| Hotline: 0983.970.780

Đột phá lớn nhất là đổi mới tư duy

Thứ Ba 01/11/2011 , 12:06 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với Bộ NN-PTNT nhằm đánh giá tình hình nông nghiệp – nông thôn giai đoạn 2005 - 2011 và phương hướng giai đoạn 2011 – 2015 cũng như chiến lược của ngành tới năm 2020, được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.  

Đánh giá về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét, 5 năm qua là giai đoạn mà ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái được những thành công rực rỡ. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,35 %/năm (vượt so với chỉ tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ X đề ra là từ 3 đến 3,2%/năm), trong đó giá trị SX tăng bình quân 5,5%/năm (so với kế hoạch Đại hội X đề ra là 4,5%/năm). Việc giảm tỉ trọng SX nông nghiệp trong GDP nhưng tăng về giá trị SX và chất lượng sản phẩm đã đạt yêu cầu.  

Cụ thể, sản lượng lúa đến nay đã tăng 4,1 triệu tấn so với năm 2005, tính chung tổng sản lượng cây có hạt tăng 5 triệu tấn so với năm 2005. Giá trị sản phẩm trồng trọt đã tăng từ 19,5 triệu đồng/hecta năm 2005 lên 54,6 triệu đồng/hecta năm 2010. Cũng trong 5 năm qua, cây công nghiệp lâu năm đã được phát triển tăng cả về diện tích và sản lượng, cụ thể cà phê tăng 46,9%, cao su tăng 59,7%, chè tăng 44,5% và điều tăng 20,8%.. so với năm 2005.  

Ngành chăn nuôi trong 5 năm qua cũng duy trì được mức tăng trưởng bình quân 7%/năm, đến nay đã chiếm 21,6% tổng giá trị SX nông nghiệp - đạt được mục tiêu chuyển dịch trong ngành nông nghiệp và bước đầu đã hình thành được các vùng chăn nuôi lớn, chăn nuôi trang trại và chăn nuôi công nghiệp tập trung.  

Thủy sản là ngành có tốc độ tăng trưởng khá với 8%/năm. Đến năm 2010, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,1 triệu tấn - tăng 1,66 triệu tấn so với năm 2005. Đặc biệt, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản đến nay đã chiếm tới 24,5% tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến (so với mức 20% năm 2005). Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp trong giai đoạn 2005 – 2010 cũng đã thành công lớn khi đã hạ được tỉ lệ lao động trong nông nghiệp xuống chỉ còn 48,7% (so với chỉ tiêu tới năm 2010 là 50%)…

Phó Thủ tướng cho rằng, những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được như trên là điều đáng ngợi khen. Hơn thế, phấn khởi và thành công lớn nhất trong giai đoạn qua, đó là ngành NN-PTNT đã tạo được bước đột phá lớn trong việc đổi mới được tư duy, từ cán bộ quản lí nhà nước xuống các địa phương và tới nông dân. Đó là tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa và khẳng định nông dân hoàn toàn làm giàu được dựa vào hơn 10 triệu hecta đất của cả nước.  

Nhờ điều này, mà phong trào thu hút nông dân làm giàu, lôi kéo DN đầu tư vào nông nghiệp đã phát triển mạnh. “Trong giai đoạn trước đây, chúng ta cũng đã rất mong sự thay đổi này, nhưng chưa làm được. Sự thay đổi tư duy đã kéo theo sự vào cuộc của các cơ quan TƯ đến địa phương, với các chính sách, giải pháp, các cơ cơ chế để đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi đó” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cần “cú hích” chất lượng

 Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đã thẳng thắn chỉ ra, ngành nông nghiệp đến nay đã bộc lộ những yếu kém lớn, đặc biệt là năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn rất thấp so với các nước trên thế giới.  

Một trong những nguyên nhân lớn đó là hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản còn rất nhỏ bé và yếu kém khiến chất lượng nông sản thấp, nhất là rau quả và sản phẩm chăn nuôi. Phần lớn nông sản đều XK ở dạng sơ chế, chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng rất thấp nên chỉ số cạnh tranh đa số các mặt hàng đang ở mức dưới trung bình của thế giới. Ví dụ như chỉ số cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi hiện chỉ có 40; rau quả 47; cà phê 43; chè 47…

Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn chứng: Hiện nay có tới 60-70% lượng thủy sản của ĐBSCL do không có các vùng công nghiệp chế biến phụ trợ nên phải chuyển lên tận TP.HCM để XK. Nhưng XK cũng hầu hết là XK thông qua các nhà NK ở nước ngoài, chứ Việt Nam chưa tiếp cận được trực tiếp với các nhà tiêu thụ ở các nước. 

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng nêu thực trạng, tỉ lệ cà phê nhân được chế biến hiện nay của nước ta mới chỉ đạt 20%, và cà phê hòa tan là 1%. Trong khi đó, chỉ có một NM chế biến cà phê ở Biên Hòa có công suất 3.000 tấn/năm, nhưng lợi nhuận thu được tới 100 – 200 tỉ đồng/năm, và SX tới đâu bán hết tới đó. Điều này cho thấy nông dân chỉ đang được hưởng một phần rất nhỏ, có thể chỉ 20 – 30% giá trị của hạt cà phê mà họ làm ra. Theo Thứ trưởng Tần, Việt Nam chỉ cần đầu tư để chế biến khoảng 10% sản lượng cà phê trong nước thôi, thì lợi nhuận cũng đã vô cùng lớn…

Một số yếu kém nữa của ngành nông nghiệp cũng được chỉ ra, đó là ngành thủy sản hiện nay có tiềm năng rất lớn, nhưng từ năm 2008 đến nay, đã bắt đầu giảm tỉ trọng trong tổng giá trị SX nông nghiệp, năm 2010 chỉ còn 21%. Nguyên nhân, đó là việc đầu tư thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản đang bị bỏ trống.  

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu thực trạng, thủy lợi phục vụ thủy sản yếu kém là nguyên nhân khiến thủy sản thâm canh ở ĐBSCL hiện mới chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng diện tích, và còn khoảng 260 nghìn hecta mặt nước ở khu vực Bán đảo Cà Mau chưa được “khai quật” về tiềm năng. Trong khi đó về năng lực đánh bắt, có tới 100% tàu cá của ngư dân hiện nay là tàu gỗ công suất bé, trong đó 70 – 80% số tàu là máy cũ, hậu cần nghề cá và bảo quản sau thu hoạch cũng hết sức yếu kém.

Về chăn nuôi, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần lo ngại, ngành chăn nuôi nước ta tăng trưởng mạnh trong những năm qua một phần lớn là nhờ các DN chăn nuôi nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam. Và các DN này đang thu lợi rất lớn trên chính nguồn lực của nông dân nước ta. Trong khi đó, các DN chăn nuôi trong nước thì đang phải co lại về quy mô, hoặc phải liên kết với nhau để tồn tại vì không thể đứng một mình. Trong hoàn cảnh này, hơn 8 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của nước ta là đối tượng dễ bị tổn thương nhất đang đứng trước vô vàn khó khăn. 

Cần chính sách cho chế biến, tiêu thụ nông sản  

Vạch hướng đi cho vấn đề thủy lợi phục vụ cho thủy sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần phải có một quy hoạch sẵn cho thủy lợi để kêu gọi đầu tư, bởi đặc thù thủy sản không giống cây lúa. Theo đó, các DN muốn đầu tư nuôi thủy sản thì phải đầu tư cho thủy lợi theo hình thức góp vốn. Căn cứ vào mức lợi nhuận mà nhà nước quy định DN phải góp vốn bao nhiêu, còn lại nhà nước và địa phương sẽ hỗ trợ thêm?  

Về nguy cơ chăn nuôi nông hộ trước sự cạnh tranh của các tập đoàn và DN chăn nuôi lớn, Phó Thủ tướng cho rằng, Luật Cạnh tranh hiện nay cho phép việc kiểm soát quy mô chăn nuôi. Vì thế, chúng ta có thể quy định quy mô chăn nuôi lớn tới mức nào. “Tương tự như ngành điện, một Cty phát điện trên thị trường cạnh tranh hiện nay không được có công suất quá 20% tổng hệ thống. Chăn nuôi có thể cũng sẽ phải như vậy, nếu không thì sẽ giết chết người nuôi nông hộ” – Phó Thủ tướng nói. 

Trước những khó khăn và hạn chế của ngành nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, những nội dung tổng thể trong định hướng của đề án này đến năm 2020 đó là: Thúc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, xem đây là lĩnh vực mũi nhọn (đặc biệt là cá tra, tôm và nhuyễn thể); đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa; ngành trồng trọt sẽ ưu tiên phát triển rau và hoa công nghệ cao; lâm nghiệp sẽ ưu tiên phát triển kinh tế rừng.  

Việc phát triển ngành trồng trọt sẽ chú trọng dựa vào tiến bộ ngành công nghệ sinh học, và tập trung cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch nhằm tăng chất lượng và hiệu quả.  Theo hướng này, cơ cấu đầu tư vốn cho ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung cho các lĩnh vực được xác định như trên.  

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024.