| Hotline: 0983.970.780

Đông trùng hạ thảo “Made in Viet Nam”: Chất lượng tới đâu?

Thứ Hai 17/11/2014 , 10:12 (GMT+7)

Đông trùng hạ thảo ở tự nhiên hay được nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo thì cũng đều sinh ra những dưỡng chất như nhau cả./ Việt Nam sản xuất được đông trùng hạ thảo

Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện BVTV) công bố đã SX thành công đông trùng hạ thảo (ĐTHT), loài đông dược vô cùng quý hiếm xuất xứ từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), có tiếng đắt hơn vàng! Vậy sản phẩm ĐTHT “Made in Viet Nam” này chất lượng ra sao?

Theo các tài liệu khoa học, ĐTHT thực chất là hiện tượng ấu trùng các loài bướm có tên Thitarodes (thường là loài Thitarodes baimaensis hoặc Thitarodes armoricanus) bị loài nấm Cordyceps militaris hoặc Cordyceps sinensis ký sinh.

Ngoài ra, có 46 loài bướm khác thuộc chi Thitarodes cũng có thể bị  nấm Cordyceps militaris hoặc Cordyceps sinensis ký sinh. Các loài nấm này phân bố rộng ở châu Á, châu Úc vùng Đông Á, đặc biệt là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 - 5.000 m như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... (Trung Quốc).

Vào mùa đông, nấm Cordyceps militaris hoặc Cordyceps sinensis ký sinh vào các loài sâu non thuộc chi Thitarodes, làm chết sâu non và dần ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Đến một giai đoạn nhất định (thường vào mùa hè ấm áp), nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng cây (hình dạng giống thực vật) và phát tán bào tử. Đây chính là sản phẩm ĐTHT nổi tiếng quý hiếm.

Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối của ĐTHT có tới 17 axit amin khác nhau, có D-mannitol, lipit, nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...) và nhiều chất có giá trị dược liệu cao như axit cordiceptic, cordycepin, adenosin, hydroxyethyl-adenosinl; đặc biệt là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Etyl-Adenosin- Analogs). ĐTHT còn chứa nhiều loại vitamin (trong 100 gr ĐTHT có 0,12 gr vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C; ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...).

Tại Trung tâm Đấu tranh sinh học, TS Phạm Văn Nhạ, thành viên nhóm nghiên cứu sản xuất ĐTHT cho biết: "Trung tâm đã NK giống nấm Cordyceps militaris với giá khoảng 1.000 USD, đồng thời nghiên cứu thành công quy trình nhân nuôi giống nấm này, sau đó thực hiện nuôi cấy thành công nấm trực tiếp vào ký chủ là nhộng tằm cũng như đối với môi trường sinh khối nhân tạo (gồm gạo lứt và nhộng tằm xay bột).

Hiện nấm sau khi nuôi cấy trên cả 2 môi trường ký chủ đều cho kết quả phát triển rất tốt, mọc ra các quả thể dài 4 - 5 cm, có màu đỏ tươi, chính là chỉ thị của chất cordycepin có tác dụng phòng chống bệnh ung thư...".

Công bố SX thành công ĐTHT của Trung tâm Đấu tranh sinh học có thể nói đã gây ngạc nhiên lớn cho dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang rất băn khoăn, liệu sản phẩm ĐTHT mà nhóm nghiên cứu của TS Phạm Văn Nhạ có chất lượng thế nào so với ĐTHT “xịn” như ở cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc? NNVN đã trao đổi với TS Phạm Văn Nhạ về vấn đề này.

Nguồn giống nấm trung tâm NK từ đâu, chất lượng ra sao, thưa ông?

Giống nấm Cordyceps militaris được chúng tôi NK từ Trung tâm Phòng chống ung thư của ĐH Missouri (Hoa Kỳ) theo dạng đơn bào tử. Mỗi bào tử có giá khoảng 1.000 USD. Giống nấm này có nguồn gốc từ Tây Tạng (Trung Quốc) và được ĐH Missouri phân lập. Hiện nhiều nơi bán giống nấm này, Thái Lan cũng có, nhưng nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, bởi xuất xứ của ĐTHT là từ Trung Quốc.

