| Hotline: 0983.970.780

Đồng quản lý nghề cá ven bờ

Thứ Hai 14/07/2014 , 08:10 (GMT+7)

Để khai thác thủy sản bền vững, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển mô hình “Tổ đồng quản lý (ĐQL) nghề cá ven bờ” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Việc sử dụng nhiều thiết bị mang tính chất hủy diệt để khai thác khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, thế hệ sau có nguy cơ không còn tôm, cá để đánh bắt. Trước tình trạng trên, WB đã tài trợ 119 triệu USD hỗ trợ 8 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau) thực hiện dự án cộng đồng ngư dân tham gia ĐQL nghề cá ven bờ.

Theo đó, ngư dân được giao quyền quản lý hoạt động đánh bắt tại một vùng nước cố định ven biển nhằm bảo vệ tốt khu vực sinh sản của tôm, cá; khai thác hợp lý nguồn lợi; đặc biệt là không đánh bắt bằng các hình thức mang tính hủy diệt.

Khuôn khổ dự án được thực hiện trong 5 năm (từ 2012 - 2017) nhưng hiện tại Chi cục Khai thác & BVNLTS Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh nhân rộng mô hình tổ ĐQL nghề cá cho tất cả các xã ven biển trên địa bàn nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Đối với mô hình thí điểm ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, đây là địa phương có đến 406/410 hộ tham gia khai thác thủy sản ven bờ với 629 lao động. Toàn xã có hơn 347 tàu cá công suất dưới 20 CV khai thác cá các loại, ghẹ, ốc, tôm… bằng lưới kéo, lưới rê.

17-28-49_3
Tổ ĐQL nghề cá ven bờ Hải Ninh hoạt động hiệu quả trong 2 năm qua

Tổ ĐQL nghề cá ven bờ xã Hải Ninh được thành lập với một ban điều hành gồm 15 thành viên. Trong tổ có các nhóm ĐQL; đội hạt nhân trên biển; đội chuyên trách trên bờ, làm nhiệm vụ phối hợp các lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trong vùng biển ĐQL; ghi chép nhật ký diễn biến vi phạm giúp Ban điều hành phát hiện, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trong địa bàn; đồng thời giám sát sản lượng, đóng mới, cải hoán tàu cá, vệ sinh môi trường, tuyên truyền và triển khai các mô hình sinh kế mới.

Với một lực lượng tàu thuyền và lao động đi biển đông đảo như Hải Ninh, việc nâng cao nhận thức của ngư dân trong khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức quan trọng. Mô hình tổ ĐQL nghề cá ven bờ trở thành bước ngoặt giúp ngư dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình.

Ngư dân Lê Công Toàn, thành viên tổ ĐQL cho biết, lâu nay hoạt động khai thác gần bờ của ngư dân Hải Ninh gặp phải một số trở ngại như tàu công suất lớn “vượt rào” lấn sát bờ; sử dụng kích điện, thiết bị khai thác hủy diệt để đánh bắt đã làm nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần.

“Biết đó nhưng không làm cách nào để ngăn chặn được. Mãi đến đầu năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ của tổ ĐQL các phương tiện, đối tượng khai thác trái phép mới bị xử lý nghiêm khắc”, ông Toàn nói.

Người trực tiếp theo dõi, hướng dẫn ngư dân thực hiện mô hình là Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Viết Tứ cũng khẳng định: “Tổ ĐQL nghề cá ven bờ là một mắt xích quan trọng thay đổi hành vi của ngư dân. Bây giờ, ngoài dè chừng các lực lượng chức năng ngư dân còn sợ hàng xóm láng giềng, người thân đánh giá không tốt về hành vi khai thác vi phạm pháp luật của họ”.

Cũng theo ông Tứ, tính đến thời điểm này, 410 hộ dân tham gia mô hình đều thực hiện rất tốt việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản vùng biển ven bờ của xã (khoảng 11 hải lý vuông). Đồng thời, tuần tra giám sát, thông tin kịp thời cho các lực lượng chức năng những trường hợp vi phạm trong phạm vi quản lý; sử dụng ngư cụ khai thác hợp lý; không đánh bắt ở những khu vực sinh sản của các loài thủy sản…

Ông Lê Anh Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng: “Những kết quả bước đầu mô hình thí điểm tổ ĐQL nghề cá ven bờ ở xã Hải Ninh đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức của ngư dân “Xem biển là nhà, xem tài nguyên biển là tài sản của gia đình, của con cháu mai sau”. Hải Ninh chính là điểm sáng để các xã ven biển khác học tập, noi theo”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.