| Hotline: 0983.970.780

Dự án Lifsap TP HCM, cơ hội cho chăn nuôi

Thứ Năm 22/10/2015 , 20:26 (GMT+7)

Khi tham gia dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap), người chăn nuôi TP.HCM không chỉ tránh được rủi ro về dịch bệnh, có thu nhập tăng mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu khí biogas...

Dự án Lifsap được Bộ NN-PTNT triển khai với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh, thành phố.

Trước đây, hộ anh Tô Văn Bình, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM thường lo dịch bệnh xảy ra cho đàn vật nuôi. Từ khi tham gia dự án, gia đình anh đã có thể tự tin chăn nuôi lớn.

Anh Bình cho biết, từ năm 2014 tham gia dự án, anh được tập huấn, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào chăn nuôi, tự tin đầu tư làm ăn lớn mà không còn lo dịch bệnh đe dọa đàn vật nuôi.

Trang trại của anh Bình có quy mô đàn heo lên đến 600 con, trừ mọi chi phí thức ăn, thuốc thú y… khi xuất bán cho thu lãi khoảng 400.000 đồng/con.

Ngoài ra, để tận dụng nguồn phân heo thải ra, anh xây hầm biogas gần 10 m3 để lấy chất đốt phục vụ đun nấu, sinh hoạt hàng ngày, vừa tiết kiệm được tiền mua gas mà còn đảm bảo được vệ sinh môi trường, phần chất thải dư thừa đem ủ làm phân bón bán cho các nơi trồng trọt.

Gia đình anh tính toán sẽ làm thêm 1 hầm biogas nữa để tận dụng hết chất thải còn dư để tránh ô nhiễm và tăng thu nhập.

Tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, số hộ tham gia nhóm SX chăn nuôi tốt (GAHP)  đã lên tới 143 hộ, chia thành 9 nhóm với tổng đàn heo sạch lên gần 12.000 con.

Chính quyền địa phương khẳng định mô hình này đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho các hộ nông dân ở đây, họ có thể dễ dàng tính toán được lợi nhuận cụ thể cho từng đợt đầu tư. 

Hiệu quả thiết thực từ chương trình GAHP đã hấp dẫn nhiều hộ nông dân học hỏi và SX bài bản. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 20% hộ dân nuôi nhỏ lẻ theo cách truyền thống.

Hơn thế, các cán bộ của Lifsap vẫn kiên trì từng bước theo sát nông dân để hỗ trợ họ khi gặp khó khăn. Ban quản lý dự án giúp cải thiện thiết bị chủ yếu của một số lò mổ tập trung trên địa bàn Củ Chi, Hóc Môn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lifsap còn kết nối đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Năm 2014 vận động Cty Vissan thu mua heo của hộ chăn nuôi tham gia dự án.

Năm 2015 Cty TNHH Dịch vụ An Hạ cũng đã bao tiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAHP của các nhóm hộ nông dân tham gia, mua theo giá thị trường không để nông dân bị ép giá. 

Ngoài ra, dự án còn tiếp tục mở rộng đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, có các khu riêng biệt bán thực phẩm tươi sống sạch, nhằm bố trí cho tiểu thương chỗ buôn bán chuyên nghiệp trực tiếp phân phối sản phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT kiêm GĐ Dự án Lifsap TP.HCM cho biết khi chợ được nâng cấp, các hộ tiểu thương sẽ cùng buôn bán trong các sạp có quy cách và mức độ vệ sinh an toàn cao, tăng tính cạnh tranh trong buôn bán, người tiêu dùng có thể an tâm tiếp cận được thực phẩm an toàn cho sức khỏe của mình.

Ngoài ra, các nhà vệ sinh công cộng trong chợ và hệ thống xử lý nước thải cũng được đầu tư, nâng cấp, tạo môi trường an toàn vệ sinh cho cộng đồng.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.