| Hotline: 0983.970.780

Đông Ngạc xin đắp đê cũ để giữ làng

Thứ Sáu 29/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Làng Đông Ngạc xưa, nay là phường Đông Ngạc, thuộc quận Bắc Từ Liêm, thuộc vùng ngoại ô, cách Trung tâm Hà Nội khoảng 10km.

Kỉ niệm đài tại Đông Ngạc.

Kỉ niệm đài tại Đông Ngạc.

Ở làng còn giữ tấm bia đá nói về sự kiện năm 1917, làng Đông Ngạc đề nghị chính quyền bảo hộ ngừng đắp đê mới mà giữ nguyên đê cũ để làng không phải ra ngoài đê, giữ nguyên được văn hóa, di tích và nhà cửa của người dân.

Bia đá có 2 mặt, một mặt ghi nội dung bằng chữ quốc ngữ, một mặt có dòng chữ Hán: Hưu đê kỉ niệm bi (Bia đá kỉ niệm việc hoãn làm đê mới), được làm năm Đinh Tị, 1917 - tức năm Khải Định thứ 2.

Theo như câu mở đầu, mục đích của việc lập bia là “để ghi công đức ba vị đại thần đã làm ơn cho làng khỏi phải ra ngoài đê”, tuy nhiên qua tấm bia chúng ta biết thêm được tinh thần, ý thức gìn giữ văn hóa, làng mạc của người dân ven sông Hồng cách đây 100 năm như thế nào.

Theo đó, vào năm Ất Mão 1915 (năm Duy Tân thứ 9) nước sông Hồng lên cao, “đê làng Liên Mạc vỡ ngót một trăm trượng, sau khi nước xuống sở Trị thủy Bắc Kì định đắp một con đê mới, bắt đầu từ đê làng Hạ Cát đi qua các làng Yên Nội, Liên Mạc, Hoàng Xá, Thụy Phương, rồi đến làng Đông Ngạc và làng Nhật Tảo cuối cùng nối vào con đê làng Thượng Thụy”.

Theo Sở trị thủy của Chính phủ bảo hộ lúc đó, “làm như thế đê điều mới được kiên cố, dù một vài xã đông đúc như xã nhà có bị thiệt hại riêng nữa, cũng không nên tính chi”.

Bia đá kỉ niệm việc hoãn làm đê mới tại Đông Ngạc.

Bia đá kỉ niệm việc hoãn làm đê mới tại Đông Ngạc.

Việc đắp một con đê mới cách làng Đông Ngạc khoảng gần một cây số (tính từ đê cũ) đã làm người dân ở đây “lo sợ vô cùng, lo sợ rằng nếu đắp con đê như thế thì làng sẽ phải ở ngoài đê mà bao nhiêu Thần từ, phần mộ, dân cư đến mùa nước lên đều phải ngập lụt rồi không rra khỏi phiêu lưu tan nát”.

Bởi thế, hội đồng nghị viện hàng xã Đông Ngạc đã cùng nhau làm đơn kiện gửi lên Tổng đốc Hà Đông lúc đó là Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946). Cùng với sự tác động, ủng hộ của Tổng đốc Nam Định là Mai Viên Đoàn Triển (1854 - 1919), Tổng đốc Hà Đông nhận được đơn kiện từ Đông Ngạc đã “xin lập ra một Hội đồng để bàn định đắp đê ấy”.

Hội đồng xét lại dưới sự chủ tọa của Thống sứ Bắc Kì Le Galen cùng Tổng đốc Hà Đông, tổng đốc Nam Định, và nhiều quan lại trong bộ máy Chính phủ bảo hộ cuối cùng đã thỏa thuận và đồng ý cho đắp đê cũ mà không theo phương án đắp đê mới mà Sở trị thủy trình từ trước.

Theo sách “Đông Ngạc tập biên” của Phạm Văn Thuyết in năm 1963, “Ban Hội đồng về tận nơi xem xét lại, rồi mới họp để thảo luận. Hai vị Tổng đốc lấy lẽ công bằng và thương dân, cứ theo địa hình, địa thế Đông Ngạc và dựa theo lí lẽ đơn khiếu nại của dân làng đã bàn cãi rất sôi nổi và kết luận rằng: Nếu đắp đê từ làng Chèm trở đi, rút ngắn bớt được hơn hai cây số, đỡ tốn tiền công quỹ của Chính phủ khá nhiều. Còn quãng đê làng Đông Ngạc, xét quả thực là có dân cư đông đúc, có lũy tre để cản trở song gió, không có điều gì đáng quan ngại. Sau đó ban Hội đồng đều ưng thuận”.

Bia đá kỉ niệm việc hoãn làm đê mới tại Đông Ngạc.

Bia đá kỉ niệm việc hoãn làm đê mới tại Đông Ngạc.

Sự việc này, làm cho “Ba làng, tám giáp, sáu ngõ, bẩy khu quay quần sum họp vẫn đông vui, làm lụng học hành thêm tấp nập, thoát vòng kinh hãi, rất nỗi hoan hô”.

Và, “đồng dân bèn thuận lấy cái ngày Hội đồng hưu đê ấy, tức là ngày 16 tháng 11 ta, mỗi năm làm ngày kỉ niệm các vị ân nhân. Chân dung các vị phụng sự trên Đài kỉ niệm để ghi ơn công đức các vị trường thọ với non song làng Đông Ngạc”.

Việc không đắp đê mới theo quy hoạch của Sở trị thủy lúc đó không chỉ có ý nghĩa đối với làng Đông Ngạc mà còn đối với những làng xung quanh như Yên Nội, Liên Mạc, Hoàng Xá, Thụy Phương. Nhũng làng này đều cùng chạy dọc ven đê, nằm trong vùng “ngoài đê” nếu đê mới được đắp.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng (1869-1941) viết trong tấm bia “Thụy Phương bi đình kí” hiện đặt tại đình Chèm- phường Thụy Phương cũng nói đến sự kiện này đối với làng Thụy Phương “Năm Ất Mão, tháng 6 đê Liên Mạc vỡ, tháng 2 năm Bính Thìn (1916) Nghị định dời đê làng Thụy Phương vào bốn mươi trượng, đắp thành đê mới, mà đền Ngài {tức đền Lí Ông Trọng} buộc giữa hai làn đê. Đê mà cao thì đền cũng phải nâng cao, một là tránh thủy nạn, hai là tôn miếu mạo…”

Ngày nay, Kỉ niệm đài và tấm bia đá vẫn còn nguyên vẹn tại vị trí cũ, ngay sát đình Đông Ngạc ((tức đình Vẽ).

Không những vậy, nhờ việc đắp đê cũ năm 1917 mà các di tích văn hóa trong ngôi làng gần 1000 năm còn gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn, với đình Vẽ, chùa Tư Khánh, đền thờ Đỗ tướng công và nhiều nhà thờ họ, nhiều ngôi nhà cổ khác… Nhờ đó mà Đông Ngạc vẫn là ngôi làng cổ, làng khoa bảng, làng văn hiến tiêu biểu của Hà Nội, điểm đến không thể thiếu đối với khách du lịch văn hóa – tâm linh.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.