Sau khi NK giống, chúng tôi đã ổn định được công nghệ nhân, tạo môi trường với điều kiện ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, môi trường dinh dưỡng... tương tự như điều kiện tự nhiên ở vùng cao nguyên Tây Tạng giúp nấm sinh sôi.

Để nhân một lượng giống sẽ mất khoảng 35 ngày, sau đó nuôi cấy giống nấm vào ký chủ (nhộng tằm hoặc sinh khối nhân tạo) đến khi nấm phát triển ra quả thể thành phẩm sẽ mất thêm từ 60 - 75 ngày. Như vậy để SX một lứa ĐTHT hoàn chỉnh, phải mất khoảng hơn 3 tháng.

Giá trị dinh dưỡng của ĐTHT là sự kết hợp giữa loài nấm Cordyceps militaris và loài côn trùng đặc trưng vùng núi cao ở Tây Tạng. Nhưng ở đây, nhóm nghiên cứu của ông lại cho nấm ký sinh vào nhộng tằm. Liệu như vậy sản phẩm ĐTHT có chất lượng như ở điều kiện tự nhiên?

Về bản chất, giữa nhộng tằm và các loài côn trùng vùng Tây Tạng mỗi loài sẽ có dưỡng chất khác nhau, tuy nhiên về cơ bản, chúng đều là các loài côn trùng và cũng có các dưỡng chất cơ bản tương đồng. Điều căn bản là các dưỡng chất trong ĐTHT thành phẩm là do nấm Cordyceps militaris tổng hợp tạo ra, chứ không phụ thuộc nhiều vào loài côn trùng mà nó ký sinh.

Về mặt nguyên lý, bản chất di truyền của một loài, dù nó phát triển trong điều kiện nào thì cũng cơ bản đều sinh ra những dưỡng chất vốn có của nó. Vì vậy, ĐTHT ở tự nhiên hay được nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo thì cũng đều sinh ra những dưỡng chất như nhau cả.

Ý ông cho rằng, ĐTHT do trung tâm nuôi cấy và ĐTHT tự nhiên ở Trung Quốc đều có những dưỡng chất như nhau. Vậy có bằng chứng nào không?

Khi nghiên cứu, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu chính vào hàm lượng của hai chất Cordycepin, Adenosin. Cordycepin là chất đã được các trung tâm nghiên cứu phòng chống ung thư công bố có tác dụng bao vây tiêu hủy dần các tế bào ung thư, giúp phòng trị bệnh ung thư. Còn Adenosin là chất cơ bản dùng trong bệnh điều trị bệnh tim mạch, huyết áp...

Chúng tôi đã phân tích mẫu ĐTHT ở Viện Thực phẩm chức năng (Bộ Y tế) và cho kết quả hàm lượng Cordycepin là 0,14 mg/gr, Adenosin là 0,32 mg/gr. Đây là hàm lượng rất cao so với hàm lượng của ĐTHT bán ngoài thị trường hiện nay cũng như hàm lượng của sản phẩm ĐTHT mà các nhà cung cấp sản phẩm ở Trung Quốc công bố.


Một lọ ĐTHT nuôi cấy tại trung tâm

Nghĩa là sản phẩm do trung tâm vừa SX "xịn" hơn cả sản phẩm ở Trung Quốc?

Ở đây chúng tôi chỉ so sánh với sản phẩm với ĐTHT cùng phương pháp nuôi cấy tương tự, sản phẩm sấy khô bán trên thị trường, chứ không phải so sánh với ĐTHT tự nhiên như ở Tây Tạng. Bởi sản phẩm tự nhiên thật sự rất hiếm, như công bố thì cả Trung Quốc mỗi năm chỉ sinh ra chừng 80 kg ĐTHT nên ngay cả chúng tôi cũng chưa bao giờ được tiếp cận với hàng "xịn" thật sự.

Ước 90% ĐTHT ở Trung Quốc hiện nay cũng đều là hàng được nuôi cấy như chúng tôi và 100% ĐTHT ở Việt Nam hiện nay cũng đều là sản phẩm nuôi cấy, trong đó tới 99% là NK từ Trung Quốc. Chúng tôi cũng không có tư liệu xem hàm lượng 2 chất này trong ĐTHT tươi mọc tự nhiên là bao nhiêu nên không thể so sánh được.

"Xét về lý thuyết di truyền mà nói, dù ĐTHT phát triển trong điều kiện kí sinh tự nhiên hay trong môi trường nuôi cấy nhân tạo cũng không thể nào chênh lệch nhau về giá trị dinh dưỡng tới 10 lần cả. Cũng giống như nuôi con lợn bằng cám gạo và cám công nghiệp vậy, không thể nào nói con lợn nuôi bằng cám gạo sẽ chất lượng tốt gấp 10 lần con lợn nuôi bằng cám công nghiệp được, vì di truyền sẽ cơ bản như nhau, lợn vẫn sẽ là lợn thôi (!)" (TS Phạm Văn Nhạ).

Sở dĩ hàm lượng Cordycepin và Adenosin mà chúng tôi phân tích cao như vậy bởi đây là sản phẩm tươi. Bản chất của 2 chất này là dễ bị phân hủy bởi ánh sáng. Vì vậy đối với sản phẩm NK trải qua thời gian lưu hành rất dài, đặc biệt là sản phẩm sấy khô thì hàm lượng Cordycepin và Adenosin đã bị phân hủy giảm đi rất nhiều. Vì vậy sản ĐTHT tươi ở trung tâm chúng tôi có hàm lượng cao hơn là dễ hiểu.

Nhưng ĐTHT có giá trị quý còn bởi có hàng chục chất dinh dưỡng khác, chứ không chỉ có 2 chất Cordycepin và Adenosin? Liệu trong sản phẩm của ông có những chất quý khác nữa không?

Theo tư liệu, ĐTHT có tới hơn 20 chất và hoạt chất quý hiếm, bao gồm hàng chục loại vitamin và axit amin. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí cũng như điều kiện của các cơ sở phân tích trong nước có hạn nên hiện chúng tôi chỉ phân tích được 2 chất mà chúng tôi chú trọng mà thôi.

Vì vậy, liệu ĐTHT được ký sinh trên nhộng tằm có sinh ra các chất với hàm lượng như trong tự nhiên hay không thì chúng tôi chưa thể khẳng định được. Về mặt nào đó, hiện nay sản phẩm ĐTHT “xịn” ngoài thị trường bán giá tới 1 tỷ đồng/kg, trong khi chúng tôi hiện chỉ bán giá rẻ bằng 1/10, vậy thì dù sao đi nữa giá trị của sản phẩm chúng tôi cũng rất đáng mua chứ?

Sản phẩm ĐTHT mà trung tâm đang phát triển chủ yếu được nuôi cấy trên ký chủ là bột nhộng tằm xay và gạo lứt, chất lượng có thể như cấy trên nhộng sống nguyên con được không?

Tỉ lệ cấy bào tử nấm Cordyceps militaris lên cá thể nhộng hiện nay cao lắm cũng chỉ 7 - 8% do nhiều yếu tố bất lợi cho nấm phát triển. Tuy nhiên đối với ký chủ là nhộng xay nhỏ, chúng tôi trộn lẫn gạo lứt cho vào các lọ thủy tinh, sau đó khử trùng ở nhiệt độ hơn 120 độ C để tiêu diệt hết các vi khuẩn, nấm gây hại. Vì vậy tỉ lệ cấy thành công lên tới hơn 50%. Về cơ bản, nấm sau khi ký sinh vào ký chủ là nhộng nguyên con hay bột nhộng xay nhỏ đều phát triển như nhau.

Vậy nguồn nhộng tằm chất lượng ra sao?

Chúng tôi đặt hàng nhộng tằm từ Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ, với yêu cầu nhộng không được sử dụng bất kỳ chất hóa học nào. Vì vậy chất lượng nhộng tằm rất đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bình luận mới nhất