| Hotline: 0983.970.780

Đột phá quản lý giống chè ở Thái Nguyên

Thứ Hai 07/08/2017 , 08:33 (GMT+7)

Trong khi dư luận đang lo lắng về tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát lĩnh vực vật tư nông nghiệp thì tại Thái Nguyên, cách thức sản xuất, cung ứng giống cây chè đáng được coi là điển hình trong quản lý chất lượng giống cây trồng.

Chè Thái Nguyên từ vị trí là cây trồng xóa đói giảm nghèo đã trở thành cây công nghiệp mũi nhọn, cây làm giàu. Kết quả trên bắt nguồn từ chủ trương chuyển đổi sản xuất, nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước và sự tự nguyện của người làm chè trong suốt gần 2 thập kỷ qua.

08-41-50_4
Bước đột phá của chè Thái Nguyên bắt nguồn từ việc quản lý tốt chất lượng giống

Sự chuyển đổi đầu tiên, xuyên suốt và nòng cốt là thay đổi bộ giống. Không thể phủ nhận được thương hiệu đã "đóng số" của trà Trung du lá nhỏ tại Thái Nguyên. Vào những năm đầu của thế kỷ 21, trước đòi hỏi về việc đưa ngành chè trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc phải thay đổi cơ cấu giống chè đã trở nên bức thiết.

Năm 2001 là mốc quan trọng định vị việc bắt tay vào công cuộc thực hiện dự án phát triển chè của tỉnh. Mục đích cuối cùng là cải tạo, trồng mới, trồng thay thế những nương chè Trung du già cỗi có năng suất thấp. BQL Dự án chè của tỉnh được thành lập tổng hợp nhu cầu diện tích trồng mới, trồng thay thế chè từ các địa phương, rồi xây dựng kế hoạch triển khai đến cán bộ dự án chè từng địa bàn.
 

Chất lượng là trên hết

Bộ cơ cấu giống chè mới theo hướng chè xanh chất lượng cao được người làm chè đồng tình lựa chọn. Xác định được diện tích trồng mới, trồng thay thế hàng năm, đơn vị kiểm soát chất lượng vườn chè đầu dòng, vườn giống gốc là Chi cục Trồng trọt và BVTV có trách nhiệm kiểm định chất lượng giống để cấp chứng nhận.

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng cho biết, điều kiện để sản xuất hom chè giống là vườn chè phải có nguồn gốc, xuất xứ, đủ 5 tuổi trở lên, không bị cớm. Chè không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao; hom đẹp, bánh tẻ, không có hom cành tăng, nhỏ lẻ... Từ đó, đoàn thẩm định mới cấp chứng nhận cho chủ vườn đủ điều kiện sản xuất hom giống.

Nguồn hom chè được các chủ vườn ươm mua về giâm hom. Đến đây, một đơn vị khác được chỉ định lại tiếp tục kiểm soát chất lượng sản xuất của các vườn ươm. Ông Hà Trọng Tuấn, GĐ Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cho biết, hàng năm đơn vị thực hiện 2 đợt kiểm tra đối với các vườn ươm.

Đợt 1 vào tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch. Nội dung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ của giống, quy mô ươm và đánh giá tỷ lệ sống của hom chè giống. Đợt 2 kiểm tra trước khi nhà vườn xuất bán, thường là vào tháng 7 dương lịch.

Ngoài tiếp tục thẩm định các nội dung như đợt kiểm tra thứ nhất, đợt 2 trung tâm còn phải đánh giá các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật như chiều cao cây, số lá thật, tỷ lệ hóa gỗ, việc mở mái che để giúp hom giống thích nghi với tự nhiên, tỷ lệ xuất vườn... Sau đó trung tâm sẽ cấp giấy chứng nhận cho vườn uơm đủ điều kiện bán chè giống.

Khi vườn ươm được cấp chứng nhận thì BQL Dự án chè của tỉnh tổ chức đấu thầu để xây dựng hợp đồng cung ứng giống cho các địa phương. Việc phân bổ, cung ứng chè giống lại được hệ thống cán bộ của BQL Dự án chè từ tỉnh đến cơ sở giám sát chặt chẽ.
 

Kiểm soát bằng cơ chế

Chắc chắn là không có, càng không thể có việc bán lẫn giống kém chất lượng vào số lượng giống đã thẩm định và cho lưu hành. Ông Nông Văn Kiên, cán bộ Dự án chè tại huyện Định Hóa cho biết, dù chưa phải là vựa chè của tỉnh song hầu hết người làm chè ở Định Hóa đều nhận biết được chất lượng hom giống. Người dân có quyền không đồng ý, không nhận giống chè không đảm bảo do nhà thầu cung ứng.

08-41-50_2
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Dương Văn Lượng, GĐ doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, chuyên sản xuất, cung ứng giống cây trồng tại huyện Đồng Hỷ cho biết, các nhà vườn ngoài được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, cấp phép cũng tự biết là phải làm được chè giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng thì mới được người làm chè sử dụng.

Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng BQL Dự án chè, PGĐ Sở NNPTNT cho biết, tỉnh Thái Nguyên ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích cho cây chè, đặc biệt là việc trợ giá giống chè cho diện tích trồng mới và trồng lại chè có năng suất cao, chất lượng tốt, mức trợ giá từ 30 - 100%.

Chính từ nguồn ngân sách này mà tỉnh đã chỉ định được các đơn vị kiểm tra tiêu chuẩn, thẩm định và cấp phép cho sản xuất, cung ứng giống chè. Những nhà vườn không tham gia vào quy trình trên thì không thể có nguồn hom giống gốc để sản xuất, nếu có thì cũng rất khó để bán giống vì quy mô diện tích đã được thống kê, khoanh vùng và có kế hoạch cụ thể cho từng xóm, từng xã.

Việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống chè đã mang lại sự nhảy vọt cả về chất và lượng cho chè Thái Nguyên. Nếu như năm 1997, mới có 10.952ha chè, năng suất bình quân đạt 31,48 tạ/ha thì đến năm 2009, diện tích là 17.309ha, năng suất đạt 98,96 tạ/ha. Tức sau hơn 10 năm, dù diện tích chưa tăng gấp đôi nhưng sản lượng chè đã tăng gấp 4 lần.

Đến năm 2011, Thái Nguyên có gần 18.200ha chè, năng suất đạt gần 109 tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 181.000 tấn (gấp hơn 7 lần so với năm 1997).

Năm 2011, diện tích chè Trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7%. Đến năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%. Mục tiêu đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè Trung du chỉ còn 20% ; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để sản xuất chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...

 

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất