| Hotline: 0983.970.780

Dự án bò sữa 3.800 tỷ đồng im lìm, nông dân bất an!

Thứ Ba 08/05/2018 , 09:15 (GMT+7)

Năm 2017 dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư. Với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, dự án đương nhiên nhận được nhiều kỳ vọng lớn lao… Mọi thứ đang tiến triển hết sức thuận lợi thì phía chủ đầu tư bất ngờ… xin rút.

Ngắn chẳng tày gang

Ngày 17/5/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nói trên.

Dự án được triển khai trên địa bàn các xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và Thanh Tân (huyện Như Thanh) với diện tích 1.354ha. Bao gồm hệ thống trang trại (quy mô 20.000 con bò sữa) và NM chế biến sữa (công suất 72 tấn sữa/ngày) trên 175ha, 1.179ha còn lại trồng cỏ. Tổng kinh phí thực hiện lên đến 3.800 tỷ đồng. 

10-00-17_3
Tin dự án, nhiều hộ đã bỏ bê công việc, thu non sản phẩm chờ ngày chuyển đi

Chủ đầu tư là Cty TNHH 2TV Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (được thành lập từ việc góp vốn, công nghệ của Cty TNHH MTV Yên Mỹ và Cty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH) địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống.

Xác định đây là dự án điểm, sẽ đóng góp quan trong đến phát triển KT-XH, tạo việc làm, tăng thu ngân sách nên việc đẩy nhanh tiến độ là hết sức cấp thiết. Bởi vậy ngay sau thời điểm chấp thuận, các ban, ngành tỉnh Thanh Hóa đã rốt ráo thực hiện đầy đủ các bước theo đúng lộ trình đã vạch sẵn. Bên cạnh đó, địa phương vùng hưởng lợi dự án cũng kịp thời ban hành quyết định về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường.

Về phía chủ đầu tư - Cty TNHH 2TV ƯDCNCNN & thực phẩm sữa Yên Mỹ tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch vùng trang trại, thành lập Hội đồng bồi thường GPMB, Hội đồng tư vấn thanh lý các hợp đồng giao nhận khoán trước thời hạn cho các hộ nhận khoán đất, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bên nên tiến độ dự án triển khai khá thuận lợi. Đến tháng 10/2017, rà soát công tác kiểm kê, đo đếm cho thấy có gần 100ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân xã Công Bình và tầm 30ha của 117 hộ gia đình ở xã Thanh Tân nằm trong diện bị ảnh hưởng. Nhờ phát huy tuyên truyền nên mọi nút thắt xung quanh quá trình GPMB dần được tháo gỡ, phần đa các hộ đều thuận theo chủ trương chung.

Xác định tư tưởng ngay từ đầu nên khi nhận được thông báo dừng hoạt động sản xuất, canh tác thì các hộ lập tức bán tháo luôn cây trồng (mía, keo…), vật nuôi (trâu, bò, cá…) nhằm tích góp thêm được đồng nào hay đồng đó. Nhưng người tính không bằng trời tính, tất cả đang xuôi chèo mát mái thì bỗng nhiên chủ đầu tư “dở chứng”…
 

Một mớ bòng bong

Đến xã Công Bình những ngày này sẽ không còn thấy những đồi keo bạt ngàn xanh tốt, những cánh đồng mía trải dài hút tắp, thay vào đó những cánh đồng hoang, những quả đồi bát úp trắng hớn. Không khí ảm đạm này chính là hệ lụy từ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung.

Nếu dự án không “đứt gánh giữa đường”, với 8ha đất được đền bù vợ chồng ông Trần Thế Thảo, trú thôn Ổn Lâm 1 sẽ được nhận hơn 4 tỷ đồng. Quanh năm suốt tháng quay quắt bên ruộng đồng, trong chốc lát đứng trước cơ hội đổi đời nên tất cả thành viên trong nhà phấn chấn thấy rõ. Xuất phát từ lý do này, ngay từ tháng 10/2017 ông Thảo đã liên hệ bán sạch 3,8ha keo non, 4,5ha mía cùng cặp bò giống hí hứng chờ thời điểm chuyển đến khu tái định cư.

“Chúng tôi chờ dài cả cổ để được nhận tiền đền bù nhưng mãi chẳng thấy động tĩnh đi. Dò hỏi mãi mới biết chủ đầu tư không lấy đất nữa, như thế này khác nào đem con bỏ chợ”, ông Thảo thốt lên cay đắng.

10-00-17_1
Gia đình ông Trần Thế Thảo ngậm trái đắng

Chung cảnh ngộ là trường hợp của ông Lê Công Lâm trú cùng thôn. Nhường đất cho dự án, gia đình đã bán sạch bách những gì có trong tay, giờ thì ai nấy đều chán nản: “Có thời điểm chủ đầu tư thường xuyên cho người về đây thuyết phục nhường đất, ai ngờ sự thể lại ra nông nỗi này. Đây là một dự án lớn, liên quan đến hàng trăm hộ dân nên không thể nói dừng là xong”, ông Lâm quả quyết.

Nỗi niềm của ông Thảo, ông Lâm cũng chính là tâm tư của các hộ bị ảnh hưởng. Thực tế vì tin tưởng vào dự án, nhiều nhà đã chuẩn bị sẵn tâm lý, chủ động thanh lý tài sản trực chờ ngày chuyển đi. Nay chủ đầu tư “nuốt lời”, tâm trạng của bà con hệt như ngồi trên đống lửa.

Lo lắng tương lai không biết trôi về đâu, gia đình ông Thảo cùng một số hộ dân thôn Ôn Lâm 1, xã Công Bình đã làm đơn đề nghị gửi đến UBND yêu cầu làm rõ 2 nội dung: “Dự án có triển khai nữa không, nếu có thì khi nào sẽ thu hồi đất? Trường hợp chưa thu hồi đề nghị cấp có thẩm quyền đấu mối với NM Mía đường Nông Cống cho các hộ được tiếp tục lấy phân bón để chăm sóc mía?”.

Nhưng ông Trần Tuấn Hiệp, Phó TGĐ Cty Sữa Yên Mỹ lý giải do kinh phí đền bù quá lớn nên đơn vị không thể ứng trước tiền bồi thường, GPMB như phương án được phê duyệt (?!).

Trong khi đó việc “tác động” đến NM Mía đường Nông Cống cũng không mang lại kết quả, đơn vị này thẳng thắn quan điểm: “Khi UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, Chủ tịch HĐQT Cty CPMĐ Nông Cống đã có công văn số 243/ĐNC-HĐQT gửi tập đoàn TH - đơn vị chủ quản của Cty TNHH 2TV ƯDCNCNN & thực phẩm sữa Yên Mỹ đề nghị tiếp tục được đầu tư và bao tiêu sản phẩm mía niên vụ 2017/2018 đối với diện tích năm trong quy hoạch nhưng TH không đồng ý.

Đây là diện tích nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh, thời điểm thu hồi, đền bù và GPMB không rõ ràng… việc tổ chức sản xuất và đầu tư cho các hộ dân là trách nhiệm của đơn vị thực hiện dự án”.

Sự việc lần này cho thấy cách làm nửa vời của Cty TNHH 2TV ƯDCNCNN & thực phẩm sữa Yên Mỹ. Họ không thể dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm như thế được.

DN chơi bài… cùn

Chủ đầu tư phân bua, kinh phí GPMB tại xã Yên Mỹ và Công Bình trên 720 triệu đồng/ha, nhìn chung gấp 3 lần mức giá đối với một dự án về lĩnh vực nông nghiệp. Xét thấy số tiền trên quá cao và vượt quá khả năng, công ty đã đề nghị UBND tỉnh cho phép được thuê đất đã GPMB, không ứng trước kinh phí bồi thường, GPMB để tiếp tục triển khai, bằng không xin được thay đổi vị trí thực hiện.

Còn UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định ngân sách địa phương không đủ chi cho công tác bồi thường, GPMB các dự án đầu tư không thuộc ngân sách Nhà nước. Do đó đề nghị trên không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.