| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Trồng ngô lấy cây cho thu nhập cao

Thứ Ba 27/12/2016 , 08:30 (GMT+7)

Theo tính toán, trồng ngô sinh khối (thu hoạch cây), bà con nông dân thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm, còn trồng ngô lấy hạt chỉ thu 60 triệu đồng/ha/năm.

Do vậy, ở các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai) nông dân đang mở rộng diện tích ngô sinh khối lấy cây bán cho doanh nghiệp trên địa bàn làm thức ăn chăn nuôi.
 

Tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận

Với hơn 60.000ha, Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng ngô lớn nhất các tỉnh Nam Bộ. Cây ngô có vai trò chủ lực đối với địa phương cũng như nông dân khu vực. Tuy nhiên, những vụ mùa gần đây, nông dân canh tác ngô tại Đồng Nai đang phải đối mặt đầy rẫy khó khăn do tình hình hạn hán cũng như giá ngô thu hoạch đột ngột xuống thấp so với vụ trước.

Trong bối cảnh đó, nông dân các huyện huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc lại phấn khởi về một vụ mùa khắc nghiệt nhưng thắng lớn nhờ được tiếp cận với các giống ngô lai đơn NK 67; NK 7328 và cặp đôi NK 67Bt/GT; NK 7328 Bt/GT biến đổi gen, kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ của Công ty Syngenta VN.

15-07-09_nh-1-bi-gui-syngent
Cặp đôi giống ngô NK 67Bt/GT; NK 7328 Bt/GT được nông dân Đồng Nai ưa chuộng trồng sinh khối
 

Anh Trần Đình Phương, nông dân ở ấp 6, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ đang thoăn thoắt chặt ngô cho biết: "So với việc trồng ngô thương phẩm, trồng ngô sinh khối mang lại nguồn lợi nhuận lẫn tiết kiệm chi phí cho người nông dân rất nhiều".

Theo anh Phương, trồng ngô sinh khối, bà con nông dân thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm là cái chắc, còn trồng ngô lấy hạt chỉ thu từ 60 – 70 triệu đồng/ha/năm. Nguyên nhân, trồng ngô sinh khối quay vòng được 4 vụ/năm, còn trồng ngô lấy hạt chỉ sản xuất được 3 vụ/năm. Hơn nữa, những năm gần đây, trồng ngô sinh khối mật độ dày, nên sản lượng cây ngô đạt cao.

Gia đình anh Phương có 1,1ha đất trồng ngô, giống NK 7328 Bt/GT giống biến đổi gen của Syngenta. Vụ mùa vừa rồi anh trồng ngô sinh khối, bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc và các trại bò trên địa bàn huyện với giá 800 nghìn đồng/tấn. Tính ra, 1 sào thu về 6 tấn cây, trị giá 4,8 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng ngô lấy hạt trước đây. Do thu hoạch được sớm, gia đình tranh thủ thời gian gieo ngô vụ đông, đến nay cây ngô phát triển xanh tốt.

Tương tự, trước đây với 1,5ha đất trồng bắp, gia đình chị Nguyễn Thu Thủy ở ấp 5, xã Xuân Tây mỗi năm chỉ trồng được 3 vụ bắp bán hạt. Mỗi vụ sau khi trừ mọi chi phí từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thuê công bẻ bắp trái, mang về nhà, phóng bắp ra thành hạt đem bán, mất rất nhiều công sức, nhưng chỉ còn lời khoảng 10 triệu đồng/ha.

Không chỉ vậy, trong suốt thời gian trồng đến thu hoạch, chị luôn lo lắng bắp không đạt năng suất, chất lượng, bán không được giá, bị thua lỗ. Nhưng nay, nhờ được tiếp cận với giống ngô NK 67Bt/GT biến đổi gen thì chị Thủy không còn phải lo lắng hạt bắp không đạt, trái không đều, không đẹp nữa. So với trồng bắp lấy hạt, thời gian trồng bắp lấy cây rút ngắn lại chỉ còn khoảng hơn 2 tháng. Khi cây bắp bắt đầu ra trái non là có thể gọi doanh nghiệp có nhu cầu đến cắt đem về mà không phải tốn thêm tiền thuê công cắt bán.

