| Hotline: 0983.970.780

Dòng trôi và cầu vượt

Thứ Sáu 02/05/2014 , 07:10 (GMT+7)

Có biết bao cuộc đời diễu qua mỗi ngày để trắc ẩn. Chắc chắn những người dưới dạ cầu ấy không đọc báo, nói gì đến Internet. Nhưng tôi vẫn nghĩ họ sẽ nghe thấy tấm lòng và sự chia sẻ của chúng ta.

Bài này không nói về những cây cầu vượt theo nghĩa đen. Mặc dù các thành phố lớn bây giờ rất nhiều cầu vượt. Mặc dù mỗi lần đi dưới chân cầu vượt tôi thấy nhiều mảnh đời tạm lắng dưới dạ cầu. Và tôi hay nghĩ, có một dòng trôi lam lũ dưới chân cầu trong khi có một dòng chảy hào nhoáng, vun vút chóng mặt ở bên trên.

Đối tượng của trang Gia đình- Báo NNVN là ai? Số đông ấy hiện nay là người biết tin học, mật thiết với Internet và thích đọc báo điện tử. Cứ cho là như vậy. Nhưng nếu họ sống ở thành phố thì không hẳn họ nằm trong nhóm người “đi phía trên cầu vượt” – những người nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu và nhiều tài khoản riêng. Nếu họ sống ở tỉnh nhỏ, huyện xa, xã nghèo, chắc chắn họ là những viên chức nghèo. May mà Internet đã kết nối chúng ta lại.

Tôi thích hình dung các bạn là người có gốc gác nông thôn, như tôi chẳng hạn. Chúng ta đã từng tự hào mình là người thôn quê, quá đúng, vì nơi đó từng lưu giữ giá trị làm nên tiên tổ, ông bà và cả chúng ta. Nhưng than ôi, hôm nay, hàng ngày tôi luôn nhìn thấy những “bà con” theo nghĩa rộng của mình mà không khỏi chạnh nghĩ.


Ảnh minh họa

Đây, một những gia đình trẻ trong những mái lá chiếm dụng bên góc bờ sông Sài Gòn làm nghề bán dạo. Mỗi sáng, vợ đẩy chiếc xe ba-gác nặng lặt lè dừa tươi, chuối chín các loại, hay rau quả… người này đang giúp chồng nổ máy xe phóng ra chợ, sau đó vợ quay về đưa con nhỏ đến trường mẫu giáo tư nhân.

Đây nữa, một phụ nữ tuổi con gái tôi, là cư dân “chung thân” với kiểu nhà trọ trên mái tôn, vách cũng thưng bằng tôn, nóng chín từ trưa đến nửa đêm, người này gửi con ở quê cho bà ngoại để lên thành phố làm giúp việc không cố định, tức là lau chùi dọn dẹp chứ không nấu nướng, chăm người.

Đây nữa, một người đàn ông trẻ quê xứ cọ Phú Thọ, cũng chịu cảnh vãi con ở ngoài quê để vợ chồng cùng vào Sài Gòn làm tẩm quất giác hơi. Đây nữa, mấy thợ hồ, thợ cắt kính tuổi còn thiếu niên học chưa hết cấp II nên nói tục chửi tục là thú tiêu khiển với đồng lương mạt rệp. Đây nữa một nữ xe ôm góa sớm, ngày ngày trú dưới bóng cây, không chở khách thì phụ việc cho quán xá vì đám con tới ba đứa cũng gửi ở quê. Đây nữa và đây nữa.

Cuộc sống của họ thông tin với tôi điều gì? Chúng thông tin rằng họ là những mảnh đời dưới dạ cầu mà tôi liên tưởng ở trên. Chúng còn thông tin rằng họ có một cái quê luôn động đậy như một cái cuống nhau. Nhưng họ không thể về, họ phải bỏ cha mẹ và con nhỏ ở đó để tìm đường cứu nhà cứu khổ.

Có bao giờ chúng ta hình dung cuộc sống trong hòa bình lại diễn biến như vậy. Người ta đâu có bị hấp dẫn bởi ánh đèn màu. Hoàn toàn là chuyện miếng cơm manh áo mà thôi. Không thể gọi túp lều ấy là nhà, không thể nói những khu nhà trọ tồi tàn kia là chỗ ở cho con người, càng không thể gọi bán dạo là nghề được. Nhưng đất nông nghiệp không nuôi nổi con người, dám bứt ruột bứt gan mới dám bỏ quê để lên thành phố làm lao động phổ thông chứ.

Còn có hàng trăm ngàn người đi xa hơn rất nhiều trên con đường sinh kế của họ. Chồng đi Đông Âu, đi Nga, để vợ và con như những nàng vọng phu thời hiện đại. Vợ đi Đài Loan, đi Hàn Quốc, đi Trung Đông để con ở nhà cho những ông chồng ngày nào cũng thề với chính mình là sẽ chung thủy.

Những mảnh đời ấy cho hình dung về một chiếc thuyền thúng, hay chỉ là những mảnh ván giữa biển khơi. Đi như thế mới thật là ghê gớm. Những chàng nông dân hay những cô thôn nữ ấy cũng đâu có ngờ rằng dòng chảy đã đưa họ đi xa đến vậy.

Nông thôn trống rỗng một cách kỳ lạ. Quá ít những tấm gương ở lại để sống được trên mảnh đất của cha ông mình. Cách trở là hiện tượng phổ biến của những đôi vợ chồng trẻ hiện nay, những người không sống nổi ở nông thôn.

Xa mặt thì cách lòng, nhưng điều hiển nhiên ấy giờ bị xếp xuống hàng thứ. Không ai đặt chuyện lòng tin vào khoảng cách đau lòng này. Có đi ắt phải có về, dọc đường gió bụi hương bay, không hề gì, miễn gia đình không muối mặt vì mãi ở trong diện nghèo hoặc cận nghèo.

Có quá nhiều nỗi niềm cho từng nhóm xã hội trong thời buổi này. Nhóm trung lưu thì tài khoản anh tài khoản em, kết nối không khéo sẽ lục đục túi anh và túi em. Cũng nhóm ấy là chuyện chồng và vợ góp công góp sức ra sao mỗi ngày để có bình đẳng giới. Cũng nhóm ấy thường là “ông ăn chả bà ăn nem”, cơm cơm phở phở trong thời buổi tình ái văn phòng chông chênh mà phụ nữ thì được khuyến khích sổ lồng, tung cánh.

Nhóm dưới dạ cầu, dòng trôi ở dưới chân cầu là nhóm không được lựa chọn và cũng ít kêu ca nhất. Họ không có thời gian để kêu và cũng không biết cách kêu. Chồng vợ có thể thắm thiết đó rồi huỳnh huỵch đó. Chồng có rượu, chồng đánh bài, chồng đá gà chút chút. Vợ lỡ mê số mê đề để hy vọng tiền trên trời rơi xuống.

Nhưng dù sao họ cũng có nhau, vẫn hơn cái nhóm chồng hay vợ đang ở góc biển chân trời, muốn giận nhau cũng không được nói gì muốn chạm vào nhau trong những đêm trường dằng dặc.

Chỉ dám mong tôi đã chia sẻ với các bạn như là một người nếu có được đôi lần ngồi ô tô bon bon trên cầu vượt, tôi cũng không quên nhìn xuống dòng trôi bên dưới dạ cầu. Hãy thương nhau nếu vẫn đang được ở bên nhau dù lam lũ.

Và nếu bạn đang là người xa nhau, hãy kiên trinh, chồng làm mẹ, vợ làm cha, vị trí kiếm tiền dù có bị đảo ngược thì vẫn cứ hãy tin và chờ nhau trong một ngày về rủng rỉnh. Xin được mong những đứa trẻ trong vòng tay ông bà cô bác ở quê mạnh khỏe, bình an, tử tế.

Có biết bao cuộc đời diễu qua mỗi ngày để trắc ẩn. Chắc chắn những người dưới dạ cầu ấy không đọc báo, nói gì đến Internet. Nhưng tôi vẫn nghĩ họ sẽ nghe thấy tấm lòng và sự chia sẻ của chúng ta.

Trên hết, với nhóm trung lưu, nhóm ào ào trên cầu vượt, bạn đừng quên nhìn xuống dưới dạ cầu bạn nhé. Để chi, để như tôi, bạn sẽ thấy mình may mắn, mình nhiều cơ hội, mình luôn trong cảnh có nhau, vì vậy mà hãy yêu thương nhau từng ngày, kèn cựa ít đi, hướng ngoại ít đi và hãy hy sinh cho nhau để tìm thấy thứ hạnh phúc đích thực trong sự vừa đủ của mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm