| Hotline: 0983.970.780

Đột phá nuôi tôm

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:30 (GMT+7)

Anh Đinh Vũ Hải được nhiều người biết đến bởi sự sáng tạo ngoạn mục, đột phá của anh với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Anh Đinh Vũ Hải (39 tuổi), ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi sự sáng tạo ngoạn mục, đột phá của anh với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Vốn xuất thân từ gia đình nông dân có truyền thống nuôi trồng thủy sản, anh Hải đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đặc biệt trực tiếp tham quan mô hình nuôi tôm trong nhà kính ở một số nước như Trung Quốc, Thái Lan...

Qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, anh Hải cùng gia đình đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính tại Bạc Liêu. Đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.


Niềm vui của anh Hải khi thành công với mô hình nuôi tôm hiện đại

Duyên nợ với con tôm

Một ngày trung tuần tháng 8/2013, chúng tôi ngược về vùng đất ven biển của tỉnh Bạc Liêu, nơi đang hình thành mô hình nuôi tôm kiểu mới mang lại hiệu quả kinh tế cao của Cty TNHH MTV Hải Nguyên.

Trên đường từ trung tâm TP Bạc Liêu vào xã Vĩnh Trạch Đông nhìn thấy hai bên đường dẫn vào xã là hình ảnh của những đầm tôm hoang tàn của người dân bị bỏ phế. Anh bạn đi cùng tôi thắc mắc rằng tại sao ở một vùng đất còn quá nhiều khó khăn như thế này mà lại hình thành nên được một mô hình làm ăn mang tính chất tầm cỡ như thế.

Trước câu hỏi của anh bạn, tôi cũng không biết trả lời ra sao vì ngay cả bản thân tôi cũng đang nôn nóng muốn nhanh chóng gặp được anh Đinh Vũ Hải, người nông dân đầu tiên ở nước ta thành công với mô hình này để giải tỏa những khúc mắc của mình.

Do có hẹn từ trước nên chúng tôi không phải mất quá nhiều thời gian ở khâu xem xét thủ tục của bảo vệ của Cty. Tiếp chúng tôi, anh Hải cười hiền kể lại những khó khăn và thử thách của mình trên con đường “chinh phục” con tôm.

“Mình vốn xuất thân trong một gia đình nông dân ở tỉnh Phú Yên. Hồi ấy gia đình mình cũng như hàng trăm gia đình khác sống chủ yếu nhờ vào nghề nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Tuy nhiên, những năm 1990 trở về trước, ngành nuôi trồng thủy sản trên cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng chưa phát triển mạnh.

Gia đình mình nuôi tôm chỉ dựa vào kinh nghiệm nên tìm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Có lẽ là con nhà nòi nên từ nhỏ mình đã nuôi ý định bằng mọi giá phải đưa gia đình mình đi lên từ nghề nuôi tôm, cũng như giúp cho người dân có thể làm giàu từ con tôm. Do đó khi học xong cấp 3, mình đã quyết định thi vào Trường ĐH Nha Trang để biến ước mơ của mình thành hiện thực”, anh Hải cười tươi tâm sự.

Với bầu nhiệt huyết của cậu học trò Đinh Vũ Hải ngày ấy, vào năm 1995 anh Hải thi đậu vào ĐH Nha Trang và tốt nghiệp đại học năm 2000. Ngay từ khi còn là chàng sinh viên Đinh Vũ Hải đã có nhiều tìm tòi, nghiên cứu kiến thức trong lĩnh vực thủy sản trên sách vở, nhằm giúp gia đình và người dân quê mình áp dụng tiến bộ KH-KT vào nghề nuôi tôm truyền thống mang lại hiệu quả năm sau cao hơn năm trước.

Chia sẻ với chúng tôi về thành công đáng nhớ lúc còn là sinh viên, anh Hải nói: “Mình không sao quên được ngày mình bảo vệ thành công đề tài luận văn tốt nghiệp. Năm đó mình chọn đề tài “Nghiên cứu SX giống cá chẽm” và đạt điểm cao nhất vì được áp dụng SX thành công đầu tiên ở Việt Nam lúc bấy giờ”.

Tuy được trang bị nhiều kiến thức trên ghế nhà trường, nhưng đó chỉ là mặt lý thuyết. Lúc ra trường, anh Hải quyết định đầu quân cho một Cty chuyên về lĩnh vực thủy sản của Thái Lan. Hành trang bước vào con đường chinh phục con tôm của anh kỹ sư mới ra trường khi ấy chỉ là một ba lô đựng vài bộ quần áo và cả một bầu nhiệt huyết muốn giúp nông dân đổi đời từ con tôm.

Sao anh lại chọn miền Tây là điềm dừng để chinh phục con tôm? Anh Hải cho biết: “Sau khi về công tác, năm 2001 mình được Cty giao nhiệm vụ phải chuyển giao KH-KT cho các DN, cá nhân nuôi tôm ở một số tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…Nhớ lại lúc mới đặt chân đến vùng đất miền Tây, mình bỡ ngỡ vô cùng.

Đường xá, rồi đến các nhu cầu cần thiết khác phục vụ cho cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn. Nhưng mình đã cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo mình, miền Tây là vùng đất mới có nhiều tiềm năng, con người lại hòa đồng cởi mở, mến khách. Chính vì thế năm 2002, mình xin nghỉ việc ở Cty ra làm ăn riêng và quyết định đưa gia đình vào đây phát triển nghề nuôi tôm cho đến bây giờ”.

Quả đúng như câu nói của người xưa, không nơi đâu đất phụ lòng người. Bằng ý chí và quyết tâm của mình, anh Hải đã vượt qua được những khó khăn ban đầu khi vào Sóc Trăng thuê 1,6 ha đất nuôi tôm. Với những kiến thức có được, cộng với việc đúc kết kinh nghiệm trên thực tế anh Hải đã nuôi thành công và hướng dẫn, giúp đỡ cho nhiều người dân ở Sóc Trăng trúng đậm sau các vụ tôm.

Từ những thành công bước đầu, vào năm 2007 kỹ sư Đinh Vũ Hải quyết định về vùng đất khó ở xã Vĩnh Trạch Đông để phát triển mạnh nghề nuôi tôm. Ban đầu chỉ là vài ha đất, tính đến nay anh Hải và gia đình đã phát triển nghề nuôi tôm trên diện tích khoảng 60 ha ở xã ven biển này.

Hướng đi mới

Chia sẻ với chúng tôi về bước đi mang tính đột phá của mình khi bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư vào mô hình SX nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Anh Hải kể: “Khoảng năm 2011, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến rất phức tạp, khiến tôm nuôi (thẻ chân trắng) bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tại Cty của gia đình mình cũng bị thiệt hại khoảng 90%. Từ đó trong đầu mình lại nảy sinh ra ý tưởng phải làm như thế nào để khắc phục tình trạng này.

Sau khi Ban GĐ Cty thống nhất ý tưởng tìm hướng đi mới trong việc SX tôm khống chế dịch bệnh, mình đã trực tiếp đến các nước như Trung Quốc, Thái Lan học hỏi cách làm của họ. Đến tháng 9/2011, Cty Hải Nguyên của gia đình mình quyết định xây dựng khu công nghệ cao siêu thâm canh nuôi tôm trong nhà kính. Với mục đích phục vu cho việc nghiên cứu dịch bệnh trên tôm”.

Đầu năm 2012, anh Hải và gia đình bắt đầu đưa vào SX mô hình nuôi tôm kiểu mới. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, tôm cho thu hoạch đầy bất ngờ. Mật độ thu hoạch 360 con/m2, sau 72 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng 42 con/kg, năng suất đạt 87 tấn/ha/vụ.


Thu hoạch tôm đạt 87 tấn/ha

Đặc biệt anh Hải SX theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học. Do đó, sản phẩm làm ra là tôm sạch, giá bán cao hơn từ 3.000 - 4.000 đ/kg so với người nuôi tôm thông thường.

Hải cho biết, anh và gia đình đang tiến hành xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính, với diện tích khoảng 20 ha. Năng suất nuôi tôm thương phẩm sẽ đạt từ 150 - 200 tấn/ha/năm, ước lãi đạt 6 - 7 tỷ đồng/ha/mặt nước nuôi trong nhà kính.

Hỏi về những ưu điểm mà mô hình nuôi tôm mang lại, anh cho biết: Với mô hình này, hiện tại chưa phát hiện dịch bệnh ở tôm trong hệ thống nhà nuôi. So với các ao nuôi đối chứng bên ngoài (mật độ 40 - 120 con/m2), trong nhà kính nuôi với mật độ 200 - 300 con/m2 với cùng một đàn tôm giống và cùng một quy trình xử lý như nhau thì tôm nuôi trong nhà kính không xảy ra dịch bệnh.

Trong khi đó năng suất mang lại rất cao (87 tấn/ha/vụ), thời gian nuôi ngắn hơn so với cách nuôi thông thường (tôm nuôi 65 ngày tuổi đạt 50 con/kg; 80 ngày tuổi đạt 40 con/kg và 105 ngày tuổi đạt từ 30 - 33 con/kg).

Mặt khác, với mô hình nuôi tôm trong nhà kính có thể SX quanh năm, không cần tuân thủ theo lịch mùa vụ, sử dụng một lượng nước ít để nuôi (không thay nước), sử dụng quỹ đất ít, tối ưu việc sử dụng sinh khối tôm/khối lượng nước.


Anh Hải kiểm tra tôm

Nói về mặt hạn chế của mô hình này, anh Hải khẳng định chi phí đầu tư rất cao, cần khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư cho 1 ha nuôi, gồm xây nhà bao phủ các vuông tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ô xy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn...

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi của mình, anh Hải cho biết, do tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ôxy đáy phải hoạt động liên tục 24/24 giờ, định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và hằng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, môi trường nước kịp thời.

Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi định kỳ 3 - 4 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao, làm sạch môi trường nuôi tạo ra sản phẩm nuôi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Đây là mô hình nuôi tôm đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương trực tiếp tham quan mới đây. Tại buổi tham quan, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của anh Hải, đồng thời chỉ đạo địa phương quy hoạch vùng nuôi, tạo điều kiện cho người dân nhân rộng mô hình.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất