| Hotline: 0983.970.780

Đồng loạt bỏ làng vì ám ảnh 'cái chết xấu'

Thứ Ba 20/08/2019 , 18:44 (GMT+7)

Nhiều cái chết liên tiếp vì già cả, đau ốm, dân làng Ca Dong đều tin rằng đó là điềm báo cho những điều không hay sắp xảy ra. Mỗi lần như vậy, họ lại bàn nhau bỏ đi nơi khác sống, để lại những ngôi làng  hiu quạnh giữa đại ngàn.

Lũ lượt bỏ làng ra đi

Trong một chuyến công tác lên huyện miền núi Bắc Trà My, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi chứng kiến hình ảnh nhiều căn nhà trong một vùng bị đập bỏ chỉ còn trơ lại phần nền và móng.

1133429414
Nóc ông Nang giờ chỉ còn lại những nền nhà bằng xi măng còn sót lại sau cuộc di dân vì cái chết xấu.

Thoạt đầu ai cũng nghĩ nơi này được giải tỏa để nhường đất cho một công trình hay dự án nào đó. Người dân bảo rằng, vì lo sợ về “cái chết xấu” nên họ chấp nhận đập bỏ tất cả để dời đi nơi khác sinh sống. Đó là những gì đã xảy ra ở Nóc ông Nang (thôn 4, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My).

Già Hồ Văn Xết (90 tuổi) cố gắng lục lại trong trí nhớ thời điểm cả làng dời đi cách đây vài năm rồi chậm rãi kể lại. Chuyện xảy ra cũng chưa lâu lắm, chỉ khoảng tầm 4 năm về trước, Nóc ông Nang khi ấy có hơn 20 nóc nhà sinh sống quây quần bên nhau. Rồi đến một ngày đầu năm 2015, già làng Hồ Văn Nang – người được cả dân làng kính nể và lấy tên đặt cho ngôi làng này bất ngờ đổ bệnh rồi qua đời. Không lâu sau đó, con trai của già Nang cũng mất khiến cho dân làng bắt đầu cảm thấy hoang mang.

Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp thời gian sau trong làng có một số người già cả khác cũng chết đi khiến cho nỗi lo lắng của người dân nơi đây lên đỉnh điểm. Họ cho rằng, tất cả những gì xảy ra vừa qua chính là những “cái chết xấu”. Rồi, già Xét đã tổ chức một cuộc họp dân cùng nhau thống nhất đi đến quyết định sẽ dời làng đến một nơi khác. “Đó là cái chết xấu, nơi đây không thể ở được nữa, phải tìm một nơi khác để sống yên ổn hơn”, già Xết khẳng định lại một lần nữa.

Không chút chần chừ, qua vài ngày sau, cả gia đình già Xết tháo dỡ ngôi nhà sàn của mình để chuyển lên ngọn đồi cách làng cũ khoảng 1km. Ngôi nhà nằm cheo leo trên đỉnh núi của già Xết nhanh chóng được dựng lên đã báo hiệu cho một cuộc di dân chưa từng có của dân làng Nóc ông Nang. Người dân chấp nhận bỏ làng, đập đi những ngôi nhà xây kiên cố mà trước đó bỏ ra và chục thậm chí vài trăm triệu để dựng chỉ vì muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh về những “cái chết xấu”.

Từng người, từng nhà lần lượt rời làng cũ bỏ đi đến vùng đất mới mà già Xết đã lựa chọn. Một ngôi làng mới mọc lên và được lấy tên là Nóc ông Xết - người tiên phong đến lập làng với mong muốn sẽ có một cuộc sống mới, quên đi quá khứ với những ám ảnh, lo lắng trước đây họ đã trải qua và không muốn quay đầu nhìn lại.

“Khi ông Xết chuyển đi, vợ chồng với 2 đứa con của tôi cũng tháo dỡ nhà cửa để đi theo. Dân làng không một ai dám ở cả. Đáng tiếc nhất, nhiều ngôi xây khang trang hàng trăm triệu cũng bị đập bỏ, dời đi”, chị Hồ Thị Mai Thiếm (27 tuổi) kể.

2133429777
Ngôi làng mới mà người dân chuyển đến nằm trên đỉnh đồi với những tảng đá nổi lởm chởm.

Còn phía chân đồi kia, Nóc ông Nang trước đây đã một thời gian dài gắn bó với dân làng chỉ còn là sự cô quạnh. Xung quanh các móng nhà cũ cây cối đã mọc lên um tùm, hoang vu. Ở đây còn có vài ngôi mộ người làng chết mà dân làng cho đó là “cái chết xấu” được chôn, không một ai dám bén mảng tới vì họ sợ xui xẻo đến với mình.

“Làng cũ giờ y như ngôi làng ma, không ai dám tới đâu, sợ lắm. Chúng tôi chỉ ở làng mới thôi”, bà Nguyễn Thị So (70 tuổi) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ về Nóc ông Nang.

Cạn kiệt

Từ ngôi làng cũ đến làng mới chỉ cách nhau 1km nhưng để đến được đây, chúng tôi phải vượt qua một con đường ngoằn ngoèo, dốc cao dựng đứng. Nơi đây địa hình gồ ghề với nhiều tảng đá lớn nổi lên lởm chởm nên để tìm được một nơi dựng nhà cũng không phải là dễ dàng. Già Xết kể rằng, so với Nóc ông Nang trước đây thì làng mới này điều kiện sinh hoạt cũng như sản xuất gặp khó khăn hơn rất nhiều lần.

“Trước kia ở làng cũ địa hình bằng phẳng nên còn có thể trồng được cái cây, nuôi được con bò, con lợn chớ lên đây đất cằn đá sỏi không làm được gì cả. Có đi làm ruộng thì dân làng phải vào trong núi sâu, đi bộ vài giờ đồng hồ vất vả lắm. Ngoài ra, việc làng mới nằm cheo leo trên đỉnh núi, cứ mỗi mùa mưa bão đến người dân lại thấp thỏm nỗi lo bị sạt lở đe dọa đến tài sản và tính mạng. Nhưng vì cái chết xấu phải đi thôi chứ biết làm sao được nữa”, già Xết tâm sự.

Đó là chưa kể đến vào thời điểm này khi nắng nóng kéo dài, người dân Nóc ông Xết đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Vừa xách can nước vượt qua con dốc cao đem về nhà sử dụng, chị Đinh Thị Giớt (28 tuổi), cho biết, mùa khô này, cả làng chỉ nhờ vào được ống dẫn nước từ suối sâu về, nước không đủ dùng. Sông suối cạn kiệt, nguồn nước sạch để uống dẫn từ suối cũng thiếu hẳn. Dân làng phải xách can thay phiên nhau hứng nước để sử dụng.

Chỉ vì tâm niệm sợ hãi những “cái chết xấu” mà người dân nơi đây chấp nhận bỏ nhà cửa để ra đi đến một vùng đất khó khăn hơn gấp bội phần. Không chỉ có Nóc ông Xết, mà quan niệm này đã in sâu vào tâm thức của đại đa số đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Quảng Nam. Dù chính quyền đã tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhưng rất khó để thay đổi được nếp nghĩ, phong tục có từ bao đời nay của họ.

3133430147
Một gia đình chuyển đến nơi ở mới.

Nhắc đến câu chuyện này, ông Nguyễn Dương Thi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, người dân ở Nóc ông Nang bỏ làng ra đi vào thời điểm từ năm 2016 - 2017 khi nhận thấy một năm trong làng có từ 2-3 người chết liên tiếp vì bệnh tật, trẻ em đau liên miên rồi cảm thấy lo sợ mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Chính quyền, các ngành chức năng đã tuyên truyền rất nhiều lần rằng nguyên nhân những người chết là do già yếu, bệnh tật chứ không phải là cái chết xấu gì  nhưng người Ca Dong ở đây vẫn không nghe.

“Không chỉ có Nóc ông Nang mà địa bàn xã cũng có một làng khác có hiện tượng người dân bỏ đi vì “cái chết xấu”. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bà con đồng bào dân tộc Ca Dong để không phải còn cảnh dân làng lũ lượt đập bỏ, tháo dỡ nhà cửa chuyển đi nơi khác vì quan niệm này nữa”, ông Thi nói.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.