| Hotline: 0983.970.780

Đồng loạt kiểm tra tải trọng - Nỗi khiếp đảm của các doanh nghiệp!

Thứ Hai 07/04/2014 , 08:49 (GMT+7)

Mới chỉ thực hiện được một tuần nhưng kiểm tra trọng tải xe thực sự là nỗi khiếp đảm của các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

>>Thương lái từ chối thu mua xoài!
>>300.000 tấn gạo tắc ứ tại Hải Phòng

Bắt đầu từ 1/4 cả nước đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm. Đây là chủ trương của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm thực hiện năm an toàn giao thông 2014 với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Theo đó, Tổng cục này đã bàn giao 63 bộ cân lưu động cho 63 tỉnh thành với yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải phải tăng cường kiểm tra, giám sát, duy trì hoạt động liên tục những trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động. Mục tiêu trước mắt của chính sách này là giảm dần chuyện quá tải và lâu dài sẽ chấm dứt hẳn tình trạng này.

Mới chỉ thực hiện được một tuần nhưng kiểm tra trọng tải xe thực sự là nỗi khiếp đảm của các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Để vận chuyển tổng sản lượng 10,2 triệu tấn mỗi năm của các đơn vị phân bón cần số lượng phương tiện cực lớn. Phần đa trong đó được chuyển bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy (ảnh) - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Trước đây anh buông lỏng, không kiểm tra, kiểm soát nên để xe quá khổ, quá tải, giờ siết chặt là đúng, không nên cưỡng lại. Nhưng cái gì cũng cần có lộ trình, cần thông báo trước cho các doanh nghiệp sản xuất ít nhất chừng 3 tháng để họ chuẩn bị. Chính sách đột ngột cũng giống như một cái xe đang chạy rất nhanh bỗng phanh gấp sẽ lộn nhào hết cả.

Phải tăng số đầu xe vận chuyển lên gấp đôi, gấp ba trong một chốc một lát là chịu rồi. Không biết bên giao thông họ điều tiết vấn đề này thế nào, phía nhà sản xuất linh động vận dụng ra sao chứ phản ứng phụ theo tôi là sẽ ứ đọng phân bón, là vật tư sẽ không đáp ứng kịp thời vụ. Bán quá đắt, nông dân sẽ không mua còn giữ nguyên giá doanh nghiệp sẽ không chịu, trước tình hình này người sản xuất phải chịu một ít, người nông dân cũng phải chịu một ít”.

Ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng Giám đốc Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết dù cột mốc cả nước ra quân cân trọng tải là 1/4 nhưng ở tỉnh Phú Thọ đã thực hiện trước đó cả tuần lễ: “Phải nói cho công bằng việc phá đường do cả hai yếu tố: chất lượng đường kém và quá tải nhiều chứ không nên chỉ đổ lỗi cho riêng quá tải. Thời điểm trước, mỗi ngày Cty xuất từ 3.000-4.000 tấn hàng ra khỏi kho nhưng mấy ngày nay tụt xuống chỉ còn 1.000 tấn. Tất cả xe đều phải giảm tải xuống chỉ còn cỡ 1/3.

Một xe đầu kéo trước chở 70 tấn giờ chỉ cho chở 25 tấn nên giá vận chuyển sẽ phải đội lên gấp ba lần. Trước một tấn phân bón chở từ Phú Thọ vào đến Thanh Hóa có giá vận chuyển là 200.000đ giờ sẽ lên 600.000đ, mỗi cân phân sẽ phải tăng thêm 400đ tiền cước.

Đường bộ tắc, các doanh nghiệp ào ào chuyển sang vận chuyển bằng đường sắt. Ở đâu cũng cần toa xe để chở hàng nhưng năng lực của đường sắt cũng có hạn. Dạo nọ có thể hợp đồng mấy chục toa xe một ngày nhưng giờ xin 6-7 toa cũng khó khăn (30 tấn/toa). Không chỉ thế, đường sắt có phải tỉnh nào cũng có đâu mà vận chuyển được?”.

Mới một thời gian ngắn mà trong kho của Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hàng đã chất lên cao thành núi, 100.000 tấn supe lân, 40.000 tấn NPK đã bị ứ lại. Với sản lượng khổng lồ trong đó tiêu thụ ở thị trường miền Bắc trên 1 triệu tấn, chuyên chở vào thị trường miền Trung và miền Nam khoảng 250.000 tấn, hàng năm Cty cần phải có một lượng đầu xe lớn.

Việc vận chuyển phân bón phải thực hiện trước thời vụ sản xuất khá lâu, thuật ngữ gọi là chuẩn bị chân hàng. Chân hàng có chắc thì sản xuất mới yên tâm, còn không nông dân sẽ lâm vào tình trạng cấy chay, trồng chay.

“Một số tỉnh miền núi phía Bắc đang bước vào mùa vụ gấp gáp như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu… Nông dân ở đó ngóng chờ phân bón từng ngày mà không được trong khi hàng hóa của chúng tôi lại ứ thừa đầy trong kho không biết vận chuyển đi bằng cách nào”. Ông Khuyến rầu rĩ.

Cùng một nỗi lo canh cánh ấy, ông Phạm Mạnh Ninh - Giám đốc Cty CP Phân lân Ninh Bình cho biết hiện lượng xuất kho của đơn vị giảm cỡ ½, chỉ còn 200 tấn/ngày do chuyện cân trọng tải: “Phía doanh nghiệp vận tải đang yêu cầu đòi tăng giá cước nếu không họ sẽ không nhận vận chuyển nữa, Cty đang đàm phán mà cũng chưa biết tình hình thế nào. Tôi ủng hộ chủ trương kiểm tra tải trọng xe nhưng phải nới tải trọng ra chứ như hiện nay họ cho mức tải trọng quá thấp.

Trước đây ngành giao thông từng cắm biển hạn chế tốc độ quá thấp khiến cho dư luận phản đối nên giờ phải nâng lên. Chuyện trọng tải xe cũng thế, cho thấp quá, bất hợp lý quá sẽ dễ sinh này nọ. Phải nâng tải trọng lên cho hợp lý để quản lý tốt hơn, để chuyện kiểm tra dần đi vào nề nếp”.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất