| Hotline: 0983.970.780

Dự án Đình Trám - Sen Hồ Bắc Giang huy động vốn trái pháp luật

Thứ Hai 06/01/2020 , 08:41 (GMT+7)

Dự án Đình Trám - Sen Hồ mặc dù chưa xong hạ tầng, nhưng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Lam Sơn vẫn huy động vốn trái luật.

Nhân viên tư vấn đang rao bán các khu đất chưa giải phóng xong mặt bằng. Ảnh: Gia Khánh.

Dự án Đình Trám - Sen Hồ được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 2/2013. Dự án có quy mô hơn 122ha, tổng mức đầu tư khái toán 1.283,7 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư: Vốn tự có 20% (khoảng 256 tỷ đồng), 80% còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và huy động hợp pháp khác.

Đến nay, sau gần 6 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư (tháng 2/2013), Dự án bị chậm tiến độ và hiện chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) xong. 

Mặc dù chưa đủ điều kiện để mở bán dự án theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chủ đầu tư dự án này là Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Lam Sơn đã tiến hành huy động vốn dưới hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư.

Theo nội dung của Hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa khách hàng và Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Lam Sơn (Đại diện hợp pháp là ông Ngô Văn Sơn - Tổng giám đốc) thì bên mua đồng ý tự nguyện góp vốn không tính lãi cho bên bán để xây dựng cơ sở hạ tầng khu B Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ.

Tương ứng với số tiền góp vốn đầu tư, sau khi dự án hoàn thành, bên mua sẽ nhận 1 lô đất theo quy định chung được duyệt cùng giấy tờ pháp lý theo đúng quy định cấp huyện/tỉnh tại thời điểm thực hiện hợp đồng. Cũng trong hợp đồng này ghi rõ số lô mà bên mua đăng ký kèm theo giá tiền.

Việc huy động vốn bằng hình thức nhận lô đất đã bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng không hiểu vì lý do gì, Công ty Lam Sơn vẫn ngang nhiên thực hiện.

Theo luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, tại Khoản 2 và 3 Điều 69 của Luật Nhà ở 2013 đã quy định rất rõ: “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Như vậy, nhà đầu tư, người tham gia góp vốn, không được nhận lợi nhuận bằng sản phẩm nhà ở mà chỉ có thể sử sụng phần lợi nhuận đó để mua nhà. Không thể phân chia lợi nhuận của hoạt động góp vốn bằng sản phẩm nhà được.

Dự án Đình Trám - Sen Hồ Bắc Giang bị chậm tiến độ và hiện chưa giải phóng mặt bằng. Ảnh: Gia Khánh.

Một điều đáng chú ý tại bản hợp đồng này là “Trường hợp không giải phóng mặt bằng được tại vị trí bên mua đã đăng ký, bên bán sẽ tạo điều kiện cho bên mua lựa chọn lô đất khác đã giải phóng mặt bằng chưa có người đăng ký với giá đất bằng giá được duyệt tại thời điểm”.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù huy động vốn trả bằng 1 lô đất, nhưng bản thân đơn vị huy động là Công ty Lam Sơn cũng chưa chắc chắn có lô đất đang được hứa hẹn trả cho khách. 

Ngoài ra, mặc dù dự án khu B của dự án này đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng, chưa xong việc đền bù đất cho người dân, nhưng vẫn được rao bán công khai.

Anh D., một môi giới nhà đất tại khu vực này cho biết, hiện các khách lẻ không thể mua được các lô đất trực tiếp từ chủ đầu tư, vì chủ đầu tư đã bán hết các lô đất này cho các nhà đầu tư lớn, họ phải mua cả dãy. Vì vậy, nếu mua thì phải chấp nhận mua lại và mua với giá chênh từ 100 triệu đồng/lô thường và 200 triệu đồng/lô góc.

Khi chúng tôi đề nghị được mua 1 lô đất ở vị trí hiện vẫn là ruộng (vẫn còn gốc rạ), nhân viên này khẳng định “có hàng lô này" và thậm chí đến chiều đã cho khách đến gặp anh Q. - người tự xưng là chủ những lô đất ruộng này.

Đất ruộng cũng đã được chia lô trên giấy và rao bán. Ảnh: Gia Khánh.

Dự án Đình Trám - Sen Hồ do Nhà nước thu hồi đất, tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Công ty Lam Sơn chi trả tiền bồi thường GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng. Sau khi dự án hoàn thành, nguồn thu ngân sách từ dự án sẽ khấu trừ trả lại phần Công ty Lam Sơn đã đầu tư. Số còn lại được nộp về ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay, dự án còn chưa giải phóng mặt bằng xong đã được nhiều môi giới mời chào và ngang nhiên huy động vốn bằng Hợp đồng hợp tác đầu tư. Không biết số tiền sau khi khách hàng ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Lam Sơn sẽ được chuyển đến Lam Sơn hay được nộp về ngân sách nhà nước? Và Công ty Lam Sơn khi chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng liệu có được phép đứng ra bán dự án của tỉnh hay không?

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.