| Hotline: 0983.970.780

Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây: Dân tố dự án không minh bạch

Thứ Ba 07/09/2010 , 10:03 (GMT+7)

Diện tích làm đường khoảng 14.000m2 nhưng diện tích đất thu hồi lại lên đến 47.278m2 (gấp hơn 3 lần diện tích làm đường).

Dự án làm đường Văn Cao - Hồ Tây dài 280m rộng 50m, diện tích làm đường khoảng 14.000m2 nhưng thu hồi đất của 4 cơ quan và hơn 400 hộ dân lên đến 47.278m2 (gấp hơn 3 lần diện tích làm đường).

Nhiều thửa đất không nằm trong trục đường Văn Cao – Tây Hồ vẫn bị thu hồi. Dự án làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của hàng trăm hộ dân, lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, để xây 2 cầu vượt theo trục đường Hoàng Hoa Thám (trước mắt xây một cầu) và “tiện cho việc mở rộng đường Hoàng Hoa Thám sau này” (Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám chưa có). Phải chăng lợi dụng dự án làm đường Văn Cao - Hồ Tây, chủ đầu tư đã “vẽ ra” một dự án treo ?

Việc xây dựng hai nhánh đường rẽ dài khoảng 400m ở phía bắc đường Hoàng Hoa Thám (từ dốc Đốc Ngữ đến phố Tam Đa), không có trong quy hoạch xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây đã được phê duyệt.

Cụ thể theo Quyết định số 70/2006/QĐ-UB ngày 16/5/2006 và Quyết định số 417/QĐ – UBND ngày 29/01/2007 của UBND TP. Hà Nội thì dự án đường Văn Cao - Hồ Tây không có hạng mục công trình hai nhánh đường rẽ. Do đó, việc thu hồi đất của người dân để xây dựng hai đường nhánh rẽ là trái pháp luật.

Vì những lý do trên các hộ dân bị mất đất mất nhà tại dự án này đã gửi nhiều đơn  khiếu nại tới các cấp và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội giải thích về lý do thu hồi đất, xây dựng hai đường nhánh rẽ, nhưng càng giải thích lại càng lộ rõ những mâu thuẫn quá lớn của dự án này. Cụ thể tại văn bản số 1503 ngày 26/9/2007, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP khẳng định lý do thu hồi đất của dân là để uốn và mở rộng đường Thụy Khuê, xây dựng trường học cho quận Tây Hồ và nhà khách của Bộ Quốc phòng nhưng sau đó chính Sở này lại có công văn số 1384 ngày 14/7/2008 khẳng định việc thu hồi đất của dân là để xây hai đoạn đường dẫn vuốt nối, khắc phục hiện tượng chênh lệch về độ cao rất lớn giữa đường Hoàng Hoa Thám và đường Văn Cao - Hồ Tây. Hai nội dung công văn với dấu đỏ do chính Sở Quy hoạch – Kiến trúc trả lời dân bất nhất như vậy, dân biết tin ở đâu?

Nghiên cứu Quyết định 1329/2007 và Quyết định 1868/2007 của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất để xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây thì thấy có nội dung còn chung chung, thu hồi  47.278 m2 đất của dân là “để làm nhà ở và các mục đích chuyên dùng khác”. Nội dung này khiến người dân không thể không khiếu kiện, đây là dự án làm đường Văn Cao - Hồ Tây, hay để “làm nhà ở và các mục đích chuyên dùng khác” cho tổ chức cá nhân nào?

Về dự án thu hồi đất xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây, Văn phòng Luật sư Hồng Bách và cộng sự đã có văn bản số 36/2010 gửi UBND TP. Hà Nội, nêu rõ sự thiếu minh bạch không rõ ràng trong việc thu hồi đất xây dựng 2 đường rẽ (không có trong quy hoạch của dự án này), đồng thời chỉ ra trình tự, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không tuân thủ đầy đủ và chính xác các quy định của pháp luật. Không có quyết định thu hồi đối với từng thửa đất; không công khai, những thông tin cần thiết về phương án bồi thường, hỗ trợ, tiêu chuẩn và giá bán nhà tái định cư theo đúng quy định của pháp luật và Quy hoạch, thiết kế chi tiết dự án đường Văn Cao - Hồ Tây.

Văn phòng Luật sư Hồng Bách và cộng sự khẳng định, việc thu hồi đất của người dân đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại: điều 25, điều 28 và điều 39 Luật Đất đai năm 2003; điều 18 và điều 27 Nghị định 181/2004, ngày 29/10/2004 của CP;  điều 52, điều 53, điều 57 Nghị định 84/2007 ngày 25/5/2007của Chính phủ.

Những người dân bị mất nhà, mất đất tại dự án đường Văn Cao – Hồ Tây cho biết, họ tuyệt đối chấp hành các đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Những người dân chỉ có một mong muốn, các quyền và lợi ích hợp pháp của dân phải cũng phải được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Phần đất bị thu hồi của dân phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật và phải được công khai minh bạch.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.