| Hotline: 0983.970.780

Đông Nam Bộ: Đất nông nghiệp "sôi sùng sục"!

Thứ Sáu 01/04/2011 , 13:30 (GMT+7)

Giá hồ tiêu, cà phê, cao su đều đang ở mức thượng đỉnh, cao gấp 2 đến 3 lần năm ngoái đã đẩy giá đất nông nghiệp lên ngôi. Tại nhiều địa phương thuộc Đồng Nai, Bình Phước, cùng với cơn sốt săn lùng mua đất trồng trọt, giá đất bị đẩy lên cao ngất ngưởng…

Giá đất trồng cao su đang được đẩy lên cao ngất ngưởng

Giá hồ tiêu, cà phê, cao su đều đang ở mức thượng đỉnh, cao gấp 2 đến 3 lần năm ngoái đã  đẩy giá đất nông nghiệp lên ngôi. Tại nhiều địa phương thuộc Đồng Nai, Bình Phước, cùng với cơn sốt săn lùng mua đất trồng trọt, giá đất bị đẩy lên cao ngất ngưởng…

Xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ mấy tháng lại đây trở thành trung tâm mua bán đất nông nghiệp sôi động của tỉnh Đồng Nai. Các loại đất trồng cao su, tiêu, cà phê, trái cây luôn trong “tầm ngắm” của nhiều người quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông sản. Chính vì thế, khoảng 2 – 3 năm trước giá 1 ha đất nông nghiệp chưa trồng cây chỉ 100 – 150 triệu đồng, có trồng cây từ 200 – 250 triệu đồng, thì nay giá đã tăng gấp rưỡi đến gấp đôi.

Khi được PV NNVN hỏi mua lô đất rộng 1,1 ha tại ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, anh Trần Văn Cường – chủ lô đất ra giá chắc nịch: 450 triệu đồng. Anh này khẳng định cái giá trên dưới 200 triệu đồng/ha ở Bảo Bình giờ “xưa lắm rồi”. “Đất của tôi chỉ cách đường 400 mét, lại trồng sẵn điều, mít, chôm chôm, có nguồn thu ổn định nên giá đó là rẻ rồi”. Tương tự, mảnh đất rộng 2 ha của ông Năm Sầu tại ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình mặc dù trồng lưa thưa ít cây điều, cà phê nhưng vẫn được ra giá 350 triệu đồng/ha. Khi bị chê đắt, ông Sầu đã chỉ thêm một lô đất khác (tại ấp Tân Hòa) rộng 2,6 ha có vẻ “ngon” hơn vì mới được trồng cao su non, giá 370 triệu đồng/ha. “Nhưng đường vào đó xa đấy, cách đường nhựa vài cây số, anh có xem thì tôi dắt đi coi”.

 Ông Sầu cũng thừa nhận giá đất nông nghiệp tại đây đang lên nhanh, nhưng “cứ mua là thắng vì giá nông sản đang rất cao, đồng thời đất đai có tự sinh được đâu”. Cũng tại xã Bảo Bình, chúng tôi còn choáng hơn khi được ông Quang Viên – chủ lô đất được đầu tư theo mô hình trang trại rộng 4 ha tại ấp Tân Bình ra giá khủng: 750 triệu đồng/ha! Ông Viên khẳng định giá đất của mình cao hơn bình thường vì đang có nguồn thu ổn định vài chục triệu đồng/tháng từ nuôi kỳ đà, cá sấu và tiêu, điều, mít, bạch đàn…

Tuy nhiên, giá đất nông nghiệp tại Đồng Nai vẫn còn thua giá đất nông nghiệp tại “thánh địa” cây công nghiệp Bình Phước. Chỉ cách đây chừng 3 – 4 năm, giá đất tại các huyện như Bù Đăng, Bù Đốp, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú chỉ vài chục triệu đồng/ha, cao cũng chỉ trên trăm triệu đồng/ha, thì nay mặt bằng giá mới ở đây khiến nhiều người không khỏi sửng sốt.

Thông qua một “cò” đất tên Trần Đức T. (xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, Bình Dương), PV hỏi mua lô đất rộng 26 ha tại xã Tân Quan, huyện Chơn Thành, Bình Phước trồng cao su 5 năm tuổi đang rao bán, thì được trả lời: “Đã có người mua với giá trên 13 tỷ rồi”. T. tự xưng vốn là dân công nghệ thông tin, nhưng khi về quê chơi thấy làm “cò” đất ngon ăn, giàu nhanh nên quyết định đổi nghề. “Đất Bình Dương giờ chuyển sang khu dân cư và làm công nghiệp hết rồi, giờ chỉ còn Bình Phước là còn dư dả đất thôi. Cả mấy tháng nay tôi “đóng quân” tại Bình Phước để phục vụ khách xem đất trồng cao su. Nói thật với anh, giờ nhu cầu người mua cao gấp cả chục lần nhu cầu người muốn bán”. T. cũng khẳng định, muốn mua đất rẻ hơn thì phải chịu khó đi vào vùng sâu, đường sá lầy lội, điện nước khó khăn. “Nhưng rẻ thì cũng phải trên dưới 400 triệu đồng/ha” – T. nói.

Đặc biệt, các lô đất đã được đầu tư trải đường đá nội bộ, có điện, nước giếng… theo mô hình trang trại, giá bán đang được đẩy lên ngất ngưởng. Đơn cử, khi PV hỏi mua lô đất rộng 5,6 ha (tại ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) nằm sát đường đất đỏ xe ô tô vào được, có sổ đỏ đầy đủ, thì được chủ “hét”: 800 triệu đồng/ha. Chị Tính, chủ lô đất cho biết, sở dĩ giá cao vì đang có 4 ha đã thu hoạch được 7 năm, 1 ha thu hoạch được 5 năm và 0,6 ha thu hoạch được 4 năm, năng suất mủ rất cao và giao thông lại thuận lợi.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, việc ồ ạt trồng các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cao su mà không tính đến các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, cao su là loại cây đầu tư mang tính lâu dài (25 – 30 năm) và vốn đầu tư rất lớn, vì thế nếu chạy đua mua đất trồng cây theo kiểu phong trào mà không có kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và đặc biệt là nguồn giống tốt thì có thể sẽ phải lãnh… trái đắng!

Tương tự, mảnh đất rộng chưa tới 3.000 m2 tại xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh đã trồng 1.200 nọc tiêu đang khai thác, 1.000 cây cao su (6 năm tuổi), 300 cây cà phê và chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, cộng thêm chuồng nuôi gà, dê, thỏ… được chủ rao bán với giá 1,2 tỷ đồng! Khủng khiếp hơn, chỉ với 1,5 ha đất chưa trồng cây công nghiệp nhưng do nằm cặp quốc lộ 13 (tại xã Tân Khai, huyện Hớn Quản) đang được người ta rao bán với mức giá trên trời: 6 tỷ đồng!

Trao đổi với NNVN về vấn đề sốt đất nông nghiệp tại Bình Phước, ông Nguyễn Văn Tới – GĐ Sở NN-PTNT cho biết: Năm 2007 – 2008 đất nông nghiệp tại Bình Phước cũng đã trải qua một kỳ  tăng giá lên gấp 2 lần. Sau đó đến cuối năm 2010, sau khi giá cao su tăng, đất nông nghiệp lại vào cơn “sốt” nữa và lần này chưa biết bao giờ mới dừng lại. Hiện diện tích cao su của Bình Phước đang tăng lên nhanh chóng, đạt 144.000 ha (tăng 10.000 ha so với cùng kỳ năm trước). Ông Tới cho rằng, chuyện tăng diện tích cao su cũng phù hợp với quy hoạch của tỉnh (sẽ mở rộng trên 200.000 ha cao su) và phù hợp với nhu cầu tăng cao của thị trường.

 “Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người mua phải chú ý tìm hiểu kỹ để không mua phải các loại đất nằm trong dự án và quy hoạch của nhà nước; còn người bán cũng không được chuyển nhượng đất không có giấy tờ hợp lệ, nằm trong quy hoạch, hoặc muốn chuyển nhượng thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý để không ảnh hưởng đến quy hoạch chung” – ông Tới nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm