| Hotline: 0983.970.780

Đồng xanh, làng sáng

Thứ Sáu 21/12/2018 , 13:30 (GMT+7)

Muốn biết đời sống của dân làng nào ra sao cứ nhìn ruộng đồng của làng ấy sẽ biết. Vậy nên, đứng trước màu xanh bạt ngàn của đủ loại rau màu trên cánh đồng thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), một cách rất tự nhiên, chúng tôi liên tưởng ngay đến “màu” của sự no đủ…

Bám đất làm giàu

Chẳng cần sổ sách, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Nguyễn Văn Động cho hay Thượng Xá có 34ha đất canh tác. Bắt tay xây dựng NTM, Thượng Xá chọn dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đầu tiên, tập trung thực hiện. Kết quả, sau dồn đổi bình quân mỗi hộ dân ở Thượng Xá chỉ còn 1,8 thửa canh tác. Dịp này, thôn còn quy hoạch được một vùng chuyên canh “2 màu, 1 lúa" rộng 3,3ha…

09-28-15_11
Từ khi có kênh tưới tiêu, kinh nghiệm thâm canh rau màu của nông dân Thượng Xá càng có dịp phát huy

Theo ông Động, nông dân Thượng Xá vốn có truyền thống, kinh nghiệm thâm canh rau màu. Sau DĐĐT, nhất là sau khi được tỉnh đầu tư làm 1,5km kênh tưới tiêu, kinh nghiệm này của nông dân Thượng Xá càng có dịp phát huy, diện tích rau màu tăng lên gần gấp đôi, từ 35 mẫu lên tới 65 mẫu.

Đặc biệt, nhờ chủ động được nguồn nước tưới giúp nông dân Thượng Xá chủ động, linh hoạt hơn trong sản xuất. Theo đó, thị trường cần loại rau quả gì, nông dân Thượng Xá tập trung sản xuất, đáp ứng nhu cầu đó. Như hiện tại, bí xanh và ớt đang là hai cây trồng chủ đạo ở đồng đất Thượng Xá. Ông Trần Văn Loan - một lão nông trong thôn cho hay, một sào bí xanh hiện cho thu nhập cả chục triệu đồng.

“Vụ này hàng xóm nhà tôi có 1,8 sào bí xanh. Mới thu vài lứa quả ông ấy đã bán được hơn 20 triệu đồng. Nhà tôi có sào ớt, ngày cao điểm thu được gần 2 triệu. Gấp nhiều lần so với độc canh lúa!”, lão nông Loan cười chia vui.

Với cơ cấu mỗi năm “2 màu, 1 lúa”, theo ông Động, đồng đất Thượng Xá hiện cho thu nhập trên 150 triệu/ha/năm - mức thu nhập trước đây khó tưởng tượng ra. Riêng 6 hộ trong thôn mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích năng suất thấp sang đào ao thả cá, sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại còn có thu nhập cao hơn, đến vài trăm triệu đồng/năm từ “canh trì”.

Hơn 100 lao động của thôn lúc nông nhàn ra ngoài làm thêm một số nghề tay trái cũng mang lại cho gia đình những khoản thu nhập thêm không nhỏ. “Dân Thượng Xá chúng tôi đang tự tin làm giàu trên đồng đất quê mình”, ông Động phấn khởi cho hay.
 

Việc lớn, cả làng cùng lo!

Nếu chỉ có chuyện DĐĐT, thâm canh tăng năng suất, nâng cao thu nhập, chuyện ở Thượng Xá dễ “lẫn” vào chuyện của nhiều thôn làng khác ở tỉnh Thái Bình hôm nay. Điều khiến Thượng Xá đang được xem là điển hình trong xây dựng NTM chính là câu chuyện về “sức mạnh cộng đồng” ở làng quê này.

Chuyện rằng trước đây, như nhiều thôn làng khác, đường làng thôn Thượng Xá cũng rất nhỏ hẹp, chỉ rộng 2 - 3m. Bắt tay xây dựng NTM, thôn có kế hoạch mở rộng đường làng lên 5 - 6m. Là đơn vị thực hiện thí điểm, Thượng Xá có thuận lợi được tỉnh hỗ trợ phần lớn kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, làm thế nào để có mặt bằng mở rộng đường là việc không đơn giản.

09-28-15_12
Để có những con đường khang trang, sạch đẹp, nhiều hộ dân ở thôn Thượng Xá đã sẵn sàng hiến đất

Ấy vậy mà dưới sự lãnh đạo của chi bộ thôn, tuyên truyền, vận động của Ban Công tác mặt trận, 169 hộ dân ở Thượng Xá đều đồng lòng góp của, góp công thực hiện. Trong đó, có tới 73 hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến đến hơn 3.500m2 đất thổ cư cho thôn mở rộng đường.

Không những thế, các hộ còn tự giải phóng mặt bằng thông qua việc tự phá bỏ gần 3.000m2 tường bao, 76 trụ cổng, gần 300m2 công trình phụ. Có những hộ như gia đình ông Đào Văn Y, ngoài hiến hơn 100m2 đất còn sẵn sàng dỡ hẳn 1 gian của ngôi nhà 5 gian.

Cùng cộng đồng trách nhiệm, những hộ còn lại đồng thuận góp mỗi khẩu 1,3 triệu đồng cho thôn có kinh phí san lấp mặt bằng, hỗ trợ lại 73 hộ xây mới lại những công trình phải dỡ bỏ trước đó. Đường được trải bê tông rộng từ 4 đến 5m.

Chuyện hiến đất, dỡ nhà cho thôn làm đường ở Thượng Xá khiến chúng tôi liên tưởng đến chuyện chục năm trước, trong thời chiến, để kịp làm đường, làm cầu cho xe qua nhiều gia đình đã sẵn sàng dỡ nhà, dỡ cửa. “Viết lại” câu chuyện đẹp đẽ này trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, việc làm của nhiều người dân ở thôn Thượng Xá thật đáng trân trọng!

Ấm tình lối xóm

Về Thượng Xá, chúng tôi còn được nghe kể nhiều chuyện ấm tình cộng đồng khác. Đến giờ người Thượng Xá vẫn duy trì lệ khi trong thôn có người “nằm xuống”, mỗi nhà sẽ tự nguyện góp 1kg gạo hỗ trợ gia đình tang quyến.

“Trước đây khi đời sống còn nhiều khó khăn, đó là cách chúng tôi bù đắp cho nhau sự thiếu thốn về vật chất. Nay đời sống đủ đầy hơn, cân gạo chúng tôi góp cho nhau không còn nặng nghĩa vật chất mà nặng ở nghĩa tinh thần. Nó thể hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào cộng đồng, xóm giềng cũng luôn ở bên, đùm bọc và chia sẻ”, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Nguyễn Văn Động cho biết thêm về tục lệ đẹp này ở Thượng Xá.

Không chỉ góp gạo, người Thượng Xá nói riêng, cả xã Quỳnh Minh nói chung còn góp đất cho nhau - chuyện tưởng như chẳng thể có ở thời buổi kinh tế thị trường này. Cũng xuất phát từ việc theo chính sách đất đai hiện hành, những công dân sinh từ năm 1993 trở lại đây không được chia ruộng, phần nào phải chịu thiệt thòi.

Thế là trong đợt DĐĐT vừa qua, nông dân Quỳnh Minh đã chia sẻ cho nhau bằng việc góp mỗi khẩu 28m2 cho những người chưa có ruộng. Nhờ nghĩa cử này của cộng đồng, mỗi người trong số 1.109 người sinh từ năm 1993 trở lại đây ở Quỳnh Minh đã có 250m2 đất canh tác…

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm