| Hotline: 0983.970.780

Đột phá xử lí rác thải nông thôn Hà Nội

Thứ Hai 22/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Việc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đưa vào vận hành công trình xử lí rác thải nông thôn tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai được coi là bước đột phá cho khu vực ngoại thành.

Bởi thông qua mô hình này giúp mở ra hướng để xử lí 100% lượng rác sinh hoạt tại các huyện thay vì chỉ 50% như hiện nay.

Theo số liệu thống kê, khu vực 17 huyện ngoại thành của Hà Nội chiếm khoảng 55% dân số, bình quân mỗi ngày khối lượng rác thải ra tại khu vực này dao động từ 2.500 - 3.000 tấn.

Công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn hiện tỉ lệ vẫn còn rất thấp (dưới 70% do 2 khu xử lí chất thải Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn tại TX. Sơn Tây đã quá tải, chỉ tiếp nhận được rác tại các quận nội thành và một số thị xã, thị trấn), quãng đường vận chuyển xa khiến chi phí đội lên rất nhiều.

Đặc biệt, giải pháp chôn lấp rác tại chỗ tại các địa phương đang gây lãng phí quỹ đất và nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước mặt và nước ngầm.

Ông Tô Thanh Tùng, Giám đốc Cty Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long, chủ đầu tư cho biết: Dự án xử lí rác thải nông thôn huyện Thanh Oai có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 khánh thành ngày 18/12/2014, đơn vị đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị phân loại, xử lí, lên men cho khối lượng rác hữu cơ thành compost thô đủ tiêu chuẩn đưa ra môi trường. Giai đoạn 2 sẽ nâng cấp compost thô thành nguyên liệu xử lí phân gia súc tại các trang trại và SX phân hữu cơ chất lượng cao.

Cụ thể, rác được thu gom từ các hộ dân, bãi tập kết trên địa bàn huyện Thanh Oai về cân khối lượng trước khi đổ vào kho chứa. Tiếp theo, rác được phân loại thành 3 loại gồm rác vô cơ, hữu cơ và chất trơ (vật liệu xây dựng, đất đá…).

Công đoạn kế tiếp, rác vô cơ được chở đến nhà máy đốt tại Sơn Tây, chất trơ được đem chôn lấp hợp vệ sinh. Riêng rác hữu cơ được phun chế phẩm sinh học, sau ủ một thời gian rồi đem sàng lọc lại một lần nữa cho ra sản phẩm compost.

Vui mừng khi là huyện đầu tiên của Hà Nội có khu xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn khép kín, ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, cho hay, sau khi đưa công trình đi vào hoạt động, năng lực thu gom rác của huyện tăng từ 65 lên 95% nên gần như không còn rác phát sinh tồn đọng như trước đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, việc thu gom xử lí rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đặc biệt khi đây là một trong những tiêu chí quan trong trong xây dựng NTM.
Do đó, từ sự tiên phong đi đầu trong mô hình tại huyện Thanh Oai, Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan của TP. Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng các quy trình, định mức, đơn giá để các DN yên tâm tham gia đầu tư bằng hình thức xã hội hóa cũng như là cơ sở để các huyện tính toán, cân đối chi trả kinh phí xử lí cho DN.

Kinh phí vệ sinh môi trường giảm được 12-15% so với mô hình chôn lấp trước kia. Dự kiến, trước tết Ất Mùi, huyện Thanh Oai sẽ cùng Cty Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long tiến hành thu gom, xử lí 100% số lượng rác còn tồn đọng trên địa bàn các xã trong huyện.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đánh giá cao sự tiên phong trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào xử lí rác thải nông thôn tại Thanh Oai của Cty Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long.

Ông Khanh cho biết, TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến 2015 phải tập trung vào nghiên cứu các giải pháp nhằm thu gom được 100% rác thải sinh hoạt nội thành và 90% rác sinh hoạt nông thôn.

Để làm được việc này theo ông Khanh chúng ta phải đi trước đón đầu. Tuy nhiên, hiện trên thế giới có rất nhiều mô hình tiên tiến, hiện đại, song lại không phù hợp với Việt Nam do chi phí đầu tư quá lớn cũng như mức kinh phí phải chi trả cho mỗi tấn rác xử lí không kham nổi.

Do đó, việc Cty Nam Thăng Long có những cải tiến, chọn lọc các tiến bộ của nước ngoài để áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là hướng đi đúng đắn.

“Phân tích kỹ mô hình thu gom, xử lí rác thải nông thôn tại huyện Thanh Oai, tôi đánh giá rất cao vì nó đạt 3 yêu cầu.

Thứ nhất, bảo vệ được môi trường vì thu gom được triệt để khối lượng rác thải ra. Thứ hai, tiết giảm được chi phí ngân sách Nhà nước vì lượng rác phải vận chuyển đi giảm gần 50% so với lúc chưa phân loại. Thứ 3, hạn chế tối đa nước rác chảy ra đường trong quá trình vận chuyển cũng như ngấm xuống nơi chôn lấp vì rác đem đi xử lí chỉ là rác vô cơ.

Chính vì vậy, đây chính là điển hình về xã hội hóa rác thải nông thôn cần được các đơn vị chuyên môn tuyên dương, khuyến khích nghiên cứu nhân rộng", ông Vũ Hồng Khanh cho biết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm