| Hotline: 0983.970.780

Đồng xanh ca hát ngát hương lúa vàng

Thứ Năm 23/08/2012 , 10:13 (GMT+7)

Ở tuổi 63, chả biết người xui kẻ khiến ra sao, Ngọc Khương cho in liền một lúc ba tập thơ “Cây đổi màu”, “Võng tình” và “Trăng Nhật Lệ”.

Nhà thơ Ngọc Khương 
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Bình khắc nghiệt, nhà thơ Ngọc Khương lập nghiệp bằng nghề giáo tại TP HCM. Cuộc đời ông cũng có lúc túng bấn phải chạy đôn chạy đáo mưu sinh tất tả.

Vậy mà, dù trong hoàn cảnh nào Ngọc Khương vẫn tha thiết với thơ. Người yêu thi ca ở đô thị sầm uất nhất phương Nam không mấy ai không biết "Câu lạc bộ thơ Hương nguồn" do Ngọc Khương lập ra. Mọi hình thái đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ đều có Ngọc Khương làm chủ trò. Ngọc Khương tốt bụng và chân thành, vì vậy đồng nghiệp rất quý mến! 

Ở tuổi 63, chả biết người xui kẻ khiến ra sao, Ngọc Khương cho in liền một lúc ba tập thơ “Cây đổi màu”, “Võng tình” và “Trăng Nhật Lệ”. Cầm ba ấn phẩm công phu, rất dễ ái ngại cho chủ nhân vì thời nay mấy ai còn mặn mà với vần điệu tâm tình trắc ẩn. Vậy mà Ngọc Khương cứ hồn nhiên như không. Thậm chí ông còn tổ chức buổi ra mắt và gọi sáu đứa con cả dâu cả rể xếp hàng ngang cảm tạ bạn bè đã quan tâm đến thơ của bố! Nghĩ kỹ, thấy cũng đáng trọng! 

Nhà thơ Ngọc Khương từng trải nhiều hỷ nộ cõi nhân gian. Ông viết: “Chân đi vấp bóng mây trời/ Đường đời sụt lở, bẫy người bủa vây/ Nương nhờ ảo giác trăng này/ Đến khi mộng tỉnh, sương bay trắng đầu”. Thế nhưng, những dằn vặt ngổn ngang ấy chỉ nhằm thôi thúc ông hướng về lẽ sống bình yên: “Ước gì hết những tai ương/ Đồng xanh ca hát ngát hương lúa vàng”.  

Thơ Ngọc Khương chọn giọng điệu nhỏ nhẹ và êm ái. Cái bóng dáng kẻ tha hương cứ ám ảnh dọc hành trình thi ca của Ngọc Khương. Quê nhà Quảng Bình nhiều cam go và mất mát, cứ cồn cào trong lòng ông: “Thương mẹ một đời cát vùi lút mặt/ Thương em bao lần sóng lật đò ngang/ Thương cây đa vết đạn đầy mình/ Vẫn đứng vững giữa muôn trùng bão tố”.  

Ký ức ấy có thể đau đớn, ký ức ấy có thể xót xa, vẫn là một phần căn cốt của một nhà thơ nặng nghĩa với nơi chôn nhau cắt rốn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông dặn con mình một cách trang nghiêm: “Con ạ, sông Gianh huyền thoại/ Lung linh bao chuyện diệu kỳ/ Ngập giữa phố phường khói bụi/ Con về gội sạch mình đi!”.

Có người làm thơ thể hiện ý chí, và cũng có người làm thơ để giãi bày suy tư. Nhà thơ Ngọc Khương thuộc vế thứ hai. Đọc thơ, dễ dàng nhận ra một Ngọc Khương lắm cơ cực: “Tôi lớn lên ngụp lặn dưới chân cầu/ Tay lấm láp bắt con còng làm bạn/ Chân tứa máu bởi mảnh hàu, mảnh hến/ Da cháy rần trong nắng quái miền Trung”. Và đọc thơ, cũng dễ dàng nhận ra một Ngọc Khương lắm xao xác: “Chợ đời ai bán, ai trao/ Đồng tiền sấp ngửa, lao đao kiếp người/ Chênh vênh đứng giữa khóc cười/ Nửa lao xao nắng, nửa trời động kinh…” 

Ba tập thơ “Cây đổi màu”, “Võng tình” và “Trăng Nhật Lệ” đứng riêng từng tập không có gì đặc biệt, nhưng đặt cạnh nhau ít nhiều thấy được chân dung Ngọc Khương: “Một đời xuôi ngược bôn ba/ Xế chiều lại muốn nghiêng qua cổng làng”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất