| Hotline: 0983.970.780

Động lực thúc đẩy Nhật tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông

Thứ Tư 17/10/2018 , 07:31 (GMT+7)

Việc đưa tàu chiến tới Biển Đông và tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật dường xuất phát từ nỗi lo ngại ngày càng lớn với Trung Quốc.

Chỉ trong hai tháng qua, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đã triển khai ba tàu hải quân, trong đó có tàu sân bay trực thăng JS Kaga, liên tục thực hiện hoạt động tuần tra trên Biển Đông, tham gia diễn tập và ghé thăm cảng các quốc gia trong khu vực.

Tàu ngầm JS Kuroshio của JMSDF hồi đầu tháng 9 còn lần đầu tiên tham gia một cuộc diễn tập tác chiến chống ngầm trên Biển Đông cùng biên đội tàu sân bay trực thăng JS Kaga. Nhóm tác chiến tàu JS Kaga hôm 31/8 cũng diễn tập chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trên Biển Đông, cho thấy nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Tokyo tại vùng biển chiến lược này.

Đầu tháng này, xe thiết giáp lội nước Nhật lần đầu được triển khai ra nước ngoài kể từ sau Thế chiến II để tham gia tập trận chung với Mỹ và Philippines trên đảo Luzon nhìn ra Biển Đông.

Không chỉ tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra trên Biển Đông, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) còn tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh trong nước. JSDF hôm 14/10 tổ chức duyệt binh quy mô lớn với sự tham gia của 4.000 binh sĩ, hàng chục xe thiết giáp và chiến đấu cơ hiện đại, gồm cả tiêm kích tàng hình F-35A. Đây được đánh giá là một trong những động thái nằm trong chiến dịch nâng cao vị thế của quân đội nước này, nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo CNN.

"Tham vọng thống trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc đặt ra những thách thức lớn với Nhật Bản, buộc nước này tăng cường tiềm lực quân sự để răn đe, hỗ trợ các quốc gia khác cân bằng sức mạnh quân sự và chính trị đối phó Bắc Kinh", Timothy Heath, chuyên gia phân tích quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu RAND của Mỹ, nhận định.

Nhóm tàu sân bay Mỹ và biên đội chiến hạm Nhật trên Biển Đông cuối tháng 9. Ảnh: US Navy.

"Các động thái này thể hiện tầm nhìn vượt khỏi Đông Nam Á của JSDF và nó đều có chủ đích. Nhật Bản đang phát tín hiệu rằng Trung Quốc phải lưu tâm đến họ ở mọi tình huống trong khu vực, dù Mỹ có can dự hay không", Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh tại Đại học Freie của Đức, nêu quan điểm.

Hiến pháp Nhật Bản thời hậu Thế chiến II quy định quân đội nước này chỉ có chức năng phòng vệ, trong đó Điều 9 nêu rõ Tokyo từ bỏ quyền phát động chiến tranh và không triển khai lực lượng quân đội ra nước ngoài tham chiến.

Đây là trở ngại với tham vọng duy trì lực lượng quân đội đứng thứ 5 thế giới của Nhật Bản, trong bối cảnh nước này đối mặt với sự tăng cường tiềm lực quân sự của các đối thủ như Triều Tiên và Trung Quốc. Để đối phó những thách thức này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt mục tiêu sửa đổi hiến pháp vào năm 2020, nhằm tăng tính năng động và góp phần nâng cao vị thế của quân đội Nhật trên trường quốc tế.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 nhấn mạnh mối quan ngại với Trung Quốc trong môi trường an ninh đang thay đổi. "Việc quân đội Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng, tăng cường năng lực tác chiến và đơn phương gia tăng hoạt động leo thang gần Nhật Bản tạo ra lo ngại an ninh mạnh mẽ trong khu vực và cộng đồng quốc tế", sách trắng viết.

Tàu sân bay trực thăng JS Kaga trong một chuyến ra biển năm 2017. Ảnh: JMSDF.

Không chỉ tuần tra trên Biển Đông, các tàu chiến Nhật hồi tháng 9 còn vượt hàng nghìn km tới Ấn Độ Dương, ghé thăm cảng ở Ấn Độ, Sri Lanka và tham gia diễn tập cùng một chiến hạm Anh.

Peter Layton, học giả tại Viện Griffith của Australia, cho rằng các hoạt động giao lưu quân sự với Anh, Australia và Ấn Độ là một phần trong chiến lược triển khai quyền lực mềm trên toàn cầu của Nhật. "Những mối quan hệ này không nhất thiết phải quá tin cậy hoặc vững chắc. Mục đích chính của chúng là khiến Trung Quốc bất an", Layton nói.

Sách trắng quốc phòng của Nhật cho biết JSDF đã tiến hành 66 cuộc diễn tập quân sự công khai với các lực lượng quân đội nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 4/2015 tới tháng 6/2018, tăng đáng kể so với 53 cuộc diễn tập trong ba năm trước đó.

Trong thời gian tới, hoạt động giao lưu quân sự đa phương này sẽ được tăng thêm. Trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này có thể tham gia tuần tra Biển Đông cùng với Australia.

Giới phân tích cho rằng các cuộc diễn tập như vậy cũng là cơ hội để Nhật phô diễn tính năng các vũ khí tối tân, nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong khu vực.

"Sẽ rất hay nếu các hoạt động giao lưu quân sự được tăng cường bằng thỏa thuận kinh tế, trong đó có việc mua bán vũ khí. Liên kết thương mại cùng nhiều hợp đồng quân sự sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với các nước khác về lâu dài, cũng là yếu tố quan trọng để duy trì khả năng răn đe hiệu quả", chuyên gia Layton nhấn mạnh.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm