| Hotline: 0983.970.780

Đốt ngải để chữa bệnh hộp sọ bỗng dưng 'giãn nở'

Thứ Tư 04/11/2020 , 14:18 (GMT+7)

Mồi ngải bốc khói nghi ngút như điếu thuốc lá được thầy lang dí lên các vị trí huyệt đạo trên đầu đứa trẻ trong khi nó khóc ngằn ngặt vì sợ hãi…

Những vị trí huyệt đạo cơ thể con người trong sách của ông Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những vị trí huyệt đạo cơ thể con người trong sách của ông Phương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phương thức kỳ bí

Trong lúc thao tác, một tay của thầy lang che lấy phần yết hầu của đứa trẻ bởi nếu sơ sảy để mồi ngải chạm vào thì 24 giờ sau nó sẽ bị câm nếu không được hóa giải.

Theo quan niệm dân gian bệnh hộp sọ bỗng dưng “giãn nở” hay còn gọi là “mở khóa đầu” do hộp sọ có 6 mảnh xương ghép lại bằng các rãnh răng cưa, bình thường liền khít nhưng khi bị bệnh như một cái “phéc mơ tuya” sẽ mở ra.

Bệnh ghi nhận ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng nhưng mật độ dày đặc nhất phải nói đến các xã ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Vợ chồng anh Dương Văn Sáu ở xóm Tân Thành xã Tân Mộc (Lục Ngạn, Bắc Giang) có hai con trai đều bị bệnh “mở khóa đầu” lúc sơ sinh nhưng với hai biểu hiện khác nhau. Một đứa khóc triền miên, một đứa ngủ li bì mồm miệng đầy dớt dãi nhưng sau khi đốt ngải 3 lần thì đã khỏi hẳn. Người đốt không phải ai xa lạ chính là bố đẻ và bố vợ của anh Sáu.

Lúc đầu đốt ở các huyệt đạo bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc đầu đốt ở các huyệt đạo bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ anh bảo: “Trẻ con trong khoảng 1 tháng mới sinh rất hay bị nhưng cũng có người lớn, thậm chí già 80 tuổi bị. Có hai loại mở khóa là mở dọc và mở hình chân trâu với một vệt ngang cuối cùng. Nếu không chữa sớm để khóa mở sâu là rất nguy hiểm".

Lúc tôi đến thì con trai đầu của anh chị là Dương Văn Hòa năm nay 21 tuổi đã là người nuôi ong lấy thịt nổi tiếng khắp vùng với 200 tổ còn thằng em thì đang học cấp ba rất khỏe mạnh. Ăn xong bát cháo nhộng ong tôi cùng ông Phan Thế Phương - bố vợ của anh Sáu thủng thẳng chuyện trò.

Ngải chính là cây ngải cứu, được lấy vào một thời điểm duy nhất trong năm là ngày 5/5 âm lịch, khi cắt phải theo hướng mặt trời. Trước đó, ngày 4/5 người ta phải đi dẫm cho đám ngải rạp xuống đất để nó thấm hết tinh túy của đất thì mới hiệu nghiệm.

Ngải lấy về rồi bện thành hình con chó, con mèo treo trong nhà đến tháng 8 âm lịch năm sau mới tuốt ra, vò nát, lấy những sợi mịn: “Đầu người có nhiều huyệt nên phải đốt ở nhiều vị trí theo nguyên tắc trai đốt trái, gái đốt phải, đến đỉnh thì đốt để xả hết khí nóng bên trong ra”.  

Cuối cùng đốt ở huyệt đạo trên đỉnh đầu cho xả khí nóng hết ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuối cùng đốt ở huyệt đạo trên đỉnh đầu cho xả khí nóng hết ra. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 1994 ông Phương từng bị viêm não Nhật Bản, đi bệnh viện Chũ nằm 11 hôm, sốt co giật, mồ hôi túa ra mỗi đêm phải thay hai bộ quần áo.

Thấy ông chết nửa người từ bụng trở đi, không đi vệ sinh nặng, nhẹ được gia đình mới xin cho về để tự chữa. Hai quả mông của ông lúc đó bên ngoài đã bắt đầu bị hoại tử từng mảng phải lấy dao lam lọc ra từng chút thịt, da thối rồi rửa lá, rắc thuốc. Kiên trì từ tháng 5 đến tháng 10 ông mới tập tễnh tập đi lại được thế mà giờ đây trông hệt như bình thường.

Ông thống kê mình từng cứu được 20 - 30 người bị rắn độc cắn nhờ vào bài thuốc Nam gia truyền. Riêng bài đốt ngải thì từ đời cụ, ông, bố truyền lại cho giờ đến con, cháu nhưng chúng chỉ biết đi lấy thuốc thôi chứ chưa được thực hành vì ông vẫn còn khỏe.

“Mát tay đốt ngải người đầu tiên mà khỏi thì cả đời thành công, không khỏi là cả đời thất bại. Ngoài đốt ngải để chữa mở khóa đầu tôi còn đốt để chữa đau bụng, hen suyễn, lồng ruột, sa đì… nhưng với phụ nữ tuyệt đối phải tránh chạm vào huyệt ở đốt xương sống cuối cùng kẻo bị vô sinh”.

Ông Phương chỉ các vị trí huyệt đạo trên đầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phương chỉ các vị trí huyệt đạo trên đầu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thông gia với ông là thầy lang Dương Nhét Bồ 78 tuổi, đã bị tai biến vài năm nay. Vợ chồng ông sinh được 5 người con trai, 3 người con gái nhưng buồn một nỗi nghề thuốc gia truyền không ai muốn học: “Ngải dùng để cứu người chứ không được hại người nên tôi không bao giờ đốt cho người ta dừng đẻ cả”.    

Có rất nhiều bài thuốc chữa mở khóa đầu, người đắp lá cây, người đốt ngải. Anh Phan Văn Trường ở xã Tân Mộc nhiều lần đã mời thầy đốt ngải cho các con bảo triệu chứng điển hình là trẻ khóc quấy, ngủ li bì, sờ đầu thấy có rãnh, vạch áo thấy đầu ti cứng, nặn có dịch trắng như sữa chảy ra.

Vợ chồng ông Bồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng ông Bồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người mỗi năm đốt ngải cho 50 - 70 ca

Cách mà ông Lại Đức Phí ở cùng xã Tân Mộc đốt ngải chữa bệnh hộp sọ bỗng dưng “giãn nở” lại có nhiều điểm khác với ông Phương, ông Bồ.

Học nghề do bà ngoại truyền ròng rã từ năm 13 tuổi đến năm 28 tuổi thì ông mới bắt đầu thử, người đầu tiên lại chính là con trai Lại Văn Sáng. Sau khi đốt ngải chữa được vài ca thành công thì dần đông người tìm đến.

Ngải ông lấy chẳng phải đợi đến ngày 5/5 âm mà có thể nhiều thời điểm trong năm nhưng phải chọn ngày phúc sinh mà tránh ngày tử. Trong ví của ông luôn có một nhúm ngải để khi cảm đốt tự cứu mình, chảy máu thì đắp cầm. Bệnh nhân của ông đứa mới lọt lòng, đứa vài ba tháng, đứa một hai tuổi nhưng hay bị nhất là trong tháng đầu tiên và không ai phải đốt ngải đến hai lần.

Mồi ngải để đốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mồi ngải để đốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi ca như thế nếu ở gần ông lấy 20.000 - 30.000 đồng còn phải đi xa thì 50.000 - 100.000 đồng. Ngoài mở khóa đầu ông còn đốt chữa đau đầu, đau bụng, đau xương, cảm hay thậm chí nam nữ… phạm phòng.

Hồi trẻ mỗi năm ông đốt cho 15-20 ca, giờ 50-70 ca, và chỉ chịu bó tay với những trường hợp đã quá nặng, đi vệ sinh ra phân đen xì: “Trước đây chỉ có mấy xã quanh trường bắn như Biên Sơn, Tân Sơn dân hay bị mở khóa đầu giờ thì khắp nơi đều thấy”.

Vợ ông, bà Dũng Thị Bẩy cũng có thể chữa. Trong một lần đi xe khách từ Bắc Giang về thấy mấy người khóc rấm rứt bên cạnh một đứa bé bị bệnh viện trả về, bà lại gần xem mới hay nó bị mở khóa đầu.

Bảo tài xế dừng xe lại, bà nói với người nhà đứa bé rằng: “Tôi sẽ đốt ngải, mang hết khả năng ra để chữa cho nó, nếu không được cũng xin đừng trách”. Như “chết đuối vớ phải cọc”, gia đình nọ đồng ý ngay. Sau 15 phút đốt, đứa bé lại bú mẹ như thường.  

Ông Phí bên đứa cháu nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phí bên đứa cháu nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi bà mất vì bạo bệnh, nhiều người trách sao không cho biết để đến thắp một nén hương ông Phí đành phải phân trần rằng làm sao có thể nhớ xuể số bệnh nhân khi có những gia đình tới 3 đời đều qua tay mình?

Tôi hỏi bác sĩ Đỗ Văn Sinh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, cứu ngải có tác dụng không? Ông trả lời: Trong đông y người ta châm cứu, bấm huyệt, cứu ngải để tác động vào thần kinh nên có tác dụng chữa bệnh, khi khỏi mà không biết là do bệnh gì nên cứ cho là mở khóa đầu.

Quê ở Lục Ngạn, tôi thấy khái niệm này đã quá quen thuộc dù trong y học không hề có. Với những đứa trẻ bỏ bú, quấy khóc hay ngủ li bì theo dân gian thì bảo đó là biểu hiện mở khóa đầu còn theo y học hiện đại là do sinh lý.

Cán bộ y tế sờ kiểm tra thóp nếu lõm xuống là bình thường còn phồng lên là có hiện tượng tăng áp lực nội sọ nhưng chỉ tăng trong tổ chức não thôi. Trẻ sơ sinh có hai cái thóp trước và sau, khi đã liền thóp, sọ cứng rồi không có kẽ hở gì để có thể mở ra được.

Bác sĩ Đỗ Văn Hoàn-Phó Khoa nhi của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bác sĩ Đỗ Văn Hoàn-Phó Khoa nhi của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn bác sĩ Đỗ Văn Hoàn - Phó Khoa nhi của Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn thì lại bảo: Tôi không bao giờ tin có bệnh mở khóa đầu nhưng trên này đồng bào dân tộc chiếm khoảng 60% dân số nên vẫn còn truyền miệng nhau về chuyện đó.

Một số cháu nằm trên khoa, thấy bú kém bố mẹ đem lén đi đốt ngải còn bỏng cả mặt mũi. Có trường hợp mời thầy đến đây mà chẳng nói với cán bộ, đốt ngải cả trong phòng thở ô xi, gây ra cháy may mà phát hiện sớm nên không lan to.

Có trường hợp đẻ non hay xuất huyết não, bỏ bú, quấy khóc, gia đình cứ tưởng mở khóa đầu đi cứu ngải để đến viện muộn, rất đáng tiếc. Bác sĩ giải thích nhiều khi họ cũng không tin, không yên tâm nên cứ đốt ngải như một cách để chữa tâm bệnh.

"Nhiều người còn đi học cứu ngải, dán cả quảng cáo ngoài tường bao bệnh viện, thỉnh thoảng phải đi bóc. Bởi thế cứ xuống các trạm y tế chúng tôi phải tuyên truyền không nên chữa bằng cứu ngải nhưng không thể cấm được vì chưa có văn bản nào quy định, vì không đủ thẩm quyền".

Bác sĩ Đỗ Văn Hoàn

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.