| Hotline: 0983.970.780

Đông xuân 2010-2011: Bài toán mới cho quản lý dịch hại

Thứ Tư 13/10/2010 , 09:52 (GMT+7)

Với những diễn biến rất khác biệt so với các vụ ĐX trước, vụ ĐX năm nay ẩn chứa rất nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó đáng lo nhất là tình hình dịch hại.

Hôm nay (13/10), tại TP HCM, Bộ NN - PTNT tổ chức tổng kết vụ hè thu và triển khai kế hoạch SX vụ ĐX ở Nam bộ và Tây Nguyên. Với những diễn biến rất khác biệt so với các vụ ĐX trước, vụ ĐX năm nay ẩn chứa rất nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó đáng lo nhất là tình hình dịch hại.

TỪ SỰ NGỠ NGÀNG CỦA CHUYÊN GIA QUỐC TẾ

Đầu tháng 9 vừa qua, nhân chuyến công cán tại VN, TS Heong KL chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI được tham dự hội nghị - Diễn đàn sản xuất lúa theo GAP. Như hơn 700 khách mời và đại biểu khác, Heong được phát một cuốn tài liệu chuyên khảo dày cộp, nhưng khi mở ra ngài đã phải hốt hoảng ngay vì ngay 2 trang đúp đầu tiên của cuốn tài liệu chuyên khảo dày hơn 700 trang trên là quy trình “tẩm” thuốc BVTV cho lúa của Cty Syngenta VN. Thuốc nối thuốc, thuốc chồng lên thuốc, từ loại thuốc độc hại đã được phần lớn các nước trên thế giới cấm sử dụng đến thuốc còn patan. Thuốc được tẩm từ khi người nông dân mới chuẩn bị đất cho cây lúa chào đời đến khi lúa đã hoe đồng. Trong 80 ngày có 15 loại thuốc được khuyến cáo sử dụng. Thấy nhà khoa học IRRI tái mặt, đồng sự VN đã nhanh trí đổi cho cuốn tài liệu khác trong đó 2 trang đúp đầu tiên in quy trình tẩm thuốc đã được xé bỏ. Đã 1 tháng trôi qua nhưng người đồng sự VN cứ day dứt – Không hiểu Heong có suy luận sai ra rằng: VN chơi khăm.

TS Heong không những là chuyên gia cao cấp về rầy nâu nổi tiếng mà còn là người có trên 30 năm lặn lội cùng IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp). Năm 1992, với sự tài trợ của IRRI, IPM du nhập VN và trở thành chương trình quốc gia với 516.000 nông dân đã được đào tạo về kỹ thuật IPM. Từ cơ sở lý luận đấy, một loạt các chương trình của VN như “không phun thuốc sớm”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” được các nhà khoa học VN chế tác và phát triển. Các tác giả của những chương trình đấy đã được tặng các giải thưởng quốc tế và quốc gia cao quý bởi nó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ mùa màng và phát triển nghề trồng lúa ở VN mà nhiều nước vẫn coi đó là một kỳ đài.

Năm 2006, dịch rầy nâu mang vi rus VL, LXL bùng phát ở ĐBSCL, TS Heong được các nhà khoa học VN mời sang tham vấn và cũng trên nền tảng lý luận về IPM, các nhà khoa học đã đưa ra giải pháp “gieo sạ đồng loạt tập trung né rầy”. Giải pháp kỹ thuật này là nhân tố chủ yếu “ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh RN và VL, LXL” trong suốt 5 năm qua. 

ĐẾN VỤ ĐX 2010/2011 Ở ĐBSCL

So với các năm trước đây, ĐBSCL bước vào vụ ĐX 2010/2011 có 2 điểm khác biệt lớn, một là ĐBSCL năm nay không có lũ, hai là giá lúa hiện tại đang ở mức cao. Ngoài ra còn có ổ dịch rầy nâu hơn 15.000 ha đang “mai phục” sẵn ở Lâm Đồng, chờ gió Đông Bắc và lúa ĐX ở ĐBSCL.

Tuy xuống giống đồng loạt, né rầy được ngành và toàn bộ hệ thống chính trị chỉ đạo quyết liệt và đã ngăn chặn được đại dịch RN, VL-LXL nhưng thời vụ ĐBSCL còn bị chi phối bởi quy luật con nước, nhiễm mặn nên toàn vùng có khoảng 80.000 ha phải chấp nhận xuống giống trong tháng 10, trong lúc đại trà trong tháng 11 và 12. Năm nay, do ĐBSCL không có lũ nên diện tích có điều kiện xuống giống sớm sẽ được mở rộng thêm ở ven sông Tiền, sông Hậu. Giá lúa đang ở mức cao lại càng thêm kích thích người dân “xé rào” xuống giống sớm, ước diện tích xuống giống trong tháng 10 có thể gấp hơn 2 lần so với năm trước, và lúc ấy trà lúa xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ là bãi đáp cực ngon cho RN di trú từ Lâm Đồng xuống. Việc xuống giống ĐX sớm cũng thúc đẩy lúa HT sớm, chiếc cầu nối cho RN từ ĐX sang HT mà Cục Trồng trọt đang muốn loại bỏ.

Việc ĐBSCL không có lũ, đồng ruộng không được tổng vệ sinh nên sẽ có nhiều dịch hại và đấy là cơ hội cho các cty BVTV gia tăng doanh số. Mặc dù thời vụ mới nhấp nhổm chuẩn bị mà trên sóng truyền hình các địa phương ĐBSCL đã ken dày quảng cáo thuốc. Không chỉ một công ty đưa ra “quy trình tẩm thuốc”, mà rất nhiều các công ty khác cũng đã phổ biến “IPM thế hệ mới” bắt chước chiêu thức các Cty thuốc BVTV Indonesia (xem NNVN số ra ngày 21/9/), theo đó đề cao việc phòng sâu bệnh bằng thuốc với tối thiểu 6 lần phun thuốc/vụ, bất kể có dịch hại hay không. Một số công việc, trong điều kiện bình thường nếu không dùng thuốc sẽ hiệu quả hơn nhưng vẫn cứ được khuyến cáo dùng thuốc triệt để, như việc xử lý giống bằng nước muối 15% sẽ hiệu quả hơn dùng thuốc, việc trừ ốc bươu vàng bằng tay và vôi sẽ hiệu quả hơn nhiều …

Không chỉ quảng bá kiểu “tẩm thuốc”, một số công ty còn đưa khuyến cáo nông dân dùng thuốc BVTV “theo bộ” mà thực chất là dùng 2 -3 sản phẩm của họ, biến thuốc đặc trị, thuốc phổ hẹp thành thuốc phổ rộng hơn, bán được nhiều hơn.

Để đến được với nông dân, bán được nhiều thuốc, các Cty BVTV không những chỉ quảng cáo, quảng bá, tổ chức hội thảo đầu bờ mà còn dựng nên vô số “nhịp cầu”, tổ chức các chương trình “đồng hành”, “ cùng nông dân” … mà còn tiến hành các loại hình tinh vi hơn như tài trợ cho các hội đoàn, hoạt động của nhà nước.

Theo TS Mike Douglass, ĐH Hawaii (Mỹ), quy hoạch đô thị ở VN nói riêng và một số TP Châu Á khác nói chung “đang được dẫn đắt bởi các tập đoàn xây dựng”. Liệu IPM Việt Nam có thoát khỏi được sự bủa vây của các Cty thuốc BVTV?

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Không để dịch bệnh tái phát lây lan trên đàn vật nuôi

AN GIANG Nhờ chủ động tiêm phòng vacxin đã giúp đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang hạn chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.