| Hotline: 0983.970.780

Dự án 10 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Thứ Năm 25/07/2013 , 09:48 (GMT+7)

Dự án khu nhà ở cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ xấp xỉ 11 ha, mở ra từ năm 2004, đại diện chủ đầu tư đã tự tin tuyên bố: “Dự án có sự đồng thuận của nhân dân” nhưng đến nay vẫn loay hoay việc giải phóng mặt bằng.

Dự án khu nhà ở cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ xấp xỉ 11 ha, mở ra từ năm 2004, buổi đầu gặp gỡ với dân để thông báo phương án bồi hoàn, tái định cư, đại diện chủ đầu tư đã tuyên bố: “Dự án có sự đồng thuận của nhân dân” nhưng đến nay vẫn loay hoay việc giải phóng mặt bằng.

Đồng thuận trên mây

Dự án khu nhà ở cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ không nằm trong diện phát triển kinh tế - xã hội, cũng chẳng phải Dự án phúc lợi xã hội hay an ninh quốc phòng. Nhưng là một dự án được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ưu ái ra Quyết định số 1475/QĐ-UB, ngày 16/5/2003 về việc duyệt qui hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tiếp theo ngày 5/7/2004, UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ ra thông báo số 305/TB.UB về kiểm kê tài sản và hoa màu trên diện tích qui hoạch.

Dựa vào quyết định và thông báo trên, đồng thời viện dẫn ra nhiều căn cứ, đầu năm 2005, đại diện chủ Dự án đã tổ chức buổi họp với dân tại UBND phường An Bình, thông báo phương án bồi hoàn được căn cứ theo bảng giá đất của năm 2004; theo đó, mỗi m2 đất nông nghiệp là 57.900 đồng, đất vườn 63.000 đồng, thổ cư 115.800 đồng. Còn đất tái dịnh cư tại chỗ bán lại cho dân sau khi có hạ tầng là 1,5 triệu đồng/m2.

Cũng vì cái giá “trời ơi” này nên những người dự họp đã đồng loạt đứng lên nói rằng “Với giá như vậy, ai quyết định thì chủ đầu tư cứ đến mà lấy đất. Còn muốn lấy đất của dân thì làm việc sao cho đúng luật và với Dự án này phải có thỏa thuận, chứ không thể căn cứ Quyết định này, Nghị định kia…, làm dân thất vọng”.


Khu tái định cư cho dân vẫn là đất trống, dù đã được khởi công hơn 2 năm

Cũng do giá cả, 1 m2 đất nông nghiệp không mua được 1 kg thịt ở thời điểm năm 2005, nên buổi họp phải bỏ dở và 158 hộ dân trong Dự án bất hợp tác dẫn đến việc kiểm đếm tài sản và hoa màu phải kéo dài.

Để thể hiện sự quyết tâm theo đuổi Dự án, sau khi đã có 22 hộ dân vì hoàn cảnh nghèo túng đã đồng ý nhận bồi hoàn 1,1 ha, nhưng chưa được xét hỗ trợ tạm cư và tuyên bố sẽ khiếu nại về giá, do mất đất đời sống rơi vào cảnh bếp bênh.

Vào tháng 10/2009, đại diện chủ Dự án phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều (đơn vị giải phóng mặt bằng cho chủ Dự án) tổ chức họp dân lần thứ 2 tại phường An Khánh (phường mới, tách ra từ An Bình) giao quyết định thu hồi đất và thông báo đơn giá đất mới kèm theo giá tài sản vật kiến trúc cho các hộ dân.

Theo đó, mỗi m2 đất nông nghiệp là 372.600 đồng, đất ở (thổ cư) 882.000 đồng. Tiền san lấp cát 1 m2 mặt bằng (tương đương 1,3 m3 cát lấp) được hỗ trợ 25.000 đồng. Giá này có thay đổi nhiều so với lúc ban đầu, tuy nhiên vẫn còn xa với giá thị trường, nên nhiều hộ đã khiếu nại bằng văn bản đến chủ Dự án và UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nhưng đều rơi vào quên lãng.

Dân khổ vì Dự án kéo dài

Dự án kéo dài gây lãng phí đất đai, còn làm không ít hộ dân lâm cảnh khốn khó, những hộ đã giao đất và nhà đang phải sống tạm cư lay lắt. Trước dư luận cần phải có đất giao cho dân xây dựng mới nhà ở, đầu năm 2011, chủ Dự án cho khởi công khu tái định cư tại chỗ, với qui cách nền (4x20m) 80m2, trong khi nền để bán cho cán bộ giáo viên với giá 4 triệu đồng/m2 lại có qui cách 5x20m = 100m2.

Ông Đỗ Bá Hoành, từ chỗ cuộc sống đầy đủ, vợ con trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo gà, hàng ngày đi thêm nghề thợ hồ kiếm thêm thu nhập. Tuy vất vả nhưng cuộc sống khá ổn định, nay cả gia đình phải sống cảnh tạm cư ở hẻm 51, phường Xuân Khánh, với diện tích thuê trọ tồi tàn 15 m2 cho 4 nhân khẩu.


Ông Đỗ Bá Hoành đang kiếm sống bằng việc bán bánh mì và xôi

Ông Hoành cho biết thêm: Mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng thuê chỗ ở, muốn thuê chỗ ở tốt hơn thì phải bù khoảng 1 triệu nữa, nhưng lấy đâu ra tiền để mà bù, trong khi việc kiếm sống qua ngày hiện nay cả nhà phải trông vào xe bánh mì và nồi xôi ở trước cửa Trường Trung cấp giao thông vận tải Miền Nam (QL 91B). Hỏi, bao giờ Dự án giao đất để xây nhà mới, ông Hoành lắc đầu ngao ngán, chưa ai hứa ngày nào giao nền tái định cư.

Ông Hồ Văn Rốc, vốn là lính từng tham gia chiến trường, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, hiện đang sống ở 239A/10, khu vực 3, phường An Khánh, không giấu được bực tức nói: Giá như không có Dự án, gia đình tôi đã không phải vất vả. Từ cuộc sống bình yên với gần 2.500 m2 đất trồng cây ăn trái (đất vườn), chăn nuôi heo gà và có hơn 10 phòng cho thuê trọ, thu nhập khá ổn định.


Dự án kéo dài dẫn đến nhà của và vườn tược nhà ông Hồ Văn Rốc bị bỏ hoang

Khi Dự án mở ra làm đảo lộn tất cả, vườn tược, ao cá đành bỏ hoang vì không còn nước dẫn vào để canh tác và nuôi trồng. Để duy trì cuộc sống gia đình phải đi làm thuê nơi khác kiếm thêm thu nhập, đã vậy chỗ ở lại ngập nước triền miên, dẫn đến hôi hám do dự án làm bít hết đường thoát nước.

Hỏi dự án đã thương lượng ra sao và gia đình đã quyết định giao đất hay chưa? Ông Rốc cho hay: Đâu phải tôi không muốn, mà vì chủ dự án cứ chèo kéo, nay gặp, mai gặp mà chẳng có gì tiến bộ: Đất vườn của tôi sẽ mất bởi dự án gần hết, tôi đề nghị đổi 1.000 m2 (1 công) lấy 4 cái nền tái định cư (4x80m2/nền) 320m2, tương ứng với 32% nhưng họ khăng khăng không chịu, cứ ép tôi chỉ được nhận 3 nền (240 m2).

Đã vậy, bà con trong Dự án mỗi người được thỏa thuận theo một mức giá và tỷ lệ khác nhau, có biểu hiện thiếu khách quan dẫn đến so bì. Tiếp xúc với một số hộ dân trong vùng Dự án, bà con đều có tâm tư muốn được kết thúc việc giao đất sớm, nhưng phải hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Ông Phan Thắng và bà Trần Thị Tuyết Hương, cho biết gia đình ông bà và người em có nhà ở và đất nông nghiệp 310 m2, nguyện vọng của gia đình là được xét tái định cư hoặc đổi đất ở nhưng chưa thống nhất được nên chưa thể giao nhà và đất cho Dự án.

Bà Nguyễn Thị Hải, khu vực 3, phường An Khánh, có 1.600 m2 đất nông nghiệp, cho thuê làm ao nuôi cá được đổi 4 nền (320 m2), tương ứng với 25%. Theo bà Hải, để thỏa thuận đổi lấy 4 nền cũng nhọc nhằn, phải năm, bảy lần gặp gỡ, rồi nâng lên hạ xuống mới kết thúc vào giữa năm 2012.

Một số giáo viên phổ thông có đất ở đô thị (thổ cư), cũng gặp gỡ vài lần nhưng chủ Dự án và Trung tâm phá triển quỹ đất chỉ cho đổi có 30%. Cô Phạm Thị Hồng cho biết, tôi có 100 m2 thổ cư, người chị kết nghĩa Phạm Thị Ngọc Đắc là giáo viên nghỉ hưu có trên 80 m2 thổ cư, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trường Đại học Cần Thơ, thành viên của chủ Dự án bảo 2 chị em chúng tôi đổi theo tỷ lệ 30% để lấy chung 1 nền tái định cư.

Diện tích hoán chuyển không đủ, thì bỏ tiền mua thêm với giá 4 triệu đồng/m2. Trong khi đất của số hộ đang là giáo viên có đầy đủ hạ tầng, mặt bằng được san lấp hoàn chỉnh từ trước khi có Dự án mở ra.

Ông Phạm Duy Hiếu, giáo viên Trường THCS An Hòa cho biết:

Trước ngày dự án triển khai ra dân khoảng hơn 3 tháng, nhóm giáo viên chúng tôi xin phép xây dựng, Chủ tịch UBND xã An Bình lúc bấy giờ là Huỳnh Thị Xuân Mai, khuyên Dự án sắp mở, đã là đất ở, các anh, chị cũng là giáo viên sẽ được đổi đất mới để xây nhà, có hạ tầng tốt hơn.

Bà Mai còn nhắc anh em chúng tôi: Dự án sẽ tiến hành nhanh, đừng ai xây dựng không phép trong giai đọan sắp triển khai. Nếu cố xây cũng không được bồi thường. Chấp thuận theo lời khuyên, chúng tôi những người có đất ở đô thị (thổ cư lâu dài), nhưng 10 năm nay vẫn phải ở đậu cha mẹ, người khác thuê nhà, còn đất gốc vẫn cứ bỏ hoang…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất