| Hotline: 0983.970.780

Dự án Luật tiếp công dân: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Thứ Tư 12/06/2013 , 11:12 (GMT+7)

Sau phần công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Quốc hội chuyển sang nội thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân.

Sáng 11/6, sau phần công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, Quốc hội chuyển sang nội thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân. Nhìn chung còn nhiều ý kiến khác nhau của ĐBQH đối với dự án Luật.  

Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) thì tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhưng thời gian qua, hoạt động tiếp công dân còn mang tính hình thức, thể hiện ở việc tiếp công dân chủ yếu còn là tiếp theo định kỳ. Tiếp công dân chưa gắn với việc kết luận, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động tiếp công dân chưa được đảm bảo tính pháp lý, thiếu sự phối hợp dẫn đến việc hướng dẫn, trả lời công dân thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan tiếp dân và người dân phải chạy lòng vòng, gây bức xúc. Cán bộ làm công tác tiếp dân ở một số nơi còn yếu về năng lực, trình độ, còn biểu hiện quan liêu, hách dịch, thiếu trách nhiệm, thậm chí còn thờ ơ, vô cảm với người dân.


ĐBQH Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: Ngọc Thắng (Thanh niên)

Cũng theo ĐB Thủy thì việc tiếp công dân của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc, thiếu đôn đốc, kiểm tra, còn xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh. Bên cạnh đó còn có nhiều trường hợp công dân đã lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, tụ tập đông người đến trụ sở hoặc nơi tiếp dân để gây áp lực với cơ quan Nhà nước. 

“Nếu tiếp công dân chỉ là đón tiếp, lắng nghe, tiếp nhận thì ai thực hiện cũng được. Có cần thiết phải quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị như tại Khoản 2, Khoản 3 của Điều 9 hay không?- BĐ Thủy đặt câu hỏi.

ĐB Thủy cho rằng tiếp công dân không nên quy định cứng là mấy buổi, mấy ngày trong tháng như tại Điều 10. Khi công dân có yêu cầu phản ánh, khiếu nại thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể ủy quyền hoặc cử người tiếp công dân.

Vấn đề này, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đồng quan điểm và cho rằng như thế là thiếu tính linh hoạt. Vì thực tế cho thấy đối với các cơ quan thường xuyên phải tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo thì 1 ngày trong 1 tháng là quá ít. Việc không nên quy định cứng nhắc lịch tiếp công dân như quan điểm của ĐB Thúy và ĐB Thủy, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát (ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cũng đồng tình.

Qua phân tích của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì thấy rõ bất cập đó. ĐB Cương nói: “Người dân quan tâm nhiều đến kết quả giải quyết khiếu nại thế nào chứ người ta cũng không quá câu nệ đến người tiếp đó là ai. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Cao Đức Phát, đoàn Đắk Lăk quy định Bộ trưởng phải tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại Điều 10 của dự thảo luật là quá cứng nhắc”.

ĐB Cương cho rằng: “Chúng ta làm việc phải theo hệ thống, khi nhận được khiếu nại của công dân thì cơ quan chức năng của Bộ sẽ tiếp nhận rồi mới trình lên Bộ trưởng để xem xét. Nếu chỉ căn cứ vào một buổi tiếp công dân rồi giải quyết luôn là không ổn, bởi Bộ trưởng không thể ngồi nghe rồi giải quyết luôn”.

Theo ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) thì lỗi trong thời gian qua không phải là thiếu chế định về công tác tiếp dân mà nguyên nhân chính là do tổ chức thực thi pháp luật chưa tốt, chưa hợp với lòng dân. ĐB Hà nêu ví dụ việc bồi thường GPMB về đất đai, nghiêm chỉnh chấp hành thì nhận được ít, sau đó thì khiếu nại, tố cáo, chính sách thay đổi thì lại nhận được nhiều hơn.

Về trụ sở tiếp công dân, ĐB Hà kiến nghị không nên hình thành ra một tổ chức mang tính chất pháp nhân vì như thế sẽ thêm biên chế, tốn kém.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) tỉnh Trà Vinh cho rằng trụ sở tiếp công dân không phải là một cơ quan quản lý nhà nước độc lập để có thể có con dấu, có tài khoản riêng hay tăng cơ sở vật chất.

Đồng quan điểm với ĐB Khá, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng trụ sở tiếp công dân chỉ là địa điểm tiếp nhận hồ sơ, không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết. Do vậy, không nên có tư cách pháp nhân và tài khoản, mà chủ yếu nên có con dấu để tiếp nhận, bàn giao hồ sơ. Mọi hoạt động này nên giao cho Văn phòng UBND hoặc là Văn phòng Chính phủ.

Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là một dự án luật rất quan trọng. Qua thảo luận tại tổ và hôm nay ở hội trường thì thấy còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thanh tra Chính phủ và Ủy ban pháp luật của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với nhau và làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức khác nữa để hoàn chỉnh nâng cấp để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay dự án luật này.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tâm tư: “Người dân mong Bộ trưởng tiếp không chỉ là bộ trưởng mà mong Bộ trưởng trên cương vị là thành viên của Chính phủ. Khi bộ trưởng ý thức được vai trò là một thành viên Chính phủ thì khiếu nại, tố cáo của họ mặc dù khiếu nại đó có thể không thuộc lĩnh vực công tác mà Bộ trưởng được giao. Vấn đề đặt ra là kết quả và hiệu quả giải quyết khiếu nại đến đâu mà thôi”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất