| Hotline: 0983.970.780

Dự án ngàn tỷ chết lâm sàng

Thứ Ba 17/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Vạch ra mục đích hết sức rõ ràng, Dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng những tưởng sẽ sớm đánh thức khu vực miền Tây xứ Nghệ.

Dự án được kỳ vọng tạo đà phát triển cho huyện Con Cuông và khu vực miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Dự án được kỳ vọng tạo đà phát triển cho huyện Con Cuông và khu vực miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Việt Khánh.

Tiếc thay sau hơn chục năm niềm tin ấy vẫn nằm vẹn nguyên trên giấy, mọi thứ lúc này thực sự gian nan.

5 huyện chưng hửng

Chủ đầu tư dự án trên là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu (CP XNK) Tân Hồng, có địa chỉ tại A18 – BT3 – Khu đô thị Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội.

Theo dự toán tổng vốn đầu tư vào khoảng 1.255 tỷ đồng, dự án này áp dụng dây chuyền công nghệ Trung Quốc với công suất khoảng 45 nghìn tấn/năm.

Mục tiêu của dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng hướng đến là hình thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đầy đủ nguồn đầu vào. Qua đó góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, thu hút lao động địa phương tham gia công tác bảo vệ rừng, từng bước phát triển vùng nguyên liệu nhằm thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách của địa phương.

Mối liên kết giữa đôi bên để tạo nên vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy sớm đổ vỡ. Ảnh: Việt Khánh.

Mối liên kết giữa đôi bên để tạo nên vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy sớm đổ vỡ. Ảnh: Việt Khánh.

Trên tinh thần đó, ngày 7/7/2009 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3226/QĐ-UBND.ĐT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng áp dụng tại 26 xã (127 tiểu khu) thuộc 2 huyện Tương Dương và Con Cuông. Tổng diện tích quy hoạch trên 21.737 ha, hiện trạng chủ yếu là đất trống.

Đánh giá một cách khách quan, Công ty CP XNK Tân Hồng chịu thiệt hại nặng nề hơn cả khi chi ra nguồn kinh phí không nhỏ nhưng chẳng thể thu về thành quả như mong muốn. Ở chiều ngược lại, chính người dân tham gia liên kết là đối tượng được hưởng lợi lớn khi đều đặn thu hoạch thành phẩm trong chu kỳ đầu.

Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, hệ lụy của việc “bút sa gà chết” mới là điều đáng lưu tâm. Trên thực tế cả 5 huyện vướng vào quy hoạch đều loay hoay như gà mắc tóc, không tài nào gỡ được nút thắt đồng nghĩa với mọi kế hoạch đành phải gác lại vô thời hạn.

Chưa dừng lại, ngày 29/10/2009, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ký công văn số 5581/QĐ-UBND.NN phê duyệt quy hoạch mở rộng thêm 25.381 ha vùng nguyên liệu, trải dài khắp 3 huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ.

Qua rà soát tổng diện tích liên doanh liên kết của dự án đạt trên 47.118 ha. Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, năm 2010 Cty CP XNK Tân Hồng bắt tay vào đầu tư vốn, hỗ trợ cây giống và công nghệ để người dân tiến hành trồng mới trên một số diện tích.

Song song với đó, đơn vị này cũng gấp rút xây dựng nhà máy tại địa bàn xã Chi Khê, huyện Con Cuông.

Thiên thời địa lợi nhân hòa, những tưởng đây là dấu mốc quan trọng tạo đà đánh thức tiềm năng to lớn của khu vực miền Tây xứ Nghệ vốn dĩ đang trong cơn ngủ vùi. Nào ngờ kỳ vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, hàng loạt sự cố thi nhau ập đến ngay kế đó đã đẩy dự án ngàn tỷ đồng vào tình cảnh chết… lâm sàng.

Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc người đại diện pháp luật của đơn vị này là ông Trịnh Khánh Hồng, Chủ tịch HĐQT bị khởi tố vào năm 2012 do vướng vòng lao lý. Thiếu người lãnh đạo khiến nhà máy lâm vào tình cảnh rắn mất đầu, diễn biến tình hình ngày một xấu đi, mọi kế hoạch vạch sẵn cứ thế bị xáo trộn tứ tung.

Tiến độ sản xuất kinh doanh đình trệ khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục thu mua nguyên liệu và vận hành chế biến. Sự cố ập đến bất chợt cũng ảnh hưởng đến quy trình trồng rừng mới cũng như nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng đã hình thành trước đó.

Gắng gượng thêm một thời gian ngắn, nhà máy chính thức ngừng hoạt động ngay trong năm 2012.

Qua theo dõi được biết, mặc dù mang danh dự án ngàn tỷ, trực tiếp tác động đến đời sống sinh kế của hàng ngàn hộ dân vùng cao nhưng quá trình phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương nhìn chung thiếu sự kết dính cần thiết.

Thực tế Cty CP XNK Tân Hồng không có các văn bản hướng dẫn về chính sách trồng rừng và không báo cáo hoạt động đầu tư với các huyện. Chẳng thế đến tận lúc này, nhiều địa phương vẫn khá mơ hồ về kinh phí và diện tích đã thực thi.

Một mớ bòng bong

Theo quy hoạch có tổng cộng 87 xã của 5 huyện miền núi là Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ tham gia trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy Tân Hồng.

Dự án chết yểu đồng nghĩa với đời sống của hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu bị liên đới theo. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ nút thắt là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, dù vậy để giải bài toán khó là điều không thể làm được chỉ trong một sớm một chiều.

5 huyện vùng cao tham gia dự án gặp nhiều khốn đốn khi nhà máy ngàn tỷ đình trệ. Ảnh: Việt Khánh.

5 huyện vùng cao tham gia dự án gặp nhiều khốn đốn khi nhà máy ngàn tỷ đình trệ. Ảnh: Việt Khánh.

Dùng dằng mãi, đến tận 2017 Sở KH-ĐT và các bên liên quan (Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT; Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Hồng Hà, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An, UBND huyện Con Cuông…) mới ngồi lại với nhau để chốt phương án sau cùng.

Trên cơ sở kết luận chung, Sở KH-ĐT đã tham mưu lên UBND tỉnh Nghệ An phương án chấm dứt hoạt động của Dự án nhà máy sản xuất và chế biến bột giấy Tân Hồng, qua đó giải tỏa phần nào áp lực cho 5 huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ.

Theo dòng sự kiện, ngày 24/10/2017 Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 11312/VPCP-V.I truyền tải ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai hỗ trợ nhà đầu tư và Ngân hàng Agribank xây dựng phương án phục hồi hoạt động của Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng. Trường hợp không còn khả năng phục hồi cần xem xét chấm dứt hoạt động và xử lý vùng nguyên liệu theo quy định.

Có sự gợi mở từ Trung ương nhưng để giải quyết một cách trọn vẹn là điều không đơn giản. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại, mọi việc vẫn như một mớ bòng bong.

Tại văn bản số 1935/SNN-KHTC ngày 5/7/2019 về việc “Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy bột giấy Tân Hồng”, Sở NN-PTNT Nghệ An kết luận: “Quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty CP XNK Tân Hồng đến nay không còn triển khai, nhà đầu tư cũng không có văn bản xin tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện quy hoạch được duyệt. Mặt khác, công ty Tân Hồng và chi nhánh tại Nghệ An đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế, bản thân người đại diện pháp luật đang bị tạm giam.

Đối chiếu theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 48 của Luật Đầu tư 2014 thì dự án đủ điều kiện để hủy bỏ”.

Cơ sở pháp lý chứng thực rành rành nhưng câu chuyện xoay quanh dự án nhà máy ngàn tỷ vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong vụ việc này tỉnh Nghệ An và 5 huyện liên đới thực sự rối bời.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất