèo cứ bao trùm lên gia đình anh mịt mờ hơn. Bọn nhỏ không được đi học. Người lớn không có việc gì làm để có thu nhập mà trang trải cuộc sống.

Anh Nhân và người con lớn thỉnh thoảng ai ở dưới xuôi thuê mướn việc gì thì đi làm như xách vữa, phát nương; vợ và các con gái cứ vào rừng đốn củi, gùi giang nứa về mang đi đổi gạo ăn qua ngày. Cứ thế nó luẩn quẩn quanh năm, hết tháng này qua tháng khác, họ không thể làm gì hơn để có thể cải thiện cuộc sống.

Hỏi anh Nhân sao gia đình không chăn nuôi? Anh Nhân bảo: “Đất vườn đủ dựng tạm cái nhà, đất ruộng ít nên lúa làm không đủ ăn lấy đâu ra thức ăn chăn nuôi. Ở đây nhà nào cũng thế, muốn chăn nuôi nhưng không có điều kiện. Có lần tui làm thủ tục vay vốn để làm ăn nhưng chưa được giải quyết vì lý do nhà không có gì thế chấp và rất khó trả nợ nên cán bộ không cho vay”. Rít điếu thuốc lào cho bớt đi sự u phiền của cuộc sống nghèo rớt mồng tơi ấy, anh Nhân rầu rĩ: “Chưa năm nào đói như ri, chỉ mong sao có cái ăn, không màng chi đến thịt cá”.

Còn anh Hà Văn Trung sinh năm 1970 có hoàn cảnh hết sức éo le. Trong 13 năm sống với nhau, vợ anh đã có 9 năm đau ốm để rồi trước lúc nói lời trăng trối về với tổ tiên, vợ để lại cho anh 3 đứa con thơ dại, trong đó có đứa con được 1 tháng 17 ngày. Cảnh “gà trống nuôi con” không sữa mẹ, anh Trung làm đủ thứ việc trên đời như bốc vác, phát rẫy, phụ hồ…để có tiền mua sữa ngoài cho con bú. Giờ đây, đứa con út đã được 3 tuổi, cháu khoẻ mạnh. Song trong tâm can anh vẫn nung nấu về người vợ hiền.

Anh Trung bày tỏ: “Có lẽ cả bản này ai cũng nghèo đói nhưng chắc không ai khổ như tui. Nhớ lời vợ dặn, tôi quyết tâm lam lũ để các con được đi học. Vì đường đến trường xã Tân Trường xa quá nên tui cho các con học ở xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho thuận việc đưa đón. Nhìn các gia đình nghèo đi lĩnh tiền Nhà nước trợ cấp mỗi học sinh là 140.000đ/tháng mà 2 đứa con tôi lại không được, tôi không biết kêu ai. Giá mà có được khoản tiền đó, chắc Tết này, bố con tôi sẽ có bữa cơm no, các con tôi có cơm cúng mẹ nó”.

Anh Trung nghẹn lời và mong được các cấp chính quyền tiếp tục có sự quan tâm đến gia đình và dân bản Đồng Lách. Nếu quả thực hai đứa con anh Trung học trái tuyến (không học ở trường của xã mình) mà mất đi quyền lợi đó liệu đã đúng với quy định của Nhà nước chưa?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất