| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 29/03/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 29/03/2018

Đồng tiền mất cắp và số phận con người cay đắng!

Liên quan đến vụ khách hàng Chu Thị Bình bị mất 245 tỉ đồng tại Eximbank TP.HCM, cơ quan công an đã khởi tố 5 bị can là nhân viên Eximbank TP.HCM.

Bà Chu Thị Bình và luật sư Phan Trung Hoài. (Ảnh: HY/Pháp luât TP HCM)

Trong đó, hai bị can Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi bị bắt tạm giam còn 3 bị can Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan và Cao Lan Phương được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. 5 bị can đều phải đối diện tội danh "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp". Thế nhưng, trên thực tế, họ chỉ là nhân viên dưới quyền Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, kẻ đang bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình.

Ở đây, chưa cần bàn đến chuyện vì sao khách hàng Chu Thị Bình gửi một khoản tiền lớn như vậy trong suốt một thời gian dài mà không có sự theo dõi thường xuyên để bị mất cắp bằng những tờ giấy ủy quyền ký khống, mà dư luận cảm thấy xót xa cho những nhân viên ngân hàng.

Chỉ làm công ăn lương, nhân viên phòng khách hàng Eximbank làm sao chống lại áp lực chỉ đạo từ cấp trên như đối tượng Lê Nguyễn Hưng. Nhân viên phòng khách hàng không thể nào đoán biết toan tính và mưu mẹo của người trực tiếp lãnh đạo mình. Khi cơ quan công an ban hành quyết định khởi tố, đại diện Hội đồng quản trị Eximbank cho rằng: "Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có!".

Mới nghe qua thì bình thường, nhưng nghĩ lại thật đắng cay. Sự sơ suất về nghiệp vụ tài chính mà khủng khiếp như vậy ư? Lẽ nào nghề nhân viên trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần được xếp vào nghề nguy hiểm? Nếu 5 nhân viên ngân hàng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Nguyễn Hưng, thì những người đồng cấp và những người cấp cao hơn đối tượng Lê Nguyễn Hưng có trách nhiệm ra sao? Hệ thống giám sát và kiểm tra của Eximbank vận hành dựa trên nguyên tắc nào, để mọi tội lỗi đều trút xuống đầu nhân viên?

Trước vụ mất 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình, tại Eximbank cũng từng xảy ra vụ mất 60 tỷ đồng của 6 khách hàng khác cách đây 2 năm. Cả hai vụ, quan điểm của Eximbank vẫn là “yêu cầu ra tòa để chờ phán quyết”. Tại sao lại có kiểu ứng xử cắc cớ như vậy? Khách hàng gửi tiền vào Eximbank, chứ không hề gửi tiền cho bất kỳ cá nhân nào của Eximbank, dù là nhân viên giao dịch hoặc là giám đốc chi nhánh. Đối tượng Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn, không có nghĩa trách nhiệm ủy thác của khách hàng với Eximbank không còn tồn tại.  

Tiêu chí quan trọng nhất của một ngân hàng là trách nhiệm ủy thác. Ngân hàng phải bảo vệ nguồn vốn của khách hàng và đưa ra những ý kiến tư vấn hợp lý và hợp pháp. Một ngân hàng làm ăn thua lỗ như Oceanbank cũng đã bị mua lại với giá 0 đồng, thì một ngân hàng không đảm bảo trách nhiệm ủy thác cũng xứng đáng bị mua lại với giá 0 đồng chăng!?

Bình luận mới nhất