Với vùng đất khô hạn, thiếu nước tưới như xã Xuân Tây, mọi năm vào vụ 3 tức là từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, nông dân bỏ trống đất không trồng gì. Nhưng từ khi chuyển sang trồng bắp lấy cây thì một năm nay, chị Thủy trồng được 4 vụ, thay vì 3 vụ như trước. Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị tăng lên. Nếu trồng bắp lấy hạt thì những cây bắp thấp, lùn, không có trái do thiếu nước vào mùa khô sẽ không đem lại cho nông dân khoản thu nào, nhưng trồng bắp lấy cây thì những cây ốm yếu, thậm chí không trái vẫn được thu mua. Điều đó giúp nông dân có thêm thu nhập.

“Trồng bắp bán cây thì tốt hơn. So với bắp thu hạt một năm có 3 vụ, lại thêm công chăm sóc rất cực thì trồng bắp lấy cây 1 năm được tới 4 vụ. Khỏe hơn nữa là khi bắp đến kỳ, mình giao cho người mua cắt mang về thôi, không phải mất công thu hoạch trái, phóng hạt ra phơi, vất vả hơn nhiều”, chị Thủy nói.
 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc cho biết, thời gian gần đây nhiều hộ nông dân ở Xuân Phú và các xã lân cận như Bảo Hòa, Suối Cát, Long Minh đã chuyển sang trồng ngô lấy thân với các giống chủ lực như ngô lai đơn NK 67; NK 7328 và cặp đôi NK 67Bt/GT; NK 7328 Bt/GT biến đổi gen.

15-07-09_nh-gui-bi-syngent
Cặp đôi giống ngô NK 67Bt/GT; NK 7328 Bt/GT được nông dân Đồng Nai ưa chuộng trồng sinh khối
 

"Thực tế mô hình trồng ngô lấy thân khỏe hơn trồng ngô lấy hạt nhiều. Bà con chẳng phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt. Trồng ngô lấy thân chỉ cần 80 - 85 ngày là thu hoạch (trong khi ngô lấy hạt là 100 - 105 ngày), mỗi năm có thể canh tác nhiều vụ mà ít tốn chi phí đầu tư hơn nên mô hình này đang khá hấp dẫn bà con. Đặc biệt, nếu như giá ngô thương phẩm tăng lên, bà con hoàn toàn linh động chuyển từ bán ngô sinh khối sang thu hoạch ngô thương phẩm”, ông Đăng phân tích.

Ông Ngô Văn Truyền Lâm, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Cẩm Mỹ cho hay: "Mô hình trồng bắp lấy cây làm thức ăn gia súc hiện đang được phát triển mạnh tại địa bàn xã Xuân Đông và Xuân Tây và một phần xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có trên 6.000ha trồng bắp, trong đó diện tích chuyên trồng ngô sinh khối chiếm hơn 30%.

Hiện nông dân trồng bắp trên địa bàn huyện đều tập trung sử dụng đồng loạt các loại giống như ngô lai đơn NK 67; NK 7328 và cặp đôi NK 67Bt/GT; NK 7328 Bt/GT biến đổi gen, kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ của Syngenta. Đây là những giống được đông đảo nông dân đánh giá rất cao, bởi năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương".

Theo khảo sát sơ bộ, có 4 đơn vị, doanh nghiệp thu mua có nhà máy đặt tại Xuân Đông, Xuân Tây là Công ty TNHH Trí Nguyễn; Bình Phú, Công ty CP Phát Thịnh Vũ Đình Thủy (nuôi bò vỗ béo) và HTX Đông Tây đang thu mua và chế biến thức ăn gia súc cung cấp cho chăn nuôi trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Về quy trình kỹ thuật canh tác thì giống bắp, kỹ thuật chăm sóc trên diện tích bắp lấy cây và bắp lấy hạt tương tự nhau nhưng về hiệu quả kinh tế thì bắp lấy cây luôn cho thu nhập cao hơn từ 5 - 7 triệu đồng/ha so với bắp bán hạt, và cao hơn 10 - 15 triệu/ha so với trồng lúa trong vụ hè thu và mùa. Nếu được chăm sóc tốt, năng suất bắp lấy cây đạt từ 50 - 60 tấn/ha, trừ chi phí nông dân thu lãi trên 27 triệu đồng/ha mà không lo bị hạn cuối vụ hay thời tiết ảnh hưởng đến năng suất và đỡ tốn công thu hoạch.

Theo ông Lâm, bán ngô sinh khối có nhiều cái lợi: Rút ngắn thời gian mỗi vụ, tránh được lũ chính vụ, tăng hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế... Với lợi thế có nhà máy thu mua, chế biến đóng chân trên địa bàn cộng với giá cả ổn định cùng với việc đã được phê duyệt quy hoạch thực hiện cánh đồng lớn cây bắp tại Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, nếu xây dựng được các mối liên kết bền vững thì hướng đi này sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.