| Hotline: 0983.970.780

Đông Xuân 2019 - 2020: Không ngẫu nhiên phía Bắc thắng lớn

Thứ Hai 25/05/2020 , 15:42 (GMT+7)

Bất luận đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tại các tỉnh phía Bắc vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.

Kết quả có được là nhờ sự sâu sát của toàn ngành NN-PTNT, địa phương. Ảnh: Việt Khánh.

Kết quả có được là nhờ sự sâu sát của toàn ngành NN-PTNT, địa phương. Ảnh: Việt Khánh.

Lúa Xuân đạt cả về năng suất lẫn giá trị, với đà này chắc chắn nhà nông sẽ đón nhận một mùa vụ thắng lợi.

Gian khó chất chồng

Sáng 25/5, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa và định hướng vụ Đông 2020 các tỉnh phía Bắc”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã Quyết định tặng bằng khen cho 6 tập thể (Sở NN-PTNT các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; Trung tâm BVTV phía Bắc; Trung tâm BVTV vùng Khu 4) và 7 cá nhân trong ngành NN-PTNT có thành tích xuất sắc trong sản xuất vụ Đông Xuân 2019 – 2020.

Theo nhận định chung của ngành nông nghiệp, diễn biến mùa vụ 2019-2020 không thực sự thuận lợi.

Từ đầu chí cuối thời tiết luân chuyển liên hồi, nắng nóng và giá lạnh đan xen không theo quy luật, tỷ lệ giông lốc dày đặc bất thường, dịch bệnh gây hại đua nhau phát sinh, đồng thời kết hợp với nhiều yếu tố bất thuận khác khiến áp lực càng thêm phần gia tăng.

Qua theo dõi, nhiệt độ trung bình từ tháng 11/2019 - 4/2020 tại Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2,5 độ C, đặc biệt tháng 3/2020 ghi nhận có nơi cao hơn trên 3 độ C.

Trong khi đó, riêng tháng 4/2020 ở khu vực các tỉnh phía Bắc lại phổ biến thấp hơn từ 1,5-2,5 độ C, kết hợp với các đợt không khí lạnh tăng cường càng “góp phần” kìm hãm đà phát triển của cây lúa.

Thời tiết “đỏng đảnh” tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh, dịch bệnh gây hại phát sinh. Ghi nhận tại khu vực Bắc Trung Bộ, riêng đạo ôn lá đã tàn phá hơn 5.800 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng trên 434 ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 5 – 15%, nơi cao 25 – 40%, lụi ổ 70 – 80%.

Giai đoạn kế tiếp, đạo ôn cổ bông xuất hiện trên khoảng 1.735 ha, cao gấp 1/3 lần vụ Đông Xuân năm trước, tương đương 625 ha, mức độ phân bố tương đương.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đối mặt với nhiều yếu tố bất thuận. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đối mặt với nhiều yếu tố bất thuận. Ảnh: Việt Khánh.

Đặc biệt, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại tại hầu hết các tỉnh trong vùng với tổng quy mô gần 7.000 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng khoảng 816 ha, cá biệt có những địa điểm giảm năng suất đến 80 – 100%.

Tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, đạo ôn cổ bông cũng phát sinh gây hại trên các trà lúa đã trỗ sớm, gây hại nặng trên các trà lúa trỗ vào giữa tháng 4, cá biệt tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên tỷ lệ gây hại lên đến 30-50% số bông. So sánh với cùng kỳ năm trước, diện tích nhiễm bệnh nhiều hơn đến 457 ha.

Có những thời điểm nông dân điêu đứng vì đạo ôn. Ảnh: Việt Khánh.

Có những thời điểm nông dân điêu đứng vì đạo ôn. Ảnh: Việt Khánh.

Với diễn biến chung như trên, nếu chủ quan, lơ là thì nguy cơ đón nhận một mùa vụ thất bát là điều khó tránh…

Sát sao, kịp thời

Đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ NN-PTNT ngay từ đầu vụ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chủ động của bà con nông dân mọi khó khăn dần được đẩy lùi. Với diễn biến hiện tại, một mùa vụ thắng lợi toàn diện đang rất cận kề.

Trước tiên, Cục BVTV đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ban hành Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV ngày 03/4/2020 về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật hại tại các tỉnh phía Bắc. Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT đã thành lập các đoàn công tác do đích thân Bộ trưởng và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu trực tiếp đi kiểm tra, nắm bắt tại các cơ sở trọng điểm.

Bên cạnh đó, Hội nghị trực tuyến chuyên đề liên quan đến giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa vụ Đông Xuân vào ngày 7/4/2020 với sự tham gia của lãnh đạo của 27 tỉnh thành ngay trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 cũng là điểm nhấn, cho thấy sự táo bạo và rất thiết thực.

Bám theo dòng sự kiện, trước nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông vùng Bắc Trung Bộ, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu 4 đã chủ động ban hành công căn số 25/BVTV-CV ngày 23/3/2020 gửi đến 6 Chi cục Trồng trọt – BVTV trong vùng.

Dù vậy nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bên, diễn biến lúc này đang rất thuận lợi. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bên, diễn biến lúc này đang rất thuận lợi. Ảnh: Việt Khánh.

Trên tinh thần đó, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ đã ban hành đến 51 văn bản về chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng. Trong đó Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Công điện số 2161-CĐ-TU ngày 31/3/2020 liên quan đến nội dung tập trung chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong bối cảnh COVID-19 chuyển biến khó lường; UBND các tỉnh ban hành 8 văn bản, Sở NN-PTNT 18 văn bản, Chi cục Trồng trọt và BVTV 24 văn bản hướng dẫn. Những con số đủ cho thấy quá trình triển khai rốt ráo đến nhường nào.

Phát biểu tham luận, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình, ông Trần Mạnh Báo khẳng định: “Qua gần 50 năm làm nông nghiệp, chưa lúc nào tôi thấy thời tiết đặc biệt như năm nay, chưa bao giờ rét Nàng Bân lại đỏng đảnh đến nhường này. Diễn biến thay đổi quá chóng vánh, đầu vụ nền nhiệt có lúc giảm sâu bất thường, về sau lại tăng cao đến không ngờ, hạn mặn cũng nghiêm trọng hơn trước. Rõ ràng biến đổi khí hậu đang đặt ra cho ngành nông nghiệp những vấn đề hóc búa trong quá trình sản xuất.

Với thực tế này nếu chỉ đạo cho xong nhiệm vụ thì vô cùng gian nan, ngược lại đòi hỏi phải sát từng ngày, từng tuần, từng chiến tuyến. Đó là điều mà chúng tôi thực sự tâm đắc tại vụ Xuân năm nay”.

Duy trì được mối liên kết chặt chẽ xuyên suốt từ trên xuống dưới là yếu tố tiên quyết đẩy lùi khó khăn, thách thức, qua đó hướng đến một mùa vụ thắng lợi toàn diện.

Để ghi nhận nỗ lực đã đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã Quyết định tặng bằng khen cho 6 tập thể, 7 cá nhân trong ngành có thành tích xuất sắc trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Ảnh: Việt Khánh.

Để ghi nhận nỗ lực đã đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã Quyết định tặng bằng khen cho 6 tập thể, 7 cá nhân trong ngành có thành tích xuất sắc trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Ảnh: Việt Khánh.

Qua thống kế, tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân phía Bắc năm 2019 - 2020 ước đạt 1.100.000 ha, giảm khoảng 16.000 ha so với vụ cùng kỳ. Quy mô giảm nhưng năng suất trung bình tăng, ước đạt trên 63 tạ/ha (tăng 0,3 tạ/ha).

Ngoại trừ vùng Bắc Trung Bộ hao hụt chút ít do một số diện tích bị ngập úng, đổ ngã từ tác động của đợt mưa lớn vào ngày 12/4 – 13/4, các tỉnh vùng ĐBSH lại cho thấy sự nhảy vọt với mức 66 tạ/ha (tăng 0,6 tạ/ha), chưa kể các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc cũng đạt trên 58 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha).

Kết luận hội nghị, Thứ tưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh biểu dương sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các đơn vị chuyên ngành, của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp và số đông nhân dân. Thứ trưởng khẳng định, việc hình thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các bên là yếu tố tiên quyết dẫn đến thắng lợi.

“Trong thời gian tới phải tăng cường công tác điều tra, tập trung dự tính dự báo chính xác, kịp thời để có phương án phù hợp hướng dẫn, chỉ đạo nông dân ứng phó với thời tiết và sâu bệnh gây hại. Tùy thuộc vào diễn biến thực tế, phải chủ động máy móc, phương tiện, nhận lực để thu hoạch nhanh, gọn lúa xuân đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Triển khai đến đâu làm đất đến đó để kịp gieo cấy lúa Hè Thu, Mùa theo phương án đã xây dựng, đồng thời tạo quỹ đất cho sản xuất vụ Đông”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Qua công tác dự báo, cuối vụ Đông Xuân 2019 - 2020 nhiều khả năng rầy lứa 3, bạc lá, đốm sọc sẽ tiếp tục gây hại trên trà lúa muộn giai đoạn chín sữa, chín sáp tại các tỉnh phía Bắc vùng Khu 4, đặc biệt là 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Tại vùng ĐBSH và Trung du miền núi phía Bắc, đạo ôn cổ bông nhiều khả năng phát sinh gây hại trên giống nhiễm giai đoạn lúa trỗ, chắc xanh, nhất là những diện tích đã bị đạo ôn lá gây hại nặng trước đó.

Ngoài ra, bà con nông dân cũng phải lưu ý đến các loại sâu bệnh đặc thù khác, như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất