| Hotline: 0983.970.780

'Dự án độc chiếm sông Hồng', nguồn thu chính là tận thu khoáng sản?

Thứ Ba 10/05/2016 , 14:13 (GMT+7)

Không chỉ cho rằng, các lợi ích kinh tế, xã hội của dự án này còn mơ hồ mà nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực thuộc chuyên ngành đã bày tỏ lo ngại đến tính khả thi cũng như hoài nghi về một mục tiêu chủ đầu tư đặt ra đó là tận thu khoáng sản trên sông Hồng.

18-54-08_tu-tri-qu-phi-ts-le-viet-son-pgsts-bui-nm-sch-tsnguyen-vn-tun-trong-cuoc-tro-chuyen-voi-pv-nnvn
Từ trái qua phải, TS Lê Viết Sơn, PGS.TS Bùi Nam Sách, TS Nguyễn Văn Tuấn trong cuộc trò chuyện với PV NNVN

Xung quanh câu chuyện siêu dự án giao thông thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng, PV NNVN đã làm cuộc trò chuyện bàn tròn với một số nhà khoa học thuộc Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT).

Hồ sơ dự án còn sơ sài

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, PGS.TS Bùi Nam Sách cho rằng, hiện trên toàn tuyến sông Hồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phương án phòng chống lũ, tưới tiêu. Ngoài ra, chưa có quy hoạch nào liên quan đến giao thông thủy kết hợp với thủy điện.

Dưới góc độ khoa học kỹ thuật và thực tiễn, chúng tôi cho rằng việc làm thủy điện trên sông Hồng là điều không cần thiết. Đề án của dự án này đặt ra chỉ 228 MW thì Việt Nam có đến mức phải thiếu điện để cấp phép cho một công trình thủy điện như thế đâu.

Qua nghiên cứu hồ sơ của chủ đầu tư là Cty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đối với dự án này, ông Sách cho rằng, hồ sơ dự án còn sơ sài, thiếu các bản vẽ mặt cắt ngang, mặt bằng của các đập trên sông, thiếu kết quả tính toán về quy mô cần nạo vét, chỉnh trị sông, ảnh hưởng của việc xây dựng các đập đến dân cư và đất đai ven sông. Hồ sơ còn thiếu kết quả tính toán ảnh hưởng của việc xây dựng các đập đến khả năng thoát lũ trên sông Thao.

PGS.TS Bùi Nam Sách cho rằng, việc xây dựng các đập dọc sông Thao sẽ làm dâng mực nước đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai trong điều kiện bình thường khoảng 11 m (phương án 3 bậc) và 9 m (phương án 6 bậc thủy điện của chủ đầu tư). Việc dâng mực nước trên sông sẽ làm giảm khả năng tiêu thoát nước của các khu vực dân cư, khu vực canh tác ven sông.

TP Lào Cai, TP Yên Bái sẽ bị ngập lụt

TS Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch Bắc bộ cho hay, ông đã đọc khá kỹ về hồ sơ dự án của Cty Xuân Thiện.

Tại cuộc trò chuyện, TS Lê Viết Sơn đã cắt nghĩa những vấn đề lớn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ thống sông Hồng cũng như đời sống dân sinh nếu dự án được triển khai. Dưới góc độ khoa học, TS Sơn lần lượt làm rõ 3 nội dung lớn đối với một dự án khai thác trên dòng sông.

Một là về cấp nước. Ông Sơn cho rằng, dự án này có tác dụng rất nhỏ đối với việc cấp nước khu vực từ Việt Trì đến Lào Cai, trong khi tác hại tiêu cực lại là rất lớn.

Cụ thể, khi nâng cấp, xây dựng các đập để ngăn sông làm thủy điện thì đoạn từ Việt Trì đến Lào Cai mực nước sẽ dâng cao hơn. Nghĩa là, việc hướng nước vào tưới sẽ dễ hơn. Song vùng này số lượng diện tích và quy mô lấy nước lại không nhiều. Do đó, vùng này có lợi về mặt tưới.

Trong khi đó vùng hạ lưu là cả ĐBSH với hơn 650.000ha sẽ hoàn toàn bất lợi. Đó là, khi làm các đập nước dâng, nếu mùa kiệt mà dâng nước lên để phục vụ cho giao thông đường thủy như dự án đặt ra, đồng nghĩa lượng nước về hạ du sẽ ít thì khả năng lấy nước tưới cho ĐBSH sẽ kém đi.

Ngoài ra, việc làm đập dâng nước như đề án, điểm cuối là tại Việt Trì (Phú Thọ) thì phía hạ du sẽ bị xói sâu của lòng sông. Vì khi ngăn đập 3 hay 6 bậc toàn bộ phù sa phía trên sông đều được giữ lại ở thượng lưu của các đập. Như thế, hạ du (ĐBSH) không những mất một lượng lớn phù sa màu mỡ mà lòng sông sẽ còn bị xói lan truyền làm cho mực nước mùa kiệt đã bị tụt xuống lại càng sâu thêm.

Hai là, về tiêu thoát nước của khu dân cư, canh tác ở thượng lưu (đoạn Việt Trì đến Lào Cai). Vấn đề này, TS Sơn cho rằng, khi xây dựng các đập ngăn sông, nâng mực nước trên sông lên (tùy từng phương án 3 hay 6 bậc của chủ đầu tư) thì đã nâng mực nước trên sông so với bình thường 4 – 9 m. Khi mực nước đang ở cao trình, nếu có mưa lũ thì mực nước trên sông sẽ nâng lên thêm 4 – 9 m nữa.

Do đó, khả năng tiêu thoát nước khu vực này sẽ giảm đi rất nhiều. Dân cư ven sông sẽ bị ảnh hưởng cả đời sống đến sản xuất, kinh doanh vì bị ngập úng.

18-54-08_song-hong-don-qu-cu-chuong-duong-v-long-bien-hi-ben-doc-bo-song-phu-s-boi-dp-ngut-ngn-mu-xnh-ho-mu-cu-cu-dn-hn
Sông Hồng đoạn qua cầu Chương Dương và Long Biên, hai bên dọc bờ sông phù sa bồi đắp ngút ngàn màu xanh hoa màu của cư dân Hà Nội

“Với bộ hồ sơ này của Cty Xuân Thiện, tôi đảm bảo khi mùa mưa lũ thì các TP Lào Cai và Yên Bái đều bị ngập sâu trong nước và việc tiêu nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do hồ sơ của dự án còn sơ sài nên việc định tính là chúng ta khẳng định được còn định lượng cụ thể ngập úng mức nào, vị trí đâu, bao nhiêu lâu thì phải có tính toán”, TS Lê Viết Sơn cho biết.

TS Lê Viết Sơn cảnh báo rằng, dự án này có đề xuất nạo vét, làm sâu lòng sông để phục vụ giao thông thủy thì tuyến sông Thao (đoạn qua Việt Trì – Lào Cai) là trung du miền núi, mái sông dốc. Khi nạo vét, đào sâu đáy sông thì khả năng sạt lở bờ, bãi đê sông sẽ xảy ra, kéo theo hạ tầng công trình tiêu, trạm bơm, công trình dân sinh, nhà ở dân cư, đất đai sản xuất… sẽ bị ảnh hưởng theo.

Ba là, về khả năng phòng chống lũ. Theo TS Sơn khi làm các đập, âu tàu thì dĩ nhiên đã co hẹp lòng sông lại. Khi co hẹp lòng sông, có lũ sẽ làm giảm khả năng thoát lũ của sông Thao. Lẽ ra báo cáo của Cty Xuân Thiện phải tính toán, định lượng được con số này.

Việc tính toán này hoàn toàn làm được và bắt buộc phải có đáp số để xây dựng các phương án phòng chống lũ sát với thực tế chứ không thể chung chung để rồi đến lúc đặt việc phòng chống lũ cho nhân dân và chính quyền vào tình thế bị động được.

Lợi ích dự án còn mơ hồ

Đây là ý kiến của TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật. TS Tuấn đồng tình với quan điểm của Viện trưởng Bùi Nam Sách rằng, chúng ta không đến mức thiếu điện để phải tổ chức xây dựng một công trình thủy điện trên sông Hồng chỉ với 228 MW.

Và tôi tin, dự án này mục tiêu lớn họ hướng đến không phải là thủy điện. Ngay trong báo cáo của Bộ GT-VT gửi Thủ tướng cũng đã nói rõ, một trong những nguồn thu của dự án chính là tận thu khoáng sản trên sông.

Còn đối với tham vọng của Cty Xuân Thiện xây dựng dự án giao thông thủy xuyên Á theo tính toán một cách khoa học của tôi thì họ sẽ không thể dừng lại ở 3 hay 6 đập thủy điện được (hiện điểm cuối là tại Việt Trì).

Ngay sau khi nhận được hồ sơ của dự án này, tôi đã xem trên bản đồ vệ tinh và đối chiếu các tài liệu khác thì điểm tiếp giáp của Việt Nam đến Vân Nam (Trung Quốc) chỉ đúng 100 km. Nghĩa là, muốn kết nối giao thông thủy xuyên Á thì bắt buộc Cty này phải kết nối với các tuyến đường thủy Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…

Mặc dù trong dự án họ có đề cập đến việc kết nối này nhưng lại chỉ đưa ra phương án 6 thủy điện dâng nước mà điểm cuối tại Việt Trì thì tôi khẳng định rằng hoàn toàn không khả thi. Do đó, muốn kết nối với các tỉnh này, buộc Cty phải xây dựng thêm các đập dâng ở phía hạ du sông Hồng. Lúc đó, các ảnh hưởng đến tiêu thoát nước và phòng chống lũ đối với hạ du sẽ chẳng khác nào với kịch bản ở phần thượng lưu mà TS Lê Viết Sơn đã phân tích trên.

Cho nên, nếu chúng ta không tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách sát với thực tế ngay từ bây giờ thì việc chúng ta bị động, lúng túng đối với phòng chống lũ, nhất là việc tiêu thoát nước ở nội đô đối với Hà Nội sẽ là bài toán khó cho sau này.

Chưa phê duyệt dự án sông Hồng

Chiều 9/5, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến các bộ, ngành, địa phương liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp với thủy điện trên sông Hồng.

Theo đó "Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật".

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.  

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực ĐBSH.

 

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.