| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Hơn 1.000 hộ dân không chịu lập hợp đồng giao khoán rừng

Thứ Sáu 05/07/2019 , 10:06 (GMT+7)

Hiện toàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn hơn 1.000 hộ chưa chịu lập hợp đồng giao khoán theo Nghị định 168 của Chính phủ, tổng diện tích gần 1.200ha. Thậm chí, một số trường hợp còn chống đối việc lập hợp đồng giao khoán…

14-45-45_img_9069
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đang đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Xuân Lộc.

Ông Lê Việt Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết nguyên nhân chính là người dân lo lắng khi hết thời hạn hợp đồng sẽ bị thu hồi đất. Mặt khác, nhiều hộ hy vọng đất lâm nghiệp sẽ được giao về cho địa phương, lúc đó họ sẽ được cấp sổ đỏ ổn định.

Do vậy, một số trường hợp đã không chấp hành và chống đối việc lập hợp đồng giao khoán. Một thực tế xảy ra trong thời gian qua là nhiều hộ dân tự ý chia tách, sang nhượng đất nhận khoán mà không thông qua chủ rừng; có trường hợp tự ý làm nhà ở kiên cố trên đất nhận khoán; một số hộ nhận khoán triệt phá cây lâm nghiệp bằng nhiều cách khác nhau để có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng.

Ông Hoàng Đình Long - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, đơn vị đang phụ trách quản lý với tổng diện tích trên 10.383ha. Diện tích đất giao khoán là 7.161ha/2.262 hộ; trong đó, đơn vị đã lập hợp đồng giao khoán cho 2.123 hộ/6.830ha, còn 139 hộ không chịu lập hợp đồng giao khoán đất.

“Trong quá trình thực hiện, đơn vị nhiều lần tổ chức họp dân, thậm chí phối hợp với địa phương đi đến từng hộ tuyên truyền, vận động bà con thực hiện hợp đồng giao khoán đất theo quy định, nhưng họ không chấp hành. Một số hộ còn tỏ ra chống đối khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ”, ông Long nói.

Để giải quyết tình trạng này, ông Đặng Hồng Tăng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, các chủ rừng phải xây dựng phương án khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó chú trọng việc tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hưởng ứng. Các cơ quan chức năng gồm kiểm lâm, công an, dân quân tự vệ phải thực hiện tốt quy chế phối hợp kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, đối tượng nhận khoán theo quy định thường khó khăn về kinh tế, không có đủ điều kiện và năng lực để trồng rừng. Nếu chỉ trồng cây rừng chu kỳ dài trong khi nhà nước không đầu tư hoặc đầu tư mang tính hỗ trợ trong 4 năm đầu (rừng phòng hộ, đặc dụng) thì người dân không thể sống bằng nghề rừng. Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với hộ nhận khoán còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, phát triển rừng. Vì vậy, cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho người dân nhận khoán nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Rừng Đồng Nai có được như ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm đóng cửa rừng hơn 20 năm qua của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chủ rừng, địa phương cần phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao khoán đất lâm nghiệp, nhằm góp phần vào bảo vệ, phát triển rừng bền vững trong thời gian tới.

Đề nghị các sở ngành, đơn vị chủ rừng, địa phương phối hợp rà soát lại thật kĩ lưỡng các loại rừng, đối tượng nhận khoán, sau đó xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể và đề xuất giải pháp lên tỉnh để giải quyết, xử lý vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, hợp lòng dân.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất