| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: "Nở rộ" chợ gia cầm lậu

Thứ Tư 24/11/2010 , 10:20 (GMT+7)

Thời gian gần đây nhiều khu chợ gà, vịt “di động” và tự phát trên địa bàn TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đang nở rộ các dịch vụ cung cấp… tận răng thịt gia cầm không qua kiểm dịch.

Thời gian gần đây nhiều khu chợ gà, vịt “di động” và tự phát trên địa bàn TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đang nở rộ các dịch vụ cung cấp… tận răng thịt gia cầm không qua kiểm dịch.

Chỉ cần khách hàng bỏ ra vài chục ngàn, trong vài phút đã có ngay một con gà, vịt tươi sống “mần thịt” sẵn giao hàng tại chỗ, thậm chí đem đến tận nhà khi khách yêu cầu. Hiện tượng này xảy ra trước mắt bàn dân thiên hạ, nhưng ngành chức năng vẫn thờ ơ…

VÔ TƯ VỚI GIA CẦM KHÔNG KIỂM DỊCH

Dọc theo quốc lộ 15 chạy qua địa phận phường Long Bình, TP. Biên Hoà (Đồng Nai), những khu chợ gà vịt “di động” luôn tấp nập kẻ bán người mua. Có mặt tại những điểm nóng này, chúng tôi chứng kiến chỉ khoảng 1 km có hàng chục “vựa” bán gà vịt không kiểm dịch đang rôm rả mời chào, thậm chí níu kéo khách đi đường.

Từ 7 giờ sáng đoạn đường Bùi Văn Hòa đã “hóa thân” thành chợ gia cầm trôi nổi, hoạt động rất bát nháo. Trong vai khách hàng đi mua gia cầm, chúng tôi gặp một chủ “vựa gà vịt” nghe anh ta quảng cáo: “Cần thịt gia cầm cứ đến đây bao nhiêu cũng có, tha hồ lựa chọn, sẽ tính giá rất… mềm cho anh!”. Quan sát thấy phần lớn gia cầm bán tại đây đều là hàng sống, nhưng chưa hề qua kiểm dịch. Khi chọn mua hàng xong, để khỏi mất công, các chủ vựa ở đây còn “khuyến mãi” thêm dịch vụ “mần thịt” gà vịt ngay tại chỗ cho khách hàng. Chỉ cần chờ vài phút là các “thượng đế” đã có ngay một chú gia cầm “sạch”. Tuy nhiên, khi tôi thử hỏi giấy kiểm dịch, liền bị chủ sạp này cau mày: “Hàng gà vịt ở đây chẳng có giấy tờ gì cả, có vậy giá mới rẻ chứ. Mà khối người mua ra đấy có ai nhiễm cúm kiếc gì đâu…”.

 Lúc này, một người công nhân cũng vừa tấp xe vào trả giá, chủ sạp vồn vã chào hàng một con gà trống nặng 2kg có giá hơn 90.000 đồng, còn một con vịt khoảng ký rưỡi cũng chỉ bán rẻ với giá 84.000 đồng. Tôi quay sang hỏi nhỏ người công nhân: Ở đây gà vịt không kiểm dịch anh không sợ dịch cúm gia cầm rất nguy hiểm sao. Anh này trả lời vô tư: Chưa có dịch ở đây nên cứ ăn vô tư, vài bữa có dịch, giá cao khó ăn lắm!

Chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi chứng kiến có đến gần chục người khách tấp xe vào mua thịt gia cầm sống tại vựa này. Phần lớn họ đều là công nhân, và người lao động có thu nhập thấp nên cũng chẳng ai ý thức việc phải cảnh giác khi mua gia cầm chưa qua kiểm dịch về sử dụng. Cầm trên tay con dao còn đang dính tiết gà, anh H, một chủ vựa gà vịt ngay đầu chợ cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi bán khoảng hơn chục con gia cầm. Làm nghề này cũng chỉ xác định lấy công làm lời thôi…!”.

Hầu hết số gia cầm ở đây từ miền Tây đưa lên, chưa qua kiểm dịch nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn nhưng nhiều người vẫn mặc nhiên mua bán. Chị N.T.H, một công nhân KCN Long Bình hồn nhiên nói: “Vịt chưa qua kiểm dịch nhưng nhìn con nào cũng khỏe mạnh, mập mạp chắc chẳng sao. Tôi vẫn cùng bạn bè đến đây mua thấy có sao đâu…!?”. Không riêng chị T.H, nhiều khách hàng với tâm lý ham rẻ, lại tiện đường đi chợ nên nhiều người vẫn vô tư mua gà vịt về dùng mà không hề hay biết đang “dự trữ” mầm bệnh.

XỬ LÝ GÀ VỊT... TẠI CHỖ

Cảnh gà vịt lậu không chỉ “tung hoành” trên các ngả đường, chợ tự phát mà ở các chợ được quản lý bài bản, gia cầm không kiểm dịch cũng vô tư bày bán. Tại chợ Tam Hòa, phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa) có nhiều điểm bán gà vịt và giết mổ tại chợ để bán cho khách khi có người yêu cầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vịt sống ở đây chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, còn giá gà khoảng 80.000/kg. Trong khi gia cầm bán trong siêu thị giá phải gấp rưỡi thậm chí gấp đôi. Khi chúng tôi đồng ý mua một con vịt hơn 2 kg với giá 110.000 đồng, người đàn ông khoảng chừng 35 tuổi liền ra hiệu cho một cậu nhóc (khoảng 15) tuổi “xử lý” sạch gia cầm tại chỗ cho khách. Cậu nhóc nhanh nhẹn lôi lồng vịt ra túm lấy đôi chân yếu ớt của con vịt, quẹt lưỡi dao sắc lẹm vào cục đá mài vài lần rồi cắt một nhát “ngọt lịm” vào cổ con vật. Thấy khách có vẻ ghê ghê chén máu tanh còn nóng hổi có dính vài sợi lông vịt trong chén, gã đàn ông liền phân tích: “Ai cắt tiết đều như vậy hết. Chúng tôi làm ăn uy tín lắm, bao hàng luôn!”.

Thực tế đã có rất nhiều lời cảnh báo về dịch cúm gia cầm nhưng một số người kinh doanh gia cầm ở đây vẫn dửng dưng. Tại khu chợ phường Long Bình, nơi từng là xuất phát điểm bùng nổ cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ những năm trước nay lại đang tái diễn cảnh buôn bán gia cầm lậu tràn lan. Vậy nhưng không hiểu sao vào mỗi buổi sáng sớm ngành chức năng vẫn “ngủ quên” khiến cả khu chợ gà vịt “di động” này vẫn vô tư hoạt động công khai…?
Nhìn quanh, chúng tôi chẳng tìm thấy có nước rửa chén để họ rửa dao, thau và thớt chặt gia cầm. Chậu nước sôi để nhúng cả gà lẫn vịt vừa cắt tiết là một cái thùng nhôm, người bán chỉ nấu một lần rồi châm nước vào thêm. Xung quanh xác mấy con vịt và chén tiết ruồi nhặng bay loạn xạ.

Trong lúc ngồi đợi cậu nhóc “hành quyết” chú vịt, chúng tôi gạ hỏi chuyện kinh doanh gia cầm, một chị chủ “vựa gà vịt” kế bên chẳng ngại “bỏ nhỏ” kinh nghiệm: “Muốn mua gà hay vịt ngon chớ chọn phải con có diều to người ta làm thế để cân nặng lấy tiền mình đó. Chỗ tôi chuyên bán vịt nuôi 100% của người dân mấy vùng lân cận nên khách mối đến mua hàng yên tâm lắm!”.

 Nghe tôi thắc mắc về việc kiểm dịch gia cầm, chị ta xua tay: “Ở đây toàn hàng rẻ làm gì có dấu của cơ quan kiểm dịch. Vả lại gà, vịt tôi bán con nào cũng còn sống khỏe mạnh hẳn hoi sao mà bệnh được”. Đúng lúc này, người đàn ông đưa tay ra hiệu con vịt tôi mua đã “xử lý” xong, lấy tiền rồi anh ta còn không quên dặn lần sau ra mua hàng sẽ khuyến mãi cho giá rẻ. Tôi để ý, từ phía sau, cậu nhóc bê thau lông vịt hất thẳng xuống miệng cống thoát nước.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm