| Hotline: 0983.970.780

Dự án hồ thủy lợi Tả Trạch: Dân TĐC chật vật kiếm sống

Thứ Hai 23/11/2009 , 10:14 (GMT+7)

Sau 6 năm đến nơi ở mới, người dân vẫn chưa được trả lại đất theo quy định.

* Có đất ở nhưng không đất SX

Sau khi nhường đất cho dự án, nhiều hộ dân về TĐC tại bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc và rơi vào tình trạng thất nghiệp vì thiếu đất sản xuất

Năm 2003, khi triển khai Dự án hồ Tả Trạch (TT– Huế), hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 855 hộ ở vùng lòng hồ phải di dời đến 7 điểm tái định cư (TĐC) mới. Số diện tích đất bị thu hồi là 3.500ha, chiếm chủ yếu là đất rừng. Theo chủ trương của dự án, đến nơi ở mới người dân sẽ được cấp tối thiểu 1ha đất làm vườn, trồng cây lương thực, riêng đất rừng thì thực hiện chủ trương “đất đổi đất”.

Thế nhưng, sau 6 năm đến nơi ở mới, người dân vẫn chưa được trả lại đất theo quy định. Tại xã Bình Thành (huyện Hương Trà), số hộ dân bị di dời được bố trí thành ba khu TĐC: Hoà Bình, Hoà Thành và Bình Dương, mỗi khu định cư từ 50- 80 hộ. Trong tổng số 79 hộ dân tại khu TĐC Hòa Bình, có đến 70 hộ là thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 75%. Ông Nguyễn Chua, Trưởng thôn Hòa Bình, bức xúc: “Dù đến nơi ở mới có cơ sở hạ tầng đầy đủ, điện, đường tốt hơn nhưng thiếu đất sản xuất và không có việc làm. Người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói, nhiều người phải vào TPHCM kiếm việc”.

Ông Nguyễn Đình Phòng, một người dân tại KTĐC Hòa Bình, cho biết gia đình ông bị thu hồi 5ha đất, đến nơi TĐC chỉ được cấp 1ha đất vừa đất ở và đất vườn. Thiếu đất canh tác, gia đình ông phải lăn lộn đủ nghề để kiếm sống. “Suốt năm năm qua tôi liên tục gửi đơn lên huyện, tỉnh yêu cầu trả đất theo đúng thỏa thuận, nhưng đến nay vẫn chẳng có kết quả gì”, ông Phòng kể. Không riêng gì khu TĐC Hòa Bình, các hộ dân ở sáu khu TĐC còn lại của dự án hồ Tả Trạch cũng đang sống trong cảnh chật vật, mỏi mòn chờ được trả đất để canh tác.

Tại khu TĐC bản Phúc Lộc (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc), hàng ngày người dân phải đi bộ hơn ba giờ đồng hồ trở về chỗ ở cũ để trồng cây trên những diện tích nhỏ hẹp không bị ngập nước. Bà Hồ Thị Bông, lo lắng: “Chúng tôi chủ yếu phải đi bóc vỏ cây, làm cỏ hay đi cưa gỗ thuê kiếm sống. Một số hộ khác phải trở về nơi ở cũ, trồng cây hoa màu tại những chỗ chưa bị ngập nước. Nghe nói họ gần chặn dòng nước, lúc đó đất ngập hết, chắc cũng chẳng còn đất mô mà trồng cây”.

Còn chị Hồ Thị Lư cho biết, từ khi chuyển về khu TĐC Phúc Lộc, nghĩa là 6 năm nay, gia đình chị gồm 8 người chỉ biết ăn không ngồi rồi. Trước kia ở xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy, gia đình chị có 5ha đất trồng rừng, nhưng đến bản Phúc Lộc, chỉ được cấp vỏn vẹn 4 sào đất, bao gồm đất xây nhà ở. Chị than thở: “Đất ở đây lại quá cằn cỗi, chỉ trồng được nửa sào sắn, còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc”.

 Tại khu TĐC bản Phúc Lộc, hiện có hơn 100 hộ dân người dân tộc Cơ Tu vẫn chưa được cấp đất như thỏa thuận. Ông Phạm Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, bức xúc: “Dù đến nơi ở mới đã năm năm nay nhưng người dân vẫn chưa được cấp đất như thỏa thuận là “đất đổi đất”. Người dân bản Phúc Lộc hiện thiếu đất sản xuất trầm trọng. Trong khi việc cấp đất cho dân TĐC vượt quá tầm của chính quyền xã nên chúng tôi chỉ biết kiến nghị cấp trên”.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành (huyện Hương Trà), diện tích tự nhiên toàn xã là 6.500ha, trong khi đó đất của các lâm trường chiếm đến hơn 2.000ha nên địa phương không còn quỹ đất để bố trí cho các hộ tái định cư. “Hàng chục lần chúng tôi kiến nghị lên huyện, lên tỉnh thu hồi một số diện tích đất của lâm trường giao lại cho người dân sản xuất nhưng chưa nhận được phản hồi nào”, ông Trung nói.

Theo ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hương Trà, do quỹ đất ở huyện này quá ít, đa số là đất lâm trường nên không có quỹ đất cấp lại cho những hộ dân khi tới TĐC. “Chỉ có UBND tỉnh mới có quyền thu hồi đất của các lâm trường để cấp lại cho người dân”, ông Anh khẳng định.

Ông Lê Văn Anh cho biết, cuối năm 2008 huyện Hương Trà đã thu hồi 90ha rừng của dự án trồng rừng JBIC để cấp lại cho dân, nhưng chừng đó đất vẫn chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu đất sản xuất của hàng trăm hộ dân tại các khu TĐC.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất