| Hotline: 0983.970.780

Đồng loạt bỏ chuồng: Cuối năm có "cạn" thịt?

Thứ Ba 01/11/2011 , 09:55 (GMT+7)

Nguồn cung thịt gia cầm vào dịp cuối năm nay, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng, khi mà thời điểm này, người chăn nuôi sau một thời gian chịu cảnh thê thảm vì rớt giá đã rủ nhau bỏ trống chuồng.

* Giá giống gia cầm vẫn cao ngất ngưởng, tới 23 – 25 nghìn đồng/con

Chuồng nuôi có quy mô 8 nghìn con gà thịt của anh Nguyễn Xuân Tùng (xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội) đã bỏ trống 1 tháng nay

Nguồn cung thịt gia cầm vào dịp cuối năm nay, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng, khi mà thời điểm này, người chăn nuôi sau một thời gian chịu cảnh thê thảm vì rớt giá đã rủ nhau bỏ trống chuồng.

 

“Đằng nào cũng lỗ…” 

Tại xã Hướng Đạo, vựa chăn nuôi gia cầm rất lớn ở huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) với tổng đàn gà thịt hơn 150 nghìn con, thời điểm này hoạt động mua bán của các thương lái rất yên ắng. Anh Phạm Viết Long, một hộ chăn nuôi tại thôn Cổng Sau (xã Hướng Đạo) cho biết, mặc dù khoảng một tuần trở lại đây, giá gà thịt đã bắt đầu có dấu hiệu “ấm” lên, với mức tăng khoảng 2- 3 giá so với thời gian trước, tuy nhiên thương lái hiện vẫn chỉ mua nhỏ giọt vì mức tiêu thụ rất yếu.

Theo đánh giá, toàn xã Hướng Đạo hiện đang tồn đọng ít nhất hơn 80 nghìn con gà thịt đã quá tuổi xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được, trong đó các đàn gà thịt quá tuổi xuất chuồng hơn 20 ngày rất nhiều, thậm chí nhiều đàn đã quá tuổi tới 40 – 50 ngày, nếu là gà mái thì đã bắt đầu đẻ trứng xòn xòn. Nguyên nhân của tình trạng gia cầm tồn đọng, bên cạnh việc thị trường tiêu thụ gia cầm vẫn “đóng băng”, thì giá thịt gia cầm quá thấp kéo dài trong suốt thời gian qua đã khiến cho người chăn nuôi thực sự mệt mỏi và gần như buông xuôi, đến nỗi… không thèm bán gà nữa!

Anh Long phân tích: Hầu hết đàn gà thịt tại Hướng Đạo là giống gà lai mía, trước đây xuất tại chuồng thường có giá tới 70 - 80 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá thịt gà hiện có tăng nhẹ khoảng 2 – 3 giá, tuy nhiên giá gà thịt lai mía hiện cũng chỉ dừng lại ở mức 45 nghìn đồng/kg. Với giá này, một con gà thịt lai mía xuất chuồng cỡ 2 – 2,5kg, nếu cộng cả tiền thức ăn và chi phí trong thời gian quá tuổi xuất chuồng, thì người chăn nuôi vẫn đang lỗ từ 16 – 18 nghìn đồng/con.

Như hộ anh Long hiện đang còn 500 con gà thịt lai mía hiện đã quá tuổi xuất chuồng gần 20 ngày, mỗi ngày vẫn phải đều đều cho ăn 2 bao cám, mất đứt 550 nghìn đồng nhưng trọng lượng gà thì vẫn không tăng thêm. Để có thể hòa vốn vào thời điểm này, đàn gà của anh phải xuất chuồng với giá 48 – 49 nghìn đồng, còn nếu để có lãi chấp nhận được thì chí ít cũng phải 60 nghìn đồng/kg.

“Bán thì lỗ, mà giữ lại nuôi tiếp, mất tiền cám mà giá không tăng thì càng lỗ thêm. Nhưng đằng nào cũng lỗ rồi, biết đâu “hết mưa trời lại sáng”, sắp tới giá thịt gà sốt trở lại? Còn nếu sắp tới giá vẫn không tăng, thì tôi sẽ nuôi thêm 2 tháng nữa cho thành gà cựa để bán Tết luôn! Gà cựa 20 Tết năm ngoái giá tới 90 – 110 nghìn đồng/kg, nếu năm nay giữ được giá đó, cộng tiền thức ăn phải nuôi thêm 2 tháng nữa thì lứa gà này bán sẽ… hòa vốn, chứ không lỗ” – anh Long hi vọng. 

“Gà siêu thị có 32 nghìn/kg thì nuôi làm gì”

Theo tìm hiểu của PV, hàng trăm hộ nuôi gia cầm lớn tại Hướng Đạo (Tam Dương, Vĩnh Phúc) có gà đến tuổi xuất chuồng cũng đang “thi gan”, giữ gà lại với hi vọng giá thịt sẽ “đảo chiều” trở lại như cũ. Họ khẳng định, sẽ cố chờ cho tới bao giờ giá thịt gia cầm tăng trở lại thì mới bán và vào lứa giống mới. Chính vì điều này, chuồng trại không được giải phóng, và từ nay đến cuối năm 2011 chỉ còn 3 tháng – đúng bằng thời gian một lứa gà thịt sẽ có rất ít hộ dân vào giống mới để kịp thời phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. 

Phần lớn người chăn nuôi gia cầm hiện đang lỗ từ 5.000 - 8.000 đồng/kg gà

Cũng có một số hộ dân khác không đủ can đảm để mạo hiểm "om” gà thịt, thì thời gian qua đã phải bán tháo chịu lỗ, nhưng sau đó hộ nào cũng hình như sợ mất vía, chỉ vào giống lứa nuôi mới rất ít. Bà Phạm Thị Chánh, thôn Yên Sơn (xã Hướng Đạo, Tam Dương) vừa phải nhắm mắt xuất chuồng hơn 1.000 con gà thịt, lỗ hơn 10 triệu đồng lắc đầu bảo: “Dân chăn nuôi ở đây bây giờ nắm thông tin, động tĩnh thị trường sát lắm. Như tôi đây một ngày theo dõi tivi ba lần. Tôi thấy tivi họ nói thịt gà NK bán ở siêu thị chỉ có 32 nghìn/kg, như thế thì giá thịt gà dân mình nuôi sắp tới khó mà đắt lên được. Vì thế tôi chẳng dại gì mạo hiểm mỗi ngày bỏ ra 1 triệu đồng tiền cám để giữ đàn gà lại”.

Bà Chánh cho biết thêm, mặc dù trang trại có quy mô hơn 2 nghìn con, nhưng sau khi xuất chuồng, sắp tới bà chỉ dám vào giống khoảng 600 – 700 con để bán vào dịp Tết Nguyên đán mà thôi. Ước tính tại xã Hướng Đạo, lượng gà thịt vào lứa mới có “điểm rơi” xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán hiện đã giảm khoảng 40 – 50% so với bình thường.

Tại vùng chăn nuôi gia cầm lớn nhất Hà Nội tại xã Cổ Đông (TX Sơn Tây), tình hình còn tội tệ hơn khi hàng loạt trang trại đã đồng loạt bỏ chuồng trống. Anh Nguyễn Xuân Tùng – một “ông trùm” nuôi gà thịt cỡ bự tại thôn La Gián (xã Cổ Đông) cho biết, sau khi xuất chuồng xong lứa gà thịt 8.000 con với giá chỉ 27 – 28 nghìn đồng/kg, tổng cộng lỗ 280 triệu đồng vào đầu tháng 10/2011 tới nay, anh không dám tiếp tục vào lứa nuôi mới mà đã bỏ chuồng trống hơn 1 tháng nay.

Anh Sơn liệt kê, thôn La Gián có 8 hộ chăn nuôi gà thịt lớn với quy mô từ 5 đến 18 nghìn con/hộ thì hiện tại cả 8 hộ đều đã bỏ chuồng trống, không vào lứa nuôi mới sau khi xuất chuồng. Tính chung ở HTX Cổ Đông, hàng trăm chủ trang trại gà thịt thời điểm này cũng chỉ vào giống nhỏ giọt, hoặc “án binh bất động”, bỏ chuồng trống để nghe ngóng động thái thị trường.

Anh Tùng phân tích, mặc dù hiện tại đang là thời điểm chính phải vào lứa nuôi mới để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên có bốn nguyên nhân khiến các chủ trang trại lo ngại không dám tái đàn. Ái ngại nhất, theo anh Sơn đó là giá giống gia cầm hiện nay vẫn đang cao ngất ngưởng, tới 23 – 25 nghìn đồng/con. Với giá giống này, cộng với chi phí tiền cám và lãi suất ngân hàng trong 1 lứa nuôi 3 tháng, thì đến cuối năm, giá gà thịt công nghiệp xuất chuồng phải đạt được tối thiểu là 37 nghìn/kg mới có thể hòa vốn. Còn nếu cuối năm giá thịt vẫn không tăng, giữ ở mức 34 – 35 nghìn đồng/kg như thời điểm này, thì cứ vào 1.000 con giống thời điểm này, sẽ đồng nghĩa với việc khi xuất chuồng sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng.

Nguyên nhân thứ 2, theo anh Sơn là lo sợ thực phẩm nhập khẩu. Thứ 3 là lượng gia cầm tồn đọng lớn. “Tôi đọc báo, thấy nghe nói từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 33 nghìn tấn thịt gia cầm NK về nước. Trong khi đó, lượng gà thịt lông đỏ hiện nay đang tồn đọng trong dân rất nhiều. Vì vậy thị trường khó mà bật lên được" - anh Sơn phân tích. Cũng theo anh Sơn, một vấn đề khiến người chăn nuôi cũng phải cân nhắc đó là, nhà nước đang có chủ trương chống lạm phát, kìm chế tăng giá.

Do vậy, không chỉ riêng gia cầm mà các loại sản phẩm chăn nuôi cũng sẽ bị tác động. "Giá thịt gà sẽ khó mà tăng lên được tới mức 40 nghìn đồng/kg, chứ chưa nói sẽ tăng được trở lại như cũ. Như thế nếu thời điểm này vào giống thì lỗ là cầm chắc. Làm ăn lớn như bọn tôi, đã nuôi thì phải chắc thắng, chứ nuôi mà tù mù chẳng biết sẽ thắng hay thua, hay theo kiểu “may hơn khôn” thì chúng tôi chẳng dại”- Sơn kết luận.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm