| Hotline: 0983.970.780

Dự án nuôi gà vừa làm, dân đã không muốn tham gia nữa

Thứ Ba 30/03/2021 , 00:31 (GMT+7)

Dự án nuôi gà kéo dài trong 36 tháng, triển khai ở 10 xã, nhưng chỉ sau hơn 5 tháng (tức hơn 1 lứa gà) thì chưa có hộ dân nào tiếp tục thực hiện.

Người dân tố doanh nghiệp không đúng cam kết

Dự án nuôi gà thịt lông màu (gà lai ri Hòa Bình) phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM), được triển khai đồng bộ ở 10 xã của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), thời gian thực dự án là 36 tháng (bắt đầu triển khai từ tháng 10/2020). Tổng số tiền hỗ trợ cho người dân, trả cho những doanh nghiệp thực hiện dự án là khoảng 1,5 tỷ đồng.

Đàn gà nhà ông Chu Văn Chính (xã Phương Viên, Chợ Đồn, bắc Kạn) hiện vẫn chưa được doanh nghiệp đến thu mua. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đàn gà nhà ông Chu Văn Chính (xã Phương Viên, Chợ Đồn, bắc Kạn) hiện vẫn chưa được doanh nghiệp đến thu mua. Ảnh: Toán Nguyễn.

Những xã thuộc Chương trình 135 (xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu...) người dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% tiền giống, thức ăn và thuốc thú y; những xã không phải 135 thì được hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%.

Chủ đầu tư là UBND xã, đơn vị được giao thực hiện dự án sẽ do các xã lựa chọn trên cơ sở các doanh nghiệp đã được UBND huyện Chợ Đồn lựa chọn và giới thiệu. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu gà thương phẩm theo giá thỏa thuận với bà con.

Tại xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn), đơn vị được giao thực hiện dự án là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ba Bể (có trụ sở đăng ký tại tổ 16, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn). Lứa gà đầu tiên được bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2020, có tổng 5 hộ tham gia dự án với tổng số gà là 1.700 con, mỗi hộ 340 con. Đến ngày 19/3/2021 là thời hạn cuối cùng doanh nghiệp sẽ phải thu mua toàn bộ gà bà con.

Tuy nhiên, quá thời hạn trên đã lâu, nhưng doanh nghiệp đã không thực hiện theo đúng cam kết, chỉ thu mua với số lượng nhỏ chưa tới 100 con. Hộ dân nào năng động bán được ra ngoài thì bán, không thì đành phải nhốt chuồng duy trì mỗi ngày lên đến 300.000 đ tiền cám.

Tại các xã khác cũng thực hiện dự án, người dân cơ bản đã bán tự do ra ngoài thị trường chứ không chờ doanh nghiệp về thu mua. Thậm chí là bán trước Tết nguyên đán 2021, khi gà mới đạt khoảng1,5 kg.

Vì vậy có thể khẳng định, doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, nhưng phần lớn chính những người dân thực hiện dự án cũng vì thấy lợi ích đã vi phạm cam kết trước.

Nhùng nhằng đổ lỗi trách nhiệm

Theo ông Lục Đình Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn, Dự án chăn nuôi gà phát triển theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai với mục tiêu tốt đẹp là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập các hộ dân. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu nhỏ ở địa phương vốn phụ thuộc vào lượng gà dưới xuôi như hiện nay. Quan trọng nhất là xây dựng được phong trào nuôi gà thương phẩm có giá trị cao...

Doanh nghiệp chỉ có khả năng thu mua nhỏ lẻ, nên nhiều người dân không thể tiêu thụ được gà khi đến kỳ xuất bán. Ảnh: Người dân xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cung cấp

Doanh nghiệp chỉ có khả năng thu mua nhỏ lẻ, nên nhiều người dân không thể tiêu thụ được gà khi đến kỳ xuất bán. Ảnh: Người dân xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cung cấp

Chính vì vậy, huyện Chợ Đồn đã xây dựng chương trình này theo nhu cầu đăng ký từ các xã, bằng nguồn vốn sự nghiệp xây dựng NTM. Sau đó, dự án được triển khai đồng bộ ở 10 xã, mỗi xã 4 – 5 hộ, mỗi hộ nuôi khoảng trên dưới 300 con gà.

Dự án được tiến hành bài bản từ việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý, quản lý chuỗi giá trị, phát triển thị trường. Những hộ dân tham gia dự án được đi thăm quan thực tế tại các mô hình nuôi gà ở các địa phương khác.

Tuy nhiên khi dự án vừa triển khai, người dân vừa được nhận gà, thức ăn và thuốc thú y, thì chủ đầu tư là UBND các xã đã giải ngân toàn bộ tiền thực hiện dự án cho doanh nghiệp, mà chưa cần phải nghiệm thu kết quả thực hiện và hiệu quả ra sao.

Giải thích cho vấn đề này, lãnh đạo các xã đều có chung một lý do, đó là việc thực hiện dự án theo vốn năm 2020 nên phải thanh toán vốn trong năm, không thể để sang năm 2021. Doanh nghiệp đã đầy đủ giấy tờ cung ứng hàng hóa cho bà con, vì vậy giải ngân theo đúng quy định và chỉ đạo của Phòng Tài chính huyện.

Chủ đầu tư giải ngân xong dự án, còn doanh nghiệp sau khi nhận được tiền thì gần như xong nhiệm vụ, cũng không đôn đốc và giám sát việc thực hiện dự án của người dân, dẫn tới việc người tự phá vỡ cam kết trước, bán gà ra thị trường khi thấy có lãi.

Những hộ chưa bán, hoặc chưa bán hết đến hạn gọi doanh nghiệp về mua, thì doanh nghiệp chỉ mua nhỏ lẻ vài chục con theo kiểu chống đối và lấy lý do gà không đạt tiêu chuẩn nên không mua cho người dân.

Gía gà giống 1 ngày tuổi lên tới 21.000 đ/con!

Có thể khẳng định, những doanh nghiệp được huyện Chợ Đồn giới thiệu cho các xã thực hiện dự án như HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Ba Bể hay HTX Nông nghiệp Ngọc Hải (thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn)… đều là những doanh nghiệp không có ghi nhận về năng lực có thể cung ứng số lượng lớn (trên 1 tấn) gà thương phẩm ra thị trường một lúc. Trong danh sách những trại gà có trên 3.000 con của tỉnh Bắc Kạn cũng không có tên những doanh nghiệp này.

Theo tiêu chuẩn chăn nuôi gà ri lai Hòa Bình hiện nay, vòng quay một lứa gà sẽ là 15 – 16 tuần, tương đương với khoảng 3 tháng 20 ngày, đảm bảo theo quy trình 1 năm người chăn nuôi sẽ xuất bán được 3 lứa gà.

Nhưng thời gian thực hiện nuôi theo quy định tại dự án này tại Chợ Đồn lên tới 5 tháng, không phù hợp theo quy trình chăn nuôi, dẫn tới giá thành đội lên cao, phải trên 70.000đ/kg mới có lãi, nên sẽ không có khả năng cạnh tranh với gà đưa từ nới khác về bán trên thị trường huyện Chợ Đồn là 50.000đ/kg.

Theo hồ sơ dự án, việc áp giá gà giống 1 ngày tuổi lên tới 21.000 đ/con là quá cao so với thực tế. Qua tìm hiểu của phóng viên tại các cơ sở cung ứng giống gà lai ri Hòa Bình, thời điểm hiện tại cơ sở giống Thu Hà (trụ sở tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) cung cấp lên thị trường Bắc Kạn chỉ 8.000 đ/con, trại giống HTX gà Lạc Thủy (xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) vào khoảng 10.500 đ/con. Cao điểm nhất cũng chỉ có giá vào khoảng hơn 12.000 đ/con.

Một số hộ có gà hơn 5 tháng tuổi chưa được xuất bán. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một số hộ có gà hơn 5 tháng tuổi chưa được xuất bán. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân không muốn tiếp tục thực hiện dự án

Ông Nông Đình Huế, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh, cả xã có 4 hộ dân ở thôn Nà Pát tham gia thực hiện dự án chăn nuôi gà với tổng số 830 con (có 3 hộ nuôi 200 con, 1 hộ nuôi 230 còn). Người dân chỉ cần chuẩn bị chuồng trại, còn 100% về giống, thức ăn và thuốc thú y lên tới hơn 80 triệu đồng đều được dự án hỗ trợ.

Đến dịp Tết nguyên đán 2021, gà mới được gần 3 tháng tuổi, nhưng người dân đã bán khoảng 50% ra ngoài. Đến nay, cơ bản đã bán tự do hết, có 2 hộ dân chỉ còn vài chục con chưa bán được. Dự án lứa đầu tiên đã kết thúc, nhưng chưa có hộ nào tiếp tục triển khai.

Không chỉ có Yên Thịnh, mà ở các xã khác cũng diễn ra tình trạng như vậy, người dân không tiếp tục chăn nuôi theo dự án nữa. Lý do mà họ đưa ra là, việc được hỗ trợ 100% (giống, thức ăn, thuốc thú y) thì còn được, vì không mất gì mà còn thu được tiền. Nhưng không hỗ trợ như vậy nữa, chăn nuôi không có đầu ra, không cạnh tranh được giá gà từ nơi khác về thì không nuôi nữa.

Ông Lục Đình Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn thừa nhận đến nay, chưa có đánh giá cụ thể về dự án, nhưng nhận thấy có một số điểm còn hạn chế nên dẫn tới hiệu quả chưa cao. Như việc người dân ỷ lại vào cơ chế, chính sách, không áp dụng đúng khoa học – kỹ thuật vào thực hiện, mà chăn nuôi theo thói quen tập quán...

Trong quá trình triển khai dự án, bà con không thực hiện theo đúng yêu cầu về kỹ thuật, chuồng trại không đúng theo quy định. Nếu sau này muốn phát triển được về chăn nuôi, muốn cạnh tranh được với gà trên thị trường thì phải chăn nuôi quy mô lớn, đúng kỹ thuật, bài bản,…

Ông Hoa cho biết thêm, đợt tới sẽ cho đánh giá toàn bộ Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gà thịt lông màu, nếu thấy không hiệu quả sẽ phải chuyển sang mô hình khác.

Xem thêm
Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.