| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Hơn 2.000 hộ dân điêu đứng

Thứ Năm 07/01/2010 , 11:49 (GMT+7)

Một “siêu dự án” trên giấy khiến hàng nghìn hộ dân có nguy cơ mất trắng hàng trăm nghìn m2 đất...

Một góc phường Long Bình Tân - nơi “siêu dự án” sẽ thôn tính!

NNVN liên tục nhận được đơn thư khiếu nại của trên 2.000 hộ dân KP 2-3 phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai về một “siêu dự án” trên giấy của Cty CP Miền Đông khiến hàng nghìn hộ dân có nguy cơ mất trắng hàng trăm nghìn m2 đất… 

DN làm thay chính quyền

Theo tìm hiểu của NNVN, dự án khu đô thị (KĐT) mới Long Bình Tân tại TP Biên Hòa do Cty CP Miền Đông (trụ sở KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa) làm chủ đầu tư. Mọi việc không có gì đáng nói nếu như chính quyền cũng như DN đầu tư làm đúng luật và đúng trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề không bình thường đã xảy ra trong quá trình triển khai.

Vào ngày 22/11/2009, khoảng 250 người dân ngụ tại vùng đất quy hoạch đã tới hội trường KP2, phường Long Bình Tân nghe đọc Quyết định số 2848/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đầu tư xây dựng khu dân cư theo quy hoạch tại KP 2-3”. Điều ngạc nhiên là một quyết định quan trọng của UBND tỉnh Đồng Nai, liên quan đến hàng nghìn hộ dân nhưng không hiểu sao lại được ông Nguyễn Đức Luận – Trưởng Ban dự án Cty CP Miền Đông… đọc triển khai! Nhiều người dân bức xúc cho rằng, Cty CP Miền Đông là DN đầu tư, lý ra cũng phải ngồi nghe đại diện UBND tỉnh triển khai quyết định chứ không thể lại ngồi “ghế” của ủy ban chỉ đạo dân được.

Tuy nhiên, khi quyết định được đọc xong, người dân mới “té ngửa” chuyện: gần 500.000 m2 đất đai của mình không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ với giá cực thấp vì dân không có chủ quyền.

Tuy nhiên, tìm hiểu của NNVN cho thấy, sau giải phóng 1975 ở đây đã thành lập chính quyền xã An Hoà Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khu vực này từng là đất xung quanh và một phần thuộc doanh trại quân đội, sau 1975 nó được dân đến khai phá, gỡ mìn để sản xuất đã ổn định. Đến năm 1995 TP Biên Hoà trở thành đô thị loại 2 nên khu vực này được chuyển địa giới hành chính thành KP 2-3 phường Long Bình Tân.  

Việc chính quyền thu hồi không đền bù cho trên 2.000 hộ dân đã đi ngược lại chủ trương: “Đất tự do khai hoang đã ổn định sản xuất nhiều năm, làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước thì công nhận quyền lợi hợp pháp. Nếu bị Nhà nước thu hồi vì lý do quy hoạch hoặc phục vụ nhu cầu Nhà nước thì sẽ được bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư có được trên đất đó hoặc được giao đất khác”.

Điều trớ trêu nữa là quyết định này không có quy hoạch chi tiết, không có quyết định thu hồi đất, không thể hiện rõ chủ đầu tư, không cần kiểm tra đo đạc tài sản có trên đất do dân kiến tạo nên; và đặc biệt là quyết định không hề thông qua Tỉnh ủy, HĐND và Mặt trận tổ quốc VN tỉnh Đồng Nai!

Ông Trần Văn Thức (tổ 13, KP 2) bức xúc cho rằng, tất cả những việc làm trên thể hiện rất rõ ngay chính quyền cũng không tôn trọng pháp luật. Còn ông Trịnh Quốc Hưng (tổ 17, KP 2) cho rằng, Quyết định 2848 còn ép giá người dân khi chỉ hỗ trợ 150.000 đồng/m2 theo dạng đất nông nghiệp, sau đó DN quy hoạch thành đất thổ cư rao bán lại với giá “trên trời” cho chính hàng nghìn hộ dân ngay trên mảnh đất gia đình họ đã ở!?  

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Điều tra của NNVN cũng cho thấy, dù dự án vẫn còn nằm trên giấy nhưng ngay từ đầu năm 2008, Cty CP Miền Đông loan tin: Dự án đã đầu tư đầy đủ hạ tầng như hệ thống đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, cấp nước. Từ thông tin này, đã có 3.300.000 cổ phiếu được thông báo phát hành để huy động 42 tỷ 500 triệu đồng tiền vốn cho dự án KĐT Long Bình Tân và hai dự án khác. Tuy nhiên, thực tế thì KĐT này là một trong những dự án “rùa bò” tiêu biểu, đã kéo dài từ nhiều năm nay, dây dưa gia hạn lên xuống.

Một điều đáng buồn là việc quy hoạch KĐT trên được chính quyền cũng như DN dùng nhiều từ hoa mỹ để quảng bá: “Khi dự án KĐT Long Bình Tân hoàn chỉnh sẽ đón khoảng 30.000 người về đây sinh sống, đáp ứng được nhu cầu lớn về tình trạng thiếu nhà ở hiện nay ngay tại địa phương và các vùng lân cận”.

Tuy nhiên, chẳng thấy lời nào người ta nói đến tình cảnh khốn khổ của trên 2.000 hộ dân nghèo với khoảng 10.000 nhân khẩu đang phấp phỏng, lo âu, cuộc sống đảo lộn khi toàn bộ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn bị quy hoạch với giá rẻ mạt, triển khai đền bù có quá nhiều khuất tất!